Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHồ sơ Biển Đông trong ASEAN 2020

Hồ sơ Biển Đông trong ASEAN 2020

Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN khi mà tình hình Biển Đông diễn biến hết sức căng thẳng và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt trên vấn đề Biển Đông. Sau khi nhóm tàu Hải Dương 08 gồm nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển quấy phá, gây hấn trong vùng biển của Việt Nam suốt từ 04/7 đến 24/10 thì việc Trung Quốc cho tàu chấp pháp liên tiếp xâm nhập vào vùng biển của Indonesia những ngày cuối tháng 12/2019 là những dấu hiệu cho thấy Biển Đông khó mà bình yên, “lặng gió” trong năm 2020.

Câu hỏi được giới quan sát đặt ra là Hà Nội sẽ xử lý hồ sơ Biển Đông như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cần xử lý ra sao để không rơi vào thế kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung; vừa tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của Mỹ và cộng đồng quốc tế bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông, vừa phải giữ thể diện cho anh bạn láng giềng phương Bắc.

Việt Nam, nước bị yêu sách Biển Đông của Trung Quốc gây hại nhiều nhất, đồng thời là đối tượng bị Bắc Kinh dùng sức mạnh chèn ép dữ dội trong năm 2019 với vụ việc nhóm tàu Hải Dương 08 liên tiếp hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần 4 tháng. Giới quan sát đang tự hỏi là Việt Nam cần phải làm gì trên cương vị chủ tịch ASEAN, để thúc đẩy một giải pháp đa phương nhằm hạn chế được các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng khó khăn cho Việt Nam “chèo lái con thuyền” ASEAN trong lúc mà đang có sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ – Trung đối với ASEAN:

– Trung Quốc gây sức ép mạnh lên ASEAN trên vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hòng đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi khu vực; Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong cuộc xâm nhập nội bộ ASEAN với việc lôi kéo, mua chuộc được một vài nước ASEAN mà Campuchia là “chú ngựa ô” bị Trung Quốc giật dây.

– Mỹ quyết không chấp nhận để Trung Quốc khống chế ASEAN; thẳng thừng lên án Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng trong các cuộc họp với ASEAN và kể cả trong các cuộc gặp song phương với Trung Quốc; công khai kêu gọi ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mời lãnh đạo các nước ASEAN đến Mỹ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN ngay đầu năm 2020 là một biểu hiện cụ thể.

Thái độ và hành động cứng rắn hơn của Mỹ trên vấn đề Biển Đông trong năm 2019 thuận lợi cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong ASEAN trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam tận dụng lợi thế này như thế nào để không làm “mất lòng” Bắc Kinh là một bài toán nan giải.

Một số động thái tích cực của các thành viên chủ chốt trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông trong những ngày cuối năm 2019 sau khi Việt Nam đã nhận bàn giao chức Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan.

(i) Malaysia đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc hồ sơ đề nghị xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông hôm 12/12/2019, gây phản ứng dữ dội từ Trung Quốc; đáp lại, khi trả lời báo chí hôm 20/12/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đã nhấn mạnh: “Về phần Trung Quốc, việc họ tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, theo tôi điều đó thật lố bịch”. Một phản ứng mạnh mẽ nhất của Malaysia trên vấn đề Biển Đông thời gian gần đây.

(ii) Indonesia sau một thời gian dài im lặng thì ngày 30/12/2019, Indonesia ra tuyên bố tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở Nam Biển Đông. Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đến để chuyển nội dung phản đối mạnh mẽ về việc Trung Quốc cho tàu chấp pháp xâm nhập vùng biển xung quanh khu vực Natuna, “vi phạm chủ quyền lãnh thổ” của Indonesia.

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2020 (ngày 01 tháng 01), Indonesia đã gửi đến Bắc Kinh “món quà năm mới” là Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” cho yêu sách của họ đối với EEZ, dựa trên UNCLOS1982. Jakarta cũng nhắc lại việc Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.

Những động thái nói trên là thuận lợi để Việt Nam có thể đẩy vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương trong khuôn khổ ASEAN năm 2020. Trên thực tế, Malaysia có tranh chấp với Việt Nam về Trường Sa và vùng biển chồng lấn, tuy nhiên đây không phải là tranh chấp nóng, hai nước không có những hành động gây hấn hoặc đe dọa lẫn nhau. Trái lại hai bên đã có những hợp tác trên các vấn đề Biển Đông: (i) Năm 1992, Việt Nam và Malaysia đã ký Bản thoả thuận (MOU) về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn nằm ở gần cửa vịnh Thái Lan, được tạo thành bởi đường ranh giới thềm lục địa do 2 nước đưa ra theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; (ii) Năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc Báo cáo chung giữa hai nước về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Indonesia không có tranh chấp với Việt Nam ở Trường Sa, song có vùng biển chồng lấn ở phía Nam Biển Đông. Sau thời gian nỗ lực đàm phán, năm 2003, hai bên đã ký Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước ở khu vực này. Hiện hai bên đang tích cực đàm phán để phân định vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực này.

Hợp tác giữa Việt Nam với Malaysia và Indonesia kể trên là những cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể phối hợp cùng với Malaysia và Indonesia trên hồ sơ Biển Đông trong khuôn khổ ASEAN vì cả 2 nước này đều có tiếng nói quan trọng trong ASEAN. Mặt khác, Malaysia và Indonesia có một chính sách độc lập, trong đó chú trọng phát triển hợp tác an ninh, quốc phòng với Mỹ và các quốc gia dân chủ.

Chính sách xuyên suốt của Trung Quốc là gây chia rẽ trong ASEAN không những là để dễ thống trị từng nước Đông Nam Á riêng lẻ, mà còn để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông, hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải nỗ lực đi đầu trong việc đoàn kết khối ASEAN, thuyết phục được toàn khối về các đe dọa của Trung Quốc. Việt Nam cần phối hợp với Malaysia, Indonesia và Philippines… thúc đẩy đoàn kết ASEAN để có tiếng nói chung mạnh mẽ trên hồ sơ Biển Đông; đồng thời tạo diễn đàn để Mỹ và các đối tác của ASEAN lên án các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc là một nước lớn, nhưng không phải họ muốn làm gì cũng được. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh cũng e ngại dư luận cộng đồng quốc tế, họ muốn giữ “bộ mặt thân thiện” với thế giới. Do vậy, càng phải vạch trần những hành động hung hăng của họ trước công luận. Việt Nam không nên e ngại đi đầu trong hồ sơ Biển Đông. Đã đến lúc Việt Nam cần đi đầu lên án các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, khi Việt Nam làm đúng theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc cũng không làm gì được Việt Nam vì bản thân Trung Quốc cũng cần quan hệ với Việt Nam và không muốn để Việt Nam đi quá xa với Mỹ.

Trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, các chuyên gia dự báo hồ sơ Biển Đông sẽ tiếp tục nóng lên tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới