Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBầu cử 2020: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ đắc...

Bầu cử 2020: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ đắc cử

Ngày 11/1 tới, Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống, với sự cạnh tranh giữa 3 ứng cử viên là liên danh Thái Anh Văn – Lại Thanh Trường của Đảng Dân Tiến; liên danh Hàn Quốc Du – Trương Thiện Chính của Quốc Dân Đảng; Tống Sở Dụ – Dư Tương của Đảng Thân Dân. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy liên danh của bà Thái Anh Văn đang dẫn đầu so với các ứng cử viện khác.

Quỹ Dân ý Đài Loan (TPOF, 30/12) đã công bố kết quả cuộc thăm dò cuối cùng với câu hỏi: “Nếu ngày mai bầu cử thì bạn sẽ chọn ai trong 3 ứng cử viên?”. Kết quả cho thấy 52,5% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho là liên danh Thái Anh Văn – Lại Thanh Trường của Đảng Dân Tiến, 21,9% sẽ bỏ cho liên danh Hàn Quốc Du – Trương Thiện Chính của Quốc Dân Đảng, 9,5% bỏ cho Tống Sở Dụ – Dư Tương của Đảng Thân Dân, còn lại 10,8% số người được hỏi cho biết họ chưa quyết định bỏ cho ai. Theo ông Du Doanh Long, Chủ tịch TPOF cho biết, so sánh cuộc thăm dò này với cuộc thăm dò tháng 11, số người ủng hộ liên danh Thái Anh Văn – Lại Thanh Trường giảm 2,7 %, liên danh Hàn Quốc Du – Trương Thiện Chính giảm 4,4%, liên danh Tống Sở Dụ – Dư Tương tăng 1,9% và số người chưa quyết định tăng 6,5%. Ông Du Doanh Long phân tích, sự ủng hộ với cả hai liên danh của Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng đều giảm, điều này không phù hợp với dự đoán về “hiệu ứng Hàn Quốc Du”. Sự gia tăng đáng kể số người chưa quyết định có thể là một sự thay đổi có tính sách lược từ những người ủng hộ Hàn Quốc Du, nhưng tổng số không vượt quá 5 điểm phần trăm, nghĩa là hiệu ứng Hàn Quốc Du không đủ để ảnh hưởng đến xu hướng chung của cuộc bầu cử. Cuộc thăm dò này cũng khảo sát xu hướng bỏ phiếu của công chúng. Kết quả: 61,4% đã quyết định, 35% chưa quyết định và 3,6% không biết và từ chối trả lời. Nói cách khác, hơn chục ngày trước ngày bầu cử, 61% cử tri đã quyết định bầu chọn cho ai và 35% cử tri còn chưa quyết định. Về việc có đi bỏ phiếu vào ngày 11/1/2020 hay không? Kết quả là 72,6% số người được khảo sát cho biết họ sẽ đi bỏ phiếu.

 Đáng chú ý, ba ứng cử viên Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến, Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng, và Tống Sở Du của Đảng Thân Dân (29/12) cũng đã tiến hành một cuộc tranh luận trên truyền hình. Ba người đã trình bày cương lĩnh, quan niệm cai trị và chấp nhận trả lời các câu hỏi sắc bén từ các cơ quan truyền thông tại chỗ, đồng thời tiến hành chất vấn và phản bác gay gắt với nhau. Theo kết quả thăm dò do Trung tâm thăm dò dân ý của Đài truyền hình TVBS Đài Loan (29/12) cho thấy mức ủng hộ hiện tại đối với liên danh Thái Anh Văn – Lại Thanh Trường của Đảng Dân Tiến lên tới 45%, bỏ khá xa các đối thủ. Ngoài ra, công chúng đã đánh giá màn trình diễn của ba ứng cử viên tổng thống trong cuộc tranh luận trên truyền hình ngày hôm đó. Có đến 41% người dân cho rằng màn trình diễn của bà Thái Anh Văn là tốt nhất trong cuộc tranh luận. Chỉ có 27% số người ủng hộ Hàn Quốc Du và chỉ 13% ủng hộ Tống Sở Du.

Trong một động thái liên quan, nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Đài Loan, Cơ quan lập pháp Đài Loan (31/12) đã chính thức thông qua dự luật nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ chính quyền Bắc Kinh.Đạo luật chống xâm nhập là kết quả của nỗ lực đối phó với cái mà Đài Loan gọi là tình trạng Bắc Kinh liên tục can thiệp vào hòn đảo này trong nhiều năm qua của chính quyền Đài Bắc. Phát biểu trước cơ quan lập pháp, thành viên đảng cầm quyền Dân Tiến (DPP) Trần Âu Phách khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất mà Đài Loan phải đối mặt; nhấn mạnh “Đài Loan đang ở tuyến đầu đối mặt với sự xâm nhập của Trung Quốc và chúng tôi cần có luật chống xâm nhập để bảo vệ quyền lợi của người dân”. Được biết dự luật chống xâm nhập lần đầu được đảng DPP và bà Thái đề xuất hồi tháng 11/2019. Nội dung chủ yếu nhắm vào các hoạt động có sự chống lưng của các “lực lượng thù địch” bên ngoài (ở đây được hiểu là Trung Quốc) như quyên tiền cho các đảng phái chính trị bất hợp pháp, vận động hành lang, can thiệp bầu cử hay lan truyền tin giả. Những nội dung trên vốn chưa từng xuất hiện trong các bộ luật hiện hành của Đài Loan. Như vậy, theo đạo luật mới, bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đảng phái nào nhận tài trợ chính trị từ lực lượng thù địch bên ngoài hay giúp mở rộng ảnh hưởng của lực lượng thù địch tại Đài Loan sẽ đối mặt với án tù tối đa năm năm và số tiền phạt tối đa là 334.000 USD. Dù vậy, một số nhà lập pháp có quan điểm trái chiều khi nhận định đạo luật mới sẽ đe dọa bất kỳ ai đang giao thiệp với phía Trung Quốc, nơi hàng trăm ngàn người Đài Loan đang làm việc, sinh sống và học tập.

Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Wang Yeh Lih, thuộc Đại Học Quốc gia Đài Loan, “tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở thành một yếu tố quyết định trong các cuộc thăm dò”. Đảng Dân Tiến vận động bầu cử với khẩu hiệu “Chống Trung Quốc, Bảo vệ Đài Loan” và kêu gọi cử tri nhìn vào trường hợp “Hồng Kông hiện nay có thể là sẽ là Đài Loan trong tương lai”. Dù Hồng Kông được hưởng quy chế “một quốc gia, hai chế độ”, Bắc Kinh vẫn can thiệp sâu rộng vào đặc khu hành chính này. Ngoài ra, điểm tín nhiệm đối với tổng thống Thái Anh Văn bắt đầu gia tăng từ tháng 01/2019 sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một bài diễn văn, khẳng định thống nhất Đài Loan là “điều không tránh được” và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần. Tiếp theo, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Đài Bắc, khẳng định Đài Loan là thuộc phần lãnh thổ “một nước Trung Hoa thống nhất”, cắt đường liên lạc chính thức, gia tăng sức ép quân sự và kinh tế, cô lập Đài Loan trên trường quốc tế…

Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Thái Anh Văn đã giành chiến thắng khi nhận được 6.894.744 phiếu bầu (tương đường 56,12%); Chu Lập Luân, Chủ tịch đảng Quốc dân, nhận được 3.230.000 phiếu bầu; Tống Sở Du, Chủ tịch đảng Thân dân, nhận được 960.000 phiếu bầu, ngoài ra còn có lực lượng đảng phái nhỏ khác, nhận được số phiếu không đáng kể. Trong 113 ghế Viện Lập pháp (Quốc Hội), đảng Dân Tiến 68 ghế, tăng 28 ghế (so 2012); đảng Quốc dân 35 ghế, giảm 29 ghế (so 2012); đảng Thân dân 3 ghế; đảng phái khác 2 ghế; Lực lượng thời đại 5 ghế. Như vậy bà Thái Anh Văn, đảng Dân Tiến đã thắng áp đảo không chỉ ở vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống khóa 19 Trung Hoa Dân quốc, mà cả ở Viện Lập pháp khóa 9, là lần thứ ba luân phiên đảng cầm quyền, và là lần đầu luân phiên Viện Lập pháp. Thái Anh Văn trở thảnh nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Trung hoa Dân quốc, là người nữ đứng đầu nhà nước thứ hai trong lịch sử Trung Quốc. Còn đảng Quốc Dân, đây là lần thất bại thảm hại nhất trên các mặt : mất vị trí cầm quyền, mất vị trí đảng đối lập mạnh trong Viện Lập pháp, mất nhiều vị trí cấp chính quyền địa phương, mất lòng dân, mất nguồn nhân tài.

Bà Thái Anh Văn sinh năm 1956 tại thành phố Đài Bắc, từng là Phó Viện trưởng Viện Hành chính Trung hoa dân quốc, Ủy viên Viện Lập pháp, thạc sĩ luật học ở Mỹ, tiến sĩ luật Viện chính trị kinh tế London, Giáo sư luật Đại học Đông ngô và Đại học chính trị Đài Loan; cố vấn đàm phán WTO của ngân hàng TW và Bộ Kinh tế chính phủ. Năm 2004 vào đảng Dân Tiến, năm 2008 Chủ tịch đảng Dân Tiến khóa 12, khóa 13 năm 2010. Năm 2012 tham gia tranh cử Tổng thống Đài Loan chỉ được 800.000 phiếu bị thất bại. Năm 2014, Chủ tịch đảng khóa 15; năm 2016 tham gia tranh cử Tổng thống và thắng cử là Tổng thống Đài Loan. Bà khởi nghiệp chính trị từ hai bàn tay trắng, chứ không có người “đỡ đầu” như Tổng thống khác trên thế giới. Bà là người bình thường như bao phụ nữ Đài Loan bình thường khác, chân thành, ôn hòa khiêm nhường, thực tế, nhỏ nhẹ không đao to búa lớn, nhưng thông minh, sắc sảo, thẳng thắn, mạnh mẽ, khôn khéo, kiên nhẫn, tự tin, không nản chí, lùi bước trước khó khăn, thất bại (như đảng Dân Tiến hầu như tan rã đội ngũ, Bà đã vực dậy, thất bại tranh cử năm 2012 rút kinh nghiệm để vượt lên). Từ những phẩm chất và tài cán thực tế của bà Thái Anh Văn đã thu hút sự tin tưởng, ngưỡng mộ của cử tri, nhất là cử tri trẻ đã dồn phiếu để giành được thắng lợi.

Theo giới phân tích, thắng lợi cuộc bầu cử đầu năm 2016 đã dựng lên đường phân thủy chính trị mới với chính trị cũ Đài Loan, với đặc điểm là không còn có kỳ thị phân biệt giới tính, là thể hiện rõ lúc giao thời thế hệ, củng cố tiếp chính nghĩa xã hội, giá trị phổ quát thế giới, thể hiện sức mạnh trổi dậy của thế hệ trẻ trong thời đại thông tin phát triển, mạng di động điện thoại đã gắn kết với thế giới xung quanh, tác động lẫn nhau, tạo nên sức mạnh không lường trước được. Đồng thời cũng nói lên quá trình 20 năm đấu tranh phát triển dân chủ của Đài Loan đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn thành thục, ý thức và hành sử quyền lợi dân chủ đã thực sự ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội, vào trong ý thức và hành động của mỗi người dân. Chính vì vậy mà trong phát biểu lời càm ơn của bà Thái Anh Văn cũng như lời chúc mừng bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của Chu Lập Luân, Chủ tịch đảng Quốc dân đều xác định đây là thắng lợi của ý chí nhân dân Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới