Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChính quyền Trung Quốc thao túng và khống chế Campuchia

Chính quyền Trung Quốc thao túng và khống chế Campuchia

Sihanoukville từng được gọi là thành phố ngái ngủ của Campuchia. Ngày nay, nó đang trở thành thành phố không ngủ, bởi vì nhiều công trình xây dựng và sòng bạc của Trung Quốc hoạt động bất kể ngày đêm.

 

Thành phố này có cảng nước sâu và hơn 100 công ty, chủ yếu từ Trung Quốc. Họ tới để tận dụng cơ chế miễn thuế của đặc khu kinh tế. Theo tờ Sydney Morning Herald, đặc khu này cũng đang được nâng cấp để có thể chứa được 300 công ty. Nó trở thành điểm chốt quan trọng của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của chính quyền Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc cũng thường mang theo cả công nhân, chỉ sử dụng một phần lao động địa phương. Soy Sam Oeurn, một lái xe Tuk Tuk tại Sihanoukville nói trong một video của SCMP rằng, người Trung Quốc cũng tới đây để bán đồ lưu niệm, lái taxi và những việc lặt vặt. Ngay cả hàng hoá, rau quả cũng được mang từ Trung Quốc sang. Do vậy, người dân địa phương không được hưởng lợi gì nhiều từ đầu tư Trung Quốc. 87% hàng nhập khẩu vào Campuchia là từ Trung Quốc.

Tình trạng tội phạm băng đảng, ma tuý, bắt cóc, mại dâm trở nên ngày càng nhức nhối từ khi dòng người tới từ Trung Quốc đổ về đây. Theo tờ Sydney Morning Herald, Thống đốc của Sihanoukville, Yun Min năm 2018 trong một bức thư gửi chính phủ đã cảnh báo về “sự bùng nổ đã đẩy tỷ lệ tội phạm tăng lên. Người Trung Quốc tràn ra từ các sòng bạc và đánh nhau, tạo ra bầu không khí bất an tại địa phương.” Làn sóng tiền và người từ Trung Quốc đang thúc đẩy tham nhũng, phá huỷ môi trường và đường xá của Campuchia.

Đầu tư từ Trung Quốc cũng biến Sihanoukville thành thành phố cờ bạc. Hàng loạt sòng bạc đã mọc lên, tờ ASIA Times cho biết đến cuối năm 2019 có 100 sòng bạc tại đây. Các sòng bạc này không chỉ phục vụ các con bạc người Trung Quốc tại chỗ mà còn cung cấp dịch vụ cờ bạc online. 90% doanh thu cờ bạc online tại Sihanoukville đến từ Trung Quốc.

 Theo SCMP, năm 2016, Trung Quốc đã cung cấp 36% tổng viện trợ kinh tế của Campuchia và 30% vốn đầu tư của nước này. Chỉ trong năm nay, Trung Quốc đã cam kết viện trợ thêm 558 triệu đô la Mỹ và hứa sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo. Tờ The Diplomat cũng dẫn thông tin từ báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết nợ của Campuchia với Trung Quốc đã lên tới trên 25% tổng GDP của nước này.

Tiền đồn quân sự nơi cửa ngõ biển Đông

Vấn đề đáng quan tâm hơn còn là mục tiêu quân sự của Trung Quốc tại Campuchia. Reuters cho biết năm 2018, Trung Quốc cam kết viện trợ quân sự 100 triệu USD cho chính quyền thủ tướng Hun Sen. Phát biểu trên Facebook hôm 29/07/2019, ông Hun Sen nói rằng chỉ trong năm nay, Campuchia đã chi 40 triệu USD mua thêm vũ khí từ Trung Quốc.

Năm 2018, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gửi thư cho thủ tướng Campuchia Hun Sen, lên tiếng quan ngại về việc Campuchia cho Trung Quốc thuê cảng hải quân Ream. Campuchia cũng bất ngờ từ chối đề nghị giúp sửa chữa của Mỹ cho căn cứ Hải quân này.

Ảnh vệ tinh chụp sân bay đang xây dựng ở dự án Koh Kong (ảnh: Cơ quan Vũ trụ châu Âu).

Tháng 5/2019, tờ SCMP cho biết tập đoàn UDG của Trung Quốc thuê 45 nghìn hecta đất trên đảo Koh Kong theo thoả thuận 99 năm. Tại đây, UDG cho xây đường băng dài 3,4 km, dài hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và hơn hẳn đường băng dân sự chỉ cần tối đa 2,8 km. Do vậy, các chuyên gia cho rằng đường băng đó có mục đích kép, bao gồm mục đích quân sự.

Có thể nhận thấy rất rõ rằng chính quyền Trung Quốc đang muốn biến Campuchia thành tiền đồn quân sự kiểm soát phía nam biển Đông và eo biển Malacca – cửa ngõ của biển Đông.

 

Campuchia cũng đang được chính quyền Trung Quốc sử dụng như một yếu tố làm suy yếu quan hệ của khối ASEAN. Chính phủ Hun Sen thường xuyên phủ quyết các nội dung tuyên bố của ASEAN phản đối chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề về biển Đông. Thậm chí năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, khi Campuchia là chủ nhà, ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung vì có nội dung phản đối hành động của chính quyền Trung Quốc tại biển Đông.

Chính quyền Trung Quốc thao túng và khống chế Campuchia

Nhiều người dân Campuchia còn nhớ rất rõ cuộc diệt chủng của đảng cộng sản Khơ Me (Khơ Me đỏ) khiến hơn 2 triệu người bị giết. Nhưng lực lượng đứng sau Khơ me đỏ, truyền bá tư tưởng cực đoan, cung cấp vũ khí và ngay cả hướng dẫn các phương thức giết người chính là chính quyền đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Pol Pot – thủ lĩnh Khơ Me đỏ đã nhiều lần sang gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai để nghe thuyết giảng về “quyền lực chính trị sinh ra từ nòng súng” và “xoá bỏ chế độ tư hữu”. Trong số hơn 2 triệu nạn nhân của Khơ Me đỏ cũng có hơn 200 ngàn Hoa kiều. Nếu Khơ Me đỏ không bị tiêu diệt bởi những người lính Việt Nam thì có thể lực lượng đó vẫn còn đang nắm quyền tại Campuchia.

Từ trái sang: Mao Trạch Đông, Pol Pot và Ieng Sary tại Bắc Kinh. (Ảnh: Internet)

Thực ra, chính quyền ĐCSTQ đã từng ủng hộ Sihanouk, sau đó lại ủng hộ Khơ Me đỏ diệt chủng người Campuchia và giam lỏng Sihanouk. Năm 2013, lãnh đạo đảng đối lập chính tại Campuchia CNRP Sam Rainsy cũng dường như có sự ủng hộ đáng kể từ chính quyền Trung Quốc. BBC cho biết Sam Rainsy từng đến Trung Quốc nhiều lần và từng phát biểu rằng “tất cả đảo tranh chấp (trên biển Đông) là của Trung Quốc”. Ông ta còn nhấn mạnh rằng những đảng phái ở Campuchia không thể ủng hộ Trung Quốc rõ ràng về Biển Đông giống như đảng của ông ta. Đến khi Hun Sen tỏ rõ thái độ nghiêng về chính quyền Trung Quốc, ĐCSTQ lại hỗ trợ Hun Sen chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, thông qua Tòa án tối cao giải tán đảng CNRP, Sam Rainsy phải chạy ra nước ngoài.

Có thể nói, chính quyền ĐCSTQ sẵn sàng chống lưng cho bất cứ cá nhân, lực lượng nào tại Campuchia có thể bảo ban và lợi dụng được. Ngay cả việc truyền bá ý thức hệ (cho Khơ Me đỏ) cũng nhằm mục đích dễ khống chế hơn. Bất cứ lực lượng nào quá coi trọng lợi ích và quyền lực khi quan hệ với chính quyền Trung Quốc đều dễ dàng bị thao túng. Kết cục mang đến những hậu họa khôn lường cho quốc gia, dân chúng và bản thân.

RELATED ARTICLES

Tin mới