Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPhản ứng khác biệt của lãnh đạo Nhật, Hàn với phát ngôn...

Phản ứng khác biệt của lãnh đạo Nhật, Hàn với phát ngôn của TQ hé lộ cán cân quyền lực 3 nước

Trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến thăm Trung Quốc.

Từ trái qua: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Abe. Ảnh: Nikkei.

Hai cách phản ứng khác nhau với phát ngôn của Trung Quốc

Một cuộc họp 3 bên được tổ chức ở Thành Đô, Tứ Xuyên, do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì.

Bất ngờ đầu tiên đến vào chiều thứ Hai, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trước khi lên đường đến Thành Đô.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Moon phát biểu rằng “vấn đề Hồng Kông và Tân Cương đều là vấn đề nội bộ của Trung Quốc” và với lịch sử giao lưu và cùng chung cội nguồn văn hóa, Hàn Quốc và Trung Quốc kiến tạo một cộng đồng có chung tương lai”.

Truyền thông Trung Quốc ngay lập tức đưa tin. Trong khi đó, theo văn phòng tổng thống của Hàn Quốc, Tổng thống Moon chỉ đơn giản “ghi nhận” các phát biểu của ông Tập về các vấn đề Hồng Kông và liên quan đến người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng Seoul đã không đưa ra lời phản đối. Có thể hiểu, Hàn Quốc đã im lặng gật đầu trước mong muốn của Trung Quốc, tờ Nikkei bình luận.

Sau đó, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tin tức hàng đầu trên chương trình tin tức chính của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào tối thứ Hai và trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào thứ Ba, chứ không phải hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe và ông Tập diễn ra cùng ngày.

Động thái này dường như phản ánh cán cân quyền lực hiện tại giữa các quốc gia.

Đương nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra các vấn đề Hồng Kông và Duy Ngô Nhĩ trong cuộc gặp với ông Abe vài giờ sau và cảnh báo, rằng cả hai đều là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Abe bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Hồng Kông và kêu gọi kiềm chế và giải quyết sớm tình hình. Thủ tướng Nhật cũng kêu gọi Trung Quốc đưa ra lời giải thích “minh bạch” về các điều kiện nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ.

Cụm từ “một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại” đã không xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Trung Quốc.

Cán cân Trung – Nhật – Hàn

Một nguồn tin quen thuộc với chính sách ngoại giao châu Á của Bắc Kinh nói với Nikkei rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thuyết phục được ông Moon Jae-in. Các vấn đề nội trị của Hàn Quốc, trong đó có việc nền kinh tế suy thoái cũng là một phần nguyên nhân, nguồn tin này lý giải.

Quan hệ xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có lợi cho Trung Quốc. Hiện tại, khi mối quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản đang ở trong tình trạng khó khăn, ông Moon sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.

Với Nhật Bản, ông Abe đến thăm Trung Quốc lần này là để tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Về mặt lý thuyết, ông Abe không phải là khách mời của ông Tập.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn mời ông Abe ăn tối, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cùng ông Abe thị sát hệ thống thủy lợi ở Tứ Xuyên vào thứ Tư. Thủ tướng Nhật Bản được tiếp đón nồng nhiệt ở Trung Quốc.

Các cuộc họp trong tuần này với Thủ tướng Nhật và Tổng thống Hàn Quốc nhằm đưa hai nước láng giềng đến gần với Trung Quốc hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và nền kinh tế đang chậm lại.

Việc Nhật Bản và Hàn Quốc đến gần hơn với Trung Quốc sẽ có lợi cho Bắc Kinh trên các mặt ngoại giao, an ninh và kinh tế.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Nhật Bản và Trung Quốc tiến tới hàn gắn các mối quan hệ. Hiện giờ, 7 năm sau, Trung Quốc mong muốn một khẩu hiệu mới để mô tả quan hệ với Nhật Bản.

Bắc Kinh muốn tìm kiếm một mối quan hệ phù hợp cho kỷ nguyên mới của ông Tập.

Tuy nhiên, Nhật Bản thấy không cần thiết phải thay thế từ trong tài liệu được ký năm 2008 trong chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào tới Nhật Bản. Cụm từ được ghi trong tài liệu đó là “mối quan hệ chiến lược, cùng có lợi”.

Vừa qua, Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản đồng ý nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Nhưng việc thuyết phục Nhật Bản đi ngược lại với mong muốn của Mỹ và ủng hộ đề xuất do Trung Quốc và Nga cùng đệ trình là một đòi hỏi quá cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới