Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnGóc nhìn khác về Philippines

Góc nhìn khác về Philippines

TQ hy vọng, thỏa thuận khai thác chung dầu khí với PLP sẽ khiến các bên liên quan, nhất là VN – trong con mắt của TQ là quá đỗi bướng bỉnh – “biết điều” hơn trong vấn đề biển Đông.

Hội thảo tại Ấn Độ sau 3 năm PCA ra phán quyết về biển Đông

Vài bốn năm nay, Philippines hình như hơi bị …oan khi khi dư luận đề cập việc ông bạn láng giềng Trung Quốc phô trương bộ dạng hầm hố, gây hấn với các bên liên quan, làm náo loạn biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” để biến biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Ngôn từ mà dư luận quốc tế và cả dư luận của chính PLP chĩa vào lãnh đạo đương nhiệm của họ đại loại là: yếu đuối; bạc nhược; hèn nhát; nhân nhượng chủ quyền, lợi ích quốc gia…

Chuyện có nguồn cơn cơn của nó, trong đó, cơ bản nhất là thái độ “xoay trục” của Manila: đang là đồng minh của Mỹ, ngả sang TQ một cách lộ liễu.

Cũng với chính sách ngoại giao “tiền hậu bất nhất” đó, Manila gặp khó khi phải xử lý các vấn đề, vụ việc liên quan TQ, đại loại như vụ “Cỏ Rong” năm ngoái. Cỏ Rong là khu vực được coi là có trữ lượng dầu khá lớn. PLP rục rịch kế hoạch khai thác, nhưng bị TQ phản đối và tuyên bố bãi Cỏ Rong là của họ. Lời qua tiếng lại lúc căng, lúc chùng.

Giữa lúc hai bên bàn đến một thỏa hiệp cùng “khai thác chung” (?!), thì bất đồ, ngày 19/6/2019, tàu TQ đâm chìm một tàu cá PLP, bỏ mặc 22 ngư dân nước này “sống chết mặc bay”. Cũng may, các ngư dân PLP được một tàu cá VN cứu thoát. TQ chối bai bải trách nhiệm, cho rằng, chỉ là sự cố vô tình. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: thâm như TQ, chẳng có gì ngẫu nhiên. Thực chất, đây là động thái “giơ nắm đấm” của TQ nhằm dằn mặt, hối thúc Manila sớm đáp ứng các yêu sách của TQ về khai thác chung tài nguyên khu vực bãi Cỏ Rong.

Tổng thống PLP Rodrigo Duterte ở vào thế khó. Vốn dĩ, ông Duterte đã có chiều hướng ngả sang TQ, dù không đoạn tuyệt hẳn với đồng minh Mỹ. Thế nên, trước vụ việc này, không những không “làm toáng” lên mà ngược lại, thái độ và ngôn từ quá đối dịu dàng: “tai nạn hàng hải nhỏ” thôi mà, khiến nhiều nghị sĩ đối lập nổi giận, chỉ trích chính quyền PLP do ông Duterte đứng đầu ươn hèn, rẻ rúng số phận ngư dân nước mình, hy sinh quyền lợi dân tộc để cầu thân TQ.

Thực ra thì cũng chả oan. Ông Duterte vẫn thế. Và ông tiếp tục như thế. Bằng chứng là chuyến thăm TQ của ông vào cuối tháng 8 cùng năm ngoái. Lên gân lên cốt mãi, ông mới mở miệng nói thẳng được với TQ về Phán quyết hồi tháng 7 năm 2016 của PCA trong vụ PLP kiện TQ.

Dĩ nhiên, TQ thừa hiểu bản lĩnh, khí phách của ông Duterte thế nào, nên chỉ một cái “phẩy tay” của ông Tập, coi như lời nói mà ông tự đắc là “thẳng thắn” được ấp ủ, nung nấu dài dài của ông Duterte về phán quyết của PCA tan biến.

Kết quả (như ông Duterte nghĩ, không phải của người PLP nói chung) trong chuyến thăm TQ đó của ông Duterte, nói cho cùng, chỉ là chốt thỏa thuận khai thác dầu khí chung giữa hai nước.

Còn TQ: được thế coi như thắng vì bãi Cỏ Rong – vùng không tranh chấp đã thành vùng tranh chấp; thêm nữa, còn “gác tranh chấp cùng khai thác”.Thậm chí, TQ còn hy vọng, thỏa thuận khai thác chung dầu khívới PLP sẽ khiến các bên liên quan, nhất là VN – trong con mắt của TQ là quá đỗi bướng bỉnh – “biết điều” hơn trong vấn đề biển Đông.

Rõ ràng, PLP không oan khi dư luận nhìn vào hành xử với TQ, xét trên bình diện quốc gia.

Cái sự oan chỉ là ở chỗ: nhân nhượng, cầu thân TQ thực ra chỉ là của chính quyền đương nhiệm, nhất là của người đứng đầu – ông Duterte. Còn thì, chưa nói các nghị sĩ đảng đối lập, người dân PLP phản đối ông Duterte rầm rầm; phản đối TQ rầm rầm.

Đó là chưa kể người tiền nhiệm của ông Duterte – ông Benigno Aquino – không những là người phản ứng quyết liệt sự ngang ngược của TQ trên thực địa, mà còn người chủ trương để PLP theo đuổi “vụ kiện thế kỷ”, kiện TQ ra Tòa trọng tài LHQ (PCA) và giành chiến thắng.

Để rồi mấy năm gần đây, thắng lợi của PLP trong vụ kiện (thể hiện cụ thể trong phán quyết của PCA tháng 7 năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của TQ trên biển Đông) trở thành một cơ sở pháp lý mà VN, Indonesia, Malaysia, thậm chí cả Mỹ và một số nước khác, cùng sử dụng trong cuộc đấu với TQ trên biển Đông.

Như vậy, cho dù ông Duterte và chính phủ của ông ta không phát huy được phán quyết của PCA sau vụ kiện thì công lao của người PLP vẫn là rất lớn.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới