Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại Chiến lược biển của TQ và tác động đối với...

Nhìn lại Chiến lược biển của TQ và tác động đối với khu vực

Việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại và tăng cường hợp tác biển quốc tế. Tuy nhiên, khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn.

Chiến lược biển của Trung Quốc

Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược biển với bốn yếu tố cơ bản là: xác định việc mở rộng quản lý biển là hạt nhân của chiến lược chính trị biển; khẳng định việc xây dựng chiến lược cường quốc biển là hạt nhân của chiến lược phát triển kinh tế biển; xác định an ninh biển và an ninh quốc gia là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phòng vệ biển; khẳng định và coi trọng việc sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với kỹ thuật thông thường trong chiến lược khoa học – kỹ thuật biển.

Các sự vụ ở Biển Đông hé lộ một chiến lược tinh tế của Trung Quốc để chèn ép các quốc gia yêu sách khác ở đây. Chiến lược này có 4 thành tố. Thứ nhất, Trung Quốc phát triển một lực lượng hải quân đủ khả năng để ngăn chặn Mỹ ở bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, và cũng đủ sức để đè bẹp hải quân của các quốc gia Đông Nam Á. Thứ hai, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu bán quân sự và dân sự làm phương tiện để thay đổi nguyên trạng. Đến nay, với các tàu cá và tàu chấp pháp, Trung Quốc đã giành được kiểm soát đối với bãi Trăng Khuyết (Scarborough Shoal) và đang tiến hành bao vây điểm đóng quân của Philippines ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Thứ ba, Trung Quốc sử dụng giàn khoan di động khổng lồ để kiểm soát không gian biển. Từ ngày 1/5/2014, TQ đã điều dàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu đủ loại đến vùng nước Việt Nam tuyên bố vùng thềm lục địa hợp pháp của họ. Hải Dương 981 không đơn thuần là một giàn khoan dầu, mà nó còn là một cột mốc chủ quyền. Sự vụ giàn khoan 981 đáng báo động ở mức độ bạo lực. Các tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc, có sự yểm trợ của tàu chiến, không ngần ngại sử dụng cách “đánh nguội”, như đâm húc, sử dụng loa công suất lớn, và bắn vòi rồng, để phá hỏng và đe dọa các tàu đối phương. Máy bay của Trung Quốc bay ở tầm thấp để uy hiếp các thủy thủ Việt Nam. Va chạm và vòi rồng đã làm bị thương nhiều thủy thủ và làm nhiều tàu của Việt Nam hư hỏng. Để bảo vệ giàn khoan, Trung Quốc đã tùy tiện áp đặt hạn chế đi lại ở quanh khu vực giàn khoan. Lúc đầu, Trung Quốc tuyên bố khu vực cấm tàu bè nước ngoài với bán kính 1 hải lý từ vị trí giàn khoan. Khoảng cách này sau đó được nâng lên thanh 3 hải lý. Trên biển, các tàu Trung Quốc chủ động thiết lập vùng cấm ở phạm vi 20-25 hải lý từ giàn khoan. Một tàu đánh cá của Việt Nam đã bị đâm chìm ở vị trí cách giàn khoan 17 hải lý. Thứ tư, Trung Quốc sử dụng ngoại giao để đánh lạc hướng dư luận. Lãnh đạo Trung Quốc liên tục hứa hẹn “phát triển hòa bình”. Mặc dù chủ trương theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp qua con đường song phương, Trung Quốc từ chối thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền. Trung Quốc cũng trì hoãn các nỗ lực hướng đến xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử, mặc dù đây là một trong các cam kết trong Tuyên bố Ứng xử  của các bên ở Biển Đông ký năm 2002. Tại các hội nghị quốc tế, các quan chức và học giả Trung Quốc thường né tránh bàn luận chi tiết về cơ sở pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò và đổ lỗi cho các bên tranh chấp khác cũng như Mỹ là nguyên nhân buộc họ phải quyết đoán.

Những thuận lợi và khó khăn khi Trung Quốc triển khai chiến lược biển

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang và sẽ đi theo con đường phát triển truyền thống đã thành quy luật của các cường quốc trong lịch sử như Mỹ, Anh, Nhật Bản… Đó là phát triển sức mạnh biển với hải quân làm trung tâm theo tư tưởng của Alfred Mahan, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Trung Quốc hiện nay. Sự điều chỉnh rõ nét nhất của Trung Quốc là thúc đẩy phát triển chiến lược biển một cách toàn diện xét về cả mục tiêu, lĩnh vực và biện pháp thực hiện, chứ không chỉ tập trung vào mỗi hải quân và thương mại như các cường quốc thời kỳ trước. Trung Quốc xây dựng chiến lược biển toàn diện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trên biển, và để tạo vỏ bọc hòa bình cho chiến lược phát triển lực lượng nòng cốt là hải quân.

Điều kiện thuận lợi để Trung Quốc có thể theo đuổi được một chiến lược toàn diện là do đã có tích lũy sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, có tốc độ phát triển trình độ khoa học và công nghệ cao trong lĩnh vực nghiên cứu biển và công nghệ quốc phòng liên quan đến biển, và do thể chế nhà nước cho phép Trung Quốc huy động nguồn lực đó một cách tập trung. Bên cạnh đó, nhận thức và quyết tâm chính trị của Trung Quốc trong việc phát triển thành cường quốc biển khá cao và thành quyết sách của lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Quyết sách này đã được thông qua tại Đại hội XVIII, sau đó lần lượt được cụ thể hóa bằng các biện pháp thực thi đồng bộ trong tất cả hệ thống chính quyền của Trung Quốc như Quốc hội, Quốc vụ viện, các bộ ngành. Trên cơ sở đó, sức mạnh biển tổng hợp của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sức mạnh hải quân. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đạt được vị thế của một cường quốc biển. Tính riêng về năng lực hải quân, vẫn thua Mỹ, Nga từ mười đến hai mươi năm. Ngay cả ở phạm vi khu vực, năng lực hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc mới ở tầm vóc của một cường quốc khu vực, với mục tiêu “phòng vệ biển gần”, hoạt động chủ yếu ở Biển Đông và phía bên trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất.

Việc triển khai chiến lược biển và phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện đứng trước một số hạn chế, thách thức nhất định. Một là nguy cơ suy giảm đầu tư cho quốc phòng và hải quân. Tuy được ưu tiên đầu tư một thời gian dài, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc có xu hướng bước vào giai đoạn phát triển chậm lại, đi kèm đó là nhiều những bất cập và thách thức về kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ phải dành nhiều tài nguyên, vật lực, con người, kinh tế cho các vấn đề an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững hơn thay vì chỉ tập trung cho phát triển quốc phòng, gia tăng tiềm lực quân sự bằng sức mạnh răn đe trên biển của hải quân. Hai là phải căng mỏng lực lượng và dàn trải trên nhiều hướng phát triển. Trung Quốc phải chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu với Mỹ tại eo biển Đài Loan, trong khi cũng muốn có năng lực hỗ trợ yêu sách trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Hoàng Hải, Hoa Đông, vươn ra cạnh tranh ảnh hưởng tại các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Điều này buộc họ phải căng mỏng lực lượng ra nhiều hướng, khó phát triển theo một học thuyết, chiến lược nhất quán vì dễ bị động với tình hình. Ba là hạn chế trong tiếp liệu và cung cấp thông tin tình báo, khả năng tích nhập công nghệ, năng lực viễn hải. Trung Quốc thiếu đồng minh hàng hải, thiếu các trạm trung chuyển, tiếp liệu, bảo dưỡng, sửa chữa và nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn trong quá trình vận hành bên ngoài lãnh thổ khiến cho khả năng hoạt động viễn dương của Trung Quốc bị hạn chế rất nhiều. Do đó, Trung Quốc sẽ phải tìm cách thiết lập một số điểm tiếp cận tại khu vực quanh Ấn Độ Dương như tại eo biển Malacca, eo biển Lomboc, eo biển Sunda. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong tích hợp công nghệ mới, các kỹ năng vận hành, thay thế, khả năng lựa chọn căn cứ, năng lực hải hành của quân nhân. Những điều kiện này có thể phải mất cả một thế hệ hoặc nhiều hơn để khắc phục, đặc biệt khi Trung Quốc tự mình xây dựng lực lượng hải quân nước xanh. Bốn là tuy đầu tư lớn và tầm ảnh hưởng trên thực địa gia tăng nhanh, nhưng ảnh hưởng chính trị ở khu vực và quốc tế còn thấp. Tuy là nước lớn, đang gia tăng ảnh hưởng nhưng khả năng sáng tạo ra luật chơi mới ở tầm khu vực và toàn cầu của Trung Quốc còn gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc gần đây tỏ ra bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, có những hành động đơn phương dựa vào sức mạnh để khẳng định vị thế nước lớn của mình trên các vùng biển có tranh chấp với các nước láng giềng đang làm giảm đáng kể uy tín quốc tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thiếu khả năng tạo ảnh hưởng vượt trội trong các hoạt động hải dương quốc tế đa phương, và vẫn giữ tư duy thụ động trong việc giải quyết các vấn đề hải dương toàn cầu. Năm là căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải khiến Trung Quốc khó triển khai hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế hải dương. Để vươn tới các vùng biển quốc tế, tiếp cận các thị trường thương mại, các nguồn tài nguyên khai thác và đánh bắt, các hạm tàu, thương thuyền của Trung Quốc đều cần vượt qua Biển Đông, Hoa Đông hoặc Hoàng Hải để ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là những vùng biển chật hẹp với các quần đảo trải rộng, có các nước láng giềng vẫn lo lắng về những tham vọng đằng sau các dự án hợp tác kinh tế của Trung Quốc, khiến cho việc hợp tác làm ăn kinh tế và đánh bắt, khai thác của Trung Quốc bị hạn chế dù là có nhiều tiềm năng.

Tác động tới khu vực

Mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức, song quyết tâm phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc là không thay đổi và chiến lược trở thành cường quốc biển là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đưa đến một số tác động và hệ lụy quan trọng đối với khu vực.

Tác động lớn nhất của việc Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển là làm thay đổi trật tự địa – chính trị khu vực với các hệ lụy và biểu hiện sau: Một là thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Tuy trong ngắn hạn và trung hạn các nước trong khu vực có thể điều chỉnh để lấy lại cân bằng nhưng về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia cảm thấy bất an phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực. Hai là cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Thực hiện chiến lược phòng vệ biển gần, Trung Quốc sẽ phải tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, ảnh hưởng của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm” sẽ gia tăng, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức. Ba là gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng sẽ có tác động dây chuyền làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra. Bốn là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. Cùng tồn tại với đổi thủ chính và cùng cạnh tranh để mưu cầu lợi ích khi còn có thể đang là cách mà Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ muốn đẩy Mỹ và các đối thủ khác ra khỏi khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông giống như những gì mà hải quân Mỹ đã làm trong thế kỷ 19 để kiểm soát vùng Caribe và vịnh Mexico, tạo nên địa vị thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu và gia tăng mạnh mẽ vị thế của Mỹ là một siêu cường thế giới. Những điều Trung Quốc đang tìm kiếm không phải là để đương đầu với hải quân Mỹ – một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể giành chiến thắng hiện nay – mà là gây sức ép nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực. Sức mạnh của hải quân không nằm ở một chiếc tàu chiến đơn lẻ, mà nằm ở hạm đội tàu. Trung Quốc đang phát triển hạm đội mặc dù hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nguy cơ nảy sinh những tình huống đối đầu là hiện hữu, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Năm là gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc sẽ có thiên hướng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Cùng với đó, việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế. Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn.

RELATED ARTICLES

Tin mới