Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông 2019 và viễn cảnh 2020

Biển Đông 2019 và viễn cảnh 2020

Biển Đông trong năm 2019 có thể được khái quát hóa bằng những nét đặc trưng: sự trỗi dậy, tăng cường hiện diện của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông 2016; sự phản ứng của các nước nhỏ mong muốn khôi phục lại trật tự pháp lý dựa trên Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) trong khi chưa có một lập trường thống nhất của ASEAN; nỗ lực định hình chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương của Mỹ và đồng minh và là sự mong muốn có mặt nhiều hơn của các nước ngoài khu vực. Biển Đông với vai trò thông thương hai đại dương, vị trí địa chiến lược, kinh tế, tài nguyên vẫn không nằm ngoài sự chú ý của dư luận quốc tế.

Sau khi hoàn thiện các công trình quân sự lấn biển ở Trường Sa, Trung Quốc mở rộng các hoạt động tăng cường hiện diện các lực lượng chấp pháp biển tại Biển Đông nhằm khẳng định yêu sách đường chín đoạn. Các hoạt động này đã trực tiếp xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước trong khu vực được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. Từ tháng 7-10/2019, Hải dương địa chất 08 đã tiến hành các hoạt động thăm dò trái phép vào sâu thềm lục địa và ĐQKT Việt Nam, có nơi chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 80 hải lý. Phạm vi khảo sát nằm trong giới hạn 9 lô mà Công ty khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc gọi thầu năm 2012trên cơ sở yêu sách đường chín đoạn đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông 2016 bác bỏ. Tháng 2 và 5/2019, tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippins và ý định mở rộng xây dựng trên đảo.[1]Malaysia tổng kết đến tháng 10/2019 đã có tới 258 lượt tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của họ.[2]Tháng 9/2019 rộ tin đồn về việc Exxon Mobil rút khỏi dự án ngoài khơi Việt Nam.[3]Hàng loạt các thông tin về các vụ đâm chìm tàu cá. Tháng 1/2019, Việt Nam tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá rồi bỏ đi.[4]Tháng 6/2019, tàu cá Việt Nam cứu vớt những người bạn đi biển Philippin bị đâm chìm tàu.[5]Tháng 12/2019 Trung Quốc quay lại Scarborough xua đuổi ngư dân Philippin và Việt Nam. Xây dựng tiếp các căn cứ trên Scaborough sẽ tạo ra tam giác kim cương PSS (Paracels-Scarborough-Spratlys) cho Trung Quốc kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải và an ninh trên Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án Trung tâm cứu nạn, thành phố trên biển, các nhà máy điện hạt nhân nổi tại Trường Sa, hạ thủy các tàungầm, các thiết bị nghiên cứu lớn dưới nước, tập trận có cả tàu sân bay trong Biển Đông. Các hoạt động này của Trung Quốc là lớn nhất về phạm vi, quy mô, thời gian từ trước đến nay. Chúng nhằm mục đích: 1) Khẳng định yêu sách đường chín đoạn nhằm bác bỏ phán quyết 2016. Sau phán quyết, Trung Quốc đã đưa ra thêm những lập luận mới về Tứ Sa, về Nam Hải chư đảo có ĐQKT và thềm lục địa nhưng bản chất vẫn là duy trì đường chín đoạn nhằm mục đích chiến lược kiểm soát hoàn toàn Biển Đông; 2) gây áp lực buộc các nước liên quan từ bỏ con đường pháp lý giải quyết tranh chấp; 3) gây áp lực để các nhà đầu tư thăm dò khai thác dầu khí nước ngoài rời bỏ các dự án với các nước quanh Biển Đông để thực hiện chủ trương không nước nào ngoài khu vực được tham dự thăm dò khai thác ở Biển Đông; 4) thúc đẩy “gác tranh chấp cùng khai thác”; 5) phản ứng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác; 6) thúc đẩy đàm phán COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc; 7) tạo thế đứng cho sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” trước chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương của Mỹ và đồng minh; 8) con bài mặc cả khi cần trong cạnh tranh chiến lược nước lớn; 9) triển khai chiến lược nghiên cứu khoa học Đại dương cho thập kỷ tiếp theo. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận việc Trung Quốc sử dụng mặt trận đàm phán như cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề trên biển giữa Malaysia – Trung Quốc thành lập thàng 9/2019,[6] Ủy ban điều phối chung Liên Chính phủ Philippin-Trung Quốc và Nhóm công tác liên doanh nghiệp để triển khai dự án khai thác dầu khí chung ở Biển Đông thành lập 29/8/2019.Cơ chế nhóm công tác về vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc vẫn được duy trì. Tuy nhiên, tham vọng kiểm soát Biển Đông khó làm cho các cơ chế này an lòng các nước nhỏ.

Các nước nhỏ trong Biển Đông phải đứng trước sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ chiến lược, không muốn có chiến tranh làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế. Hầu hết các nước đều mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị và làm ăn với Trung Quốc, thị trường lớn nhất của ASEAN song không vì thế mà từ bỏ chủ quyền và các quyền lợi chính đáng của mình mà UNCLOS 1982 đã mang tới. Việc quản lý xung đột thông qua cơ chế ASEAN-Trung Quốc chưa thực sự hiệu quả. Đối phó với các hành động dưới ngưỡng chiến tranh do nước lớn tạo ra đòi hỏi sự khéo léo và tỉnh táo lớn.UNCLOS 1982 được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ các lợi ích quốc gia phù hợp với luật quốc tế, bảo đảm an ninh hòa bình và tránh các xung đột có khả năng gây chiến tranh. Tháng 10/2019, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamadtỏ ý sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông chỉ mang lại xung đột.[7]Trước tình hình các tàu Trung Quốc khảo sát dầu khí trái phép trong vùng biển của Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố không muốn có lập trường đối đầu với Bắc Kinh về vùng Biển Đông, đồng thời thừa nhận rằng Malaysia quá nhỏ bé để đối mặt với sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc. Malaysia đã tìm cách dựa vào luật pháp. Nước này đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc yêu sách mới về thềm lục địa mở rộng ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phía Bắc Biển Đông. Động thái này nhằm mở rộng yêu sách thềm lục địa được vẽ trong bản đồ năm 1979 của Cục Bản đồ và Khảo sát Malaysia về cả phía Bắc và phía Nam của Biển Đông, nhằm giành được gần như gấp đôi thềm lục địa so với yêu sách năm 1979. Yêu sách này tạo cơ sở hạn chế các hoạt động của tàu Trung Quốc vào tận bãi cạn Nam Luconia gần bờ biển Malaysia. Nó thể hiện sự ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, khuyến khích CLCS xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, và thúc đẩy các bên làm rõ các yêu sách của mình trong Biển Đông.[8]Ngay sau bước đi này, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah gọi yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là “điều nực cười”.[9] Philipin lựa chọn gác lại kết luận phán quyết có lợi cho mình để làm ăn kinh tế với Trung Quốc nhưng sẵn sàng nhắc lại khi cần thiết. Cơ chế “khai thác chung” Philippin-Trung Quốc là sự pha tạp những tính toán riêng của mỗi nước. Điều 12, khoản 2 Hiến pháp của Philippin quy định tất cả các nguồn tài nguyên dầu khí là thuộc về nhà nước và không được chuyển nhượng; nhà nước có thể cho phép các dự án cùng sản xuất, cùng đầu tư, hoặc thỏa thuận phân chia sản phẩm với công dân, doanh nghiệp hoặc hiệp hội Philippin với điều kiện ít nhất 60% tổng vốn đầu tư thuộc các công dân của mình. Lô SC57 nằm ngoài đường chín đoạn. Lô SC72 thuộc khu vực Bãi Cỏ rong đã được phán quyết 2016 “giải phóng khỏi đường chín đoạn”. Một hợp đồng mua cổ phần cho CNOOC có thể bị bác bỏ. Hai bên còn nhiều việc phải làm với cái vỏ “khai thác chung” nhưng ruột đã biến mầu. Tháng 3/2019, ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng Philippines và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales đã gửi đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC), yêu cầu khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” để “đánh giá các hành vi phạm tội của Trung Quốc chống lại người dân Philippin và các quốc gia khác” ở Biển Đông.[10] Mặc dù, các rào cản pháp lý không cho ICC có thẩm quyền nhưng vụ việc này có ý nghĩa chính trị “ghi dấu phản ứng mạnh mẽ của người dân Philippin” và thu hút sự quan tâm quốc tế. Trước việc tàu Hải dương địa chất 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam, nước này đã kiên trì đấu tranh ngoại giao, yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực. Trên thực địa, Việt Nam cũng thể hiện sự kiên quyết đeo bám, xua đuổi. Lập trường Việt Nam được khẳng định trong hàng loạt các tuyên bố của Người phát ngôn “Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS”.[11] Sự kiên quyết của Việt Nam gợi nhớ đến biến cố dàn khoan Hải dương 981 năm 2014. Việt Nam đã chủ động, tỉnh táo và khéo léo ứng phó để vừa giữ được chủ quyền, vừa tránh được chiến tranh, vừa không làm sứt mẻ tình hữu nghị, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước khác nhưng sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Các công ty dầu khí Nga, Ấn Độ vẫn tiếp tục mở rộng các dự án khai thác dầu khí với Việt Nam. Các nước không liên quan trực tiếp tới tranh chấp cũng coi UNCLOS là công cụ thích hợp để bảo vệ trật tự xây dựng trên luật pháp. Indonesia tăng cường cơ sở hậu cần mở vùng đánh cá tại Natura để tránh sự giải thích về ảnh hưởng đường chín đoạn tới Natura.[12]Campuchia là nước cuối cùng trong ASEAN phê chuẩn UNCLOS ngày 24/12/2019. Đây là cơ sở nhận được giúp đỡ và hợp tác chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU) trong khu vực.

Căng thẳng ở Biển Đông không được kiểm soát tốt còn làm đầu độc cả những lĩnh vực xã hội khác. Vụ phim hoạt hình “Người tuyết bé nhỏ” của Đài truyền hình Trung Quốc đã bị cả Việt Nam, Philippin và Malaysia không công chiếu do lồng hình ảnh đường chín đoạn. Có cả một chiến dịch đưa đường chín đoạn vào các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế thông qua các bài báo khoa học công bố quốc tế của các nhà khoa học Trung Quốc và viết chung với người nước ngoài, Chiến dịch này có trong mọi lĩnh vực, thậm chí ở cả những lĩnh vực không liên quan như sinh học phân tử. Timer Higher Education đã tìm thấy 9 bài báo với chủ đề về tre, bướm, thực vật nhưng vẫn có một bản đồ đường chín đoạn. Springer Nature, Cambridge University Press, Cells và nhiều tạp chí khoa học quốc tế khác đã phải kêu gọi chấm dứt chính sách bất thường này trong công bố quốc tế, bảo đảm tính trung lập đối với các yêu sách lãnh thổ của các bài báo quốc tế. Các hành động như vậy không làm tăng thêm uy tín của mỗi bên tranh chấp.

Biển Đông là đấu trường của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc trong việc tranh giành ảnh hưởng về duy trì hay thay đổi trật tự hiện hành.Trong năm 2019, Mỹ có 8 chuyến thực hiện tự do hàng hải của tàu chiến (FONOP) ở Biển Đông. Điều này khác xa về quy mô trong khi cả nhiệm kỳ Obama có 5 chuyến. Tàu chiến Mỹ lần đầu tiên còn đi vào vùng biển Hoàng Sa. BTQP Mỹ trong chuyến thăm châu Á cuối năm 2019 khẳng định năm 2019 là năm Mỹ thực hiện FONOP thường xuyên nhất ở Biển Đông trong vòng 25 năm qua.Các nước đồng minh Anh, Pháp, Australia đều cử tầu chiến tham gia các hoạt động FONOP trong Biển Đông. Tư lệnh hải quân Pháp phát biểu chúng ta đến Biển Đông vì luật biển ở đó bị xâm hại. Chính sách Ấn Độ dương – Thái Bình dương tạo tứ giác kim cương với phương châm kiềm chế Trung Quốc bằng các biện pháp mạnh. Mỹ có ưu thế về vũ khí và sức mạnh kinh tế, Trung Quốc có ưu thế về gần, sân sau và thế trận giăng trước. Mỹ hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để đối phó với chiến thuật “vùng xám” sử dụng lực lượng chấp pháp cảnh sát biển và dân quân biển của Trung Quốc. Các hoạt động FONOP chưa đủ sức để khẳng định hay làm các bên tôn trọng giá trị của phán quyết. Mỹ đẩy mạnh hợp tác, giúp đỡ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển của các nước nhằm khắc phục chỗ yếu. Thỏa thuận giai đoạn một về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ được hoan ngênh nhưng nó cũng tạo hoài nghi về một thỏa thuận mặc cả trên vấn đề Biển Đông trong tương lai.

Năm 2020 chưa hội tụ đủ những yếu tố để tình hình sáng hơn. Cuộc chạy đua vào Nhà trắng sẽ làm Mỹ phân tâm hơn. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ tới trong bối cảnh khối này chưa có sự thống nhất về vấn đề Biển Đông cũng như nội dung cuối cùng của COC. Năm thách thức lớn đối với Việt Nam trên bình diện quốc tế, khu vực và song phương. Việt Nam sẽ phải góp phần cân bằng các nước lớn khi làm Ủy viên không thường trực HĐBA, đặc biệt với vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1/2020. Đó là sắp xếp cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN – Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Đó là đảm bảo tiến trình các Hội nghị của ASEAN với Tuyên bố của khối. Đó là giữ cho tiến trình đàm phán COC đi đúng hướng nhất là trên các vấn đề phạm vi áp dụng, tính ràng buộc, cơ chế giải quyết tranh chấp và vai trò của bên thứ ba. Trung Quốc sẽ hối thúc các nước ASEAN sớm chấp nhận các đề xuất có lợi cho mình, kết thúc đàm phán COC trước 2022 trong thời gian Tổng thống Duterte còn tại vị và Philippin đóng vai trò điều phối viên hợp tác ASEAN- Trung Quốc, Brunei và Campuchia sẽ là Chủ tịch ASEAN sau 2020.[13]Năm 2022 cũng là 20 năm ký DOC để các bên có một mốc tiến triển. Mục tiêu lớn của năm Chủ tịch 2020 là tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đối phó kịp thời và hiệu quả với những thách thức đang nổi lên.Việt Nam cần trở thành trung tâm đoàn kết ASEAN trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang chịu áp lực không nhỏ từ Trung Quốc và có quan điểm hết sức khác biệt về cách thức hành xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.ASEAN phải làm tốt vai trò trung tâm, khẳng định các nguyên tắc của mình, trong đó có đảm bảo khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, xây dựng lòng tin, các bên kiềm chế, không có những hành vi gây phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Trong quan hệ song phương, Việt Nam vẫn phải duy trì phương châm “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc trong bối cảnh chuẩn bị Đại Hội Đảng và không để tình hình Biển Đông ảnh hưởng tới nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cần tìm ra các phương thức đấu tranh hiệu quả hơn, vận dụng UNCLOS và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để hạn chế các hoạt động xâm phạm vùng biển của mình. Việt Nam hy vọng năm 2020 tới Bắc Kinh sẽ thể hiện sự kiềm chế và thận trọng,không gây ra nhiều căng thẳng trên Biển Đông với Hà Nội hay các quốc gia lân cận.[14]

Năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện thực hóa ‘gác tranh chấp cùng khai thác” với Philippin nhằm đạt được hình mẫu áp dụng với các nước khác. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc cải tạo đảo tại Trường Sa, Hoàng Sa và Scarborough và “dân sự hóa” từng bước các thực thể này trước LHQ và cộng đồng quốc tế thông qua các biện pháp xây dựng và đăng ký trạm KTTV, các cơ sở TKCN vào hệ thống quốc tế, làm bình phong để Mỹ và các nước không có cớ tấn công “cơ sở vì mục đích dân sự”. Trung Quốc chủ động tiến hành cuộc chiến pháp lý tuyên truyền, tìm cách biện minh cho yêu sách của mình. Bắc Kinh không có những hoạt động quân sự lớn nhưng đủ để đe nẹt các nước xung quanh đồng thời chứng minh cho thế giới thấy an ninh Biển Đông trong tầm kiểm soát, bất ổn là do các yếu tố bên ngoài. Philippin có thể sẽ đệ trình ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý trong Biển Đông. Điều này sẽ gây ra những vấn đề chồng lấn danh nghĩa trên Biển Đông nhưng không phải là tranh chấp lãnh thổ. Các bên có thể đàm phán hoặc thống nhất một đệ trình chung về thềm lục địa ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ phản ứng song ảnh hưởng của phán quyết 2016 là khó bác bỏ. UNCLOS vẫn luôn là công cụ luật pháp hữu hiệu cho các nước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng của quốc gia ven biển, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực.

Tình hình Biển Đông sẽ còn tiếp tục biến động không ngừng, đòi hỏi các bên phải theo dõi sát sao để có những xử thế đúng.


[1] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2185318/beijing-sends-fleet-ships-disputed-south-china-sea-island-stop

[2]https://www.voanews.com/east-asia-pacific/why-chinas-coast-guard-spent-258-days-waters-claimed-malaysia

[3]https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-09-23/exxon-s-south-china-sea-oil-project-tests-chinese-influence

[4] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1626865.shtml

[5]https://vnexpress.net/the-gioi/philippines-cong-bo-ket-qua-dieu-tra-vu-tau-ca-bi-dam-o-bien-dong-3948896.html

[6]https://thanhnien.vn/the-gioi/malaysia-trung-quoc-se-thiet-lap-co-che-doi-thoai-ve-bien-dong-1125411.html

[7]https://www.malaymail.com/news/malaysia/2019/10/21/warships-in-south-china-sea-will-invite-conflict-says-dr-m/1802234

[8]https://thoidai.com.vn/dong-thai-moi-cua-malaysia-tren-bien-dong-mot-mui-ten-trung-2-dich-95364.html

[9]https://thanhnien.vn/the-gioi/ngoai-truong-malaysia-goi-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-la-dieu-nuc-cuoi-1162732.html

[10]https://vnexpress.net/the-gioi/thach-thuc-trong-viec-kien-ong-tap-len-toa-hinh-su-quoc-te-ve-bien-dong-3901164.html

[11]https://vnexpress.net/the-gioi/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-can-tro-hoat-dong-dau-khi-3981229.html

[12]https://news.abs-cbn.com/overseas/02/21/19/indonesia-to-open-fishing-zone-near-disputed-s-china-sea

[13] Carlyle A. Thayer, “South China Sea Forecast for 2020,” Thayer Consultancy Background Brief, December 16, 2019

[14]https://vn.sputniknews.com/press/201912178387088-viet-nam-de-nghi-trung-quoc-hanh-xu-kiem-che-tren-bien-dong-nam-2020/

RELATED ARTICLES

Tin mới