Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột kế hoạch chi tiết cho việc quản lý nghề cá và...

Một kế hoạch chi tiết cho việc quản lý nghề cá và hợp tác vì môi trường Biển Đông

Biển Đông là 1 trong 5 khu vực biển có lượng cá đánh bắt được lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 12% sản lượng cá toàn cầu. Hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này với khoảng 3,7 triệu người tham gia trực tiếp và gián tiếp và còn có thể nhiều hơn nếu tính đến đánh bắt cá trái phép ngoài tầm kiểm soát và không được ghi trong báo cáo của các nước. Tuy nhiên, hệ sinh thái biển có ý nghĩa sống còn tại vùng biển này đang bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt cá quá mức được khuyến khích bởi các khoản trợ cấp chính phủ, các hoạt động đánh cá có hại và trong những năm gần đây là việc khai thác trai quy mô lớn, đặc biệt là việc nạo vét đáy biển để xây dựng đảo nhân tạo của một số nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng trữ lượng cá ở Biển Đông đã cạn kiệt khoảng 70 – 95% so với những năm 1950 và tỷ lệ khai thác đã giảm 66 – 75% trong vòng 20 năm qua. Việc khai thác trai quy mô lớn, nạo vét đáy biển và xây dựng đảo nhân tạo trong những năm gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy hơn 160km2 rạn san hô, vốn đã giảm 16% sau mỗi thập kỷ. Toàn bộ nghề cá ở Biển Đông vốn sử dụng hàng triệu lao động và giúp nuôi sống hàng trăm triệu người đang đứng trước nguy cơ sụp đổ trừ phi các bên tuyên bố chủ quyền cấp thiết hành động để ngăn chặn sự suy giảm này.

Điều 123 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định, các quốc gia tiếp giáp các vùng biển bán khép kín như Biển Đông có nghĩa vụ hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm bảo vệ môi trường biển và quản lý trữ lượng cá. Điều này phản ánh các hệ sinh thái kết nối sâu sắc với nhau tại các vùng biển bán khép kín này, trong đó các dòng hải lưu lưu chuyển sinh vật biển và chất ô nhiễm qua khu vực mà không liên quan tới thẩm quyền quốc gia. Hơn nữa, Điều 192 trong UNCLOS 1982 quy định nghĩa vụ chung cho các nước là phải “bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”. Không như đối với dầu lửa, quyền khai thác chỉ dựa vào quyền của một nước đối với thềm lục địa, nghĩa vụ cùng bảo vệ các tài nguyên sinh vật biển khiến cho việc quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường biển là những thành quả dễ gặt hái trong hợp tác ở Biển Đông.

Một hệ thống hiệu quả để quản lý nghề cá và môi trường Biển Đông không thể chỉ dựa vào những tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải chồng chéo không liên quan gì tới các loài cá. Thay vào đó, chúng phải được xây dựng xoay quanh toàn bộ hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ thống các rạn san hô mà nhiều sinh vật biển phụ thuộc vào. Với ý chí chính trị, các quốc gia tiếp giáp Biển Đông hoàn toàn có thể hợp tác bảo vệ các hệ sinh thái này và quản lý trữ lượng cá mà không gây phương hại đến các tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải chồng chéo của họ. Chẳng hạn, Chính phủ Philippines có một yêu cầu khắt khe trong hiến pháp là phải bảo vệ các quyền tự chủ của quốc gia tại các vùng biển và thềm lục địa của nước này, họ có thể đồng ý hợp tác quản lý nghề cá trong vùng biển bị tranh chấp theo Điều 123 UNCLOS 1982 mà không gây phương hại cho tuyên bố chủ quyền của họ hoặc công nhận tính pháp lý đối với tuyên bố của các nước khác và do đó không mâu thuẫn với luật pháp trong nước của họ.

Nghĩa vụ pháp lý quốc tế về hợp tác quản lý nghề cá và môi trường biển là phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các cộng đồng dân cư xung quanh Biển Đông phụ thuộc nhiều vào trữ lượng cá về cả an ninh lương thực lẫn sinh kế địa phương. Tuy nhiên, khu vực này đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về sản lượng khai thác thủy sản những năm gần đây do sự kết hợp giữa việc đánh bắt quá mức cho phép và cố ý phá hoại môi trường. Tại Biển Đông, cá có thể đẻ trứng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước, sinh trưởng ở EEZ của một nước khác và dành phần lớn thời gian trưởng thành ở EEZ của một nước thứ ba. Việc đánh bắt quá mức cho phép hoặc phá hoại môi trường vào bất kỳ thời điểm nào trong chu trình này cũng ảnh hưởng đến cư dân tất cả các bên sống quanh khu vực biển đó. Toàn bộ khu vực Biển Đông đang chao đảo trên bờ vực sụp đổ của nghề đánh bắt cá. Và cách duy nhất để tránh được điều đó là thông qua hợp tác đa phương trong các vùng biển bị tranh chấp.

Các phương án thường được thảo luận về việc bảo vệ trữ lượng cá ở Biển Đông bao gồm việc thành lập một tổ chức mới quản lý nghề cá trong khu vực (RFMO) hoặc mở rộng một cơ quan hiện hành. Nhưng xét tới tính chất cấp bách của mối đe dọa này, sự phức tạp trong việc thành lập một RFMO và thành tích hỗn tạp của các tổ chức hiện tại, một phương án thực tế hơn là các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải thương lượng về một cơ chế giám sát trữ lượng cá, lập ra giới hạn đánh bắt và các khu vực bảo vệ và thực thi các quy chế đó mà không cần đến một bộ máy hoàn chỉnh là một RFMO. Theo thời gian, một thỏa thuận như vậy sẽ phát triển thành một tổ chức mạnh mẽ hơn và thể chế hóa hơn.

Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia quốc tế, các bên yêu sách chủ quyền và các quốc gia ven biển cần phải nhất trí các vấn đề sau:

Một là, thiết lập một khu vực quản lý nghề cá và môi trường ở Biển Đông, việc thi hành và thực hiện phải rút kinh nghiệm từ các tiền lệ thành công, bao gồm Công viên hải dương rạn san hô Great Barrier và Công ước bảo vệ môi trường biển vùng Đông Bắc Đại Tây Dương (OSPAR). Khu vực quản lý này sẽ tạo thành một loạt khu vực đánh bắt cá dựa trên hệ sinh thái riêng biệt bao trùm khắp các rạn san hô có ý nghĩa sống còn đối với trữ lượng cá trong khu vực, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough và bãi cạn Luconia, cũng như các vùng biển ở giữa có thể khai thác các chủng loại cá biển. Khu vực này sẽ hoạt động dựa theo quy trình như sau: (1) Khu vực quản lý sẽ không nhất thiết phải cấm đánh bắt cá hoàn toàn. Thay vào đó, nó sẽ bao gồm một loạt khu vực đánh bắt cá được điều chỉnh sao cho phù hợp. Những khu vực này có thể bao gồm các vùng cấm đánh bắt cá để giúp các ngư trường đang bị cạn kiệt nghiêm trọng có thể phục hồi, các khu vực trong đó chỉ giới hạn một số loại hình đánh bắt cá nhất định và các khu vực không giới hạn. (2) Sự tham gia của các bên trong việc thành lập và thực hiện một khu vực quản lý sẽ không ảnh hưởng đến các tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải hiện thời và không thể bị coi là sự công nhận của bất kỳ bên nào đối với tuyên bố của các bên khác. (3) Quyết định về loại hình đánh bắt cá nào sẽ bị cấm hoặc cho cấp phép ở từng khu vực phải được đưa ra dựa trên các tiêu chí khoa học, chẳng hạn như tình trạng của rạn san hô và tầm quan trọng của nó đối với trữ lượng cá di trú. (4) Tất cả các bên sẽ nhất trí chỉ định một số thành viên vào một ủy ban gồm các chuyên gia và quan chức độc lập từ các cơ quan quản lý nghề cá, các cơ quan hàng hải và khoa học có liên quan để lập ra sơ đồ quy hoạch khu vực quản lý và đưa ra các điều chỉnh thường xuyên. (5) Tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền và các quốc gia ven biển giáp với Biển Đông cần phải tham gia thiết lập và quản lý các khu vực đánh bắt cá vì tất cả đều phụ thuộc vào một hệ sinh thái biển khỏe mạnh trong vùng biển bán khép kín này. Điều này có nghĩa là Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam cần tham gia nghiên cứu khoa học trong các khu vực đánh bắt cá và lập bản đồ khu vực đánh bắt cá. (6) Cần thành lập một cơ quan tư vấn về việc quản lý các loài cá biển trong đó tập hợp các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và các quốc gia ven biển trong Vịnh Thái Lan. Nhóm các nước trong Vịnh Thái Lan không cần phải tham gia việc thành lập các khu vực đánh bắt cá kể cả cá rạn san hô ở Biển Đông, nhưng phải được tư vấn về những vùng quản lý trữ lượng cá di chuyển giữa 2 vùng nước.

Hai là, phân chia trách nhiệm thực thi giữa các bên chiếm đóng và các quốc gia có tàu mang cờ của mình như sau: (1) Các bên chịu trách nhiệm giám sát và ngăn chặn những tàu vi phạm các giới hạn đánh bắt cá do ủy ban đa phương đặt ra trong phạm vi 20 hải lý tính từ các tiền đồn họ chiếm đóng trên cấu trúc địa hình bị tranh chấp và ở những vùng thuộc khu vực quản lý trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của họ. Trong những khu vực có quyền tài phán chồng lấn, khu vực 20 hải lý xung quanh các cấu trúc địa hình bị chiếm đóng sẽ được ưu tiên hơn là khu vực 200 hải lý tính từ bờ biển. Nếu hai vùng ven biển hoặc 2 khu vực từ cấu trúc địa hình bị chiếm đóng chồng lấn với nhau, một đường trung tuyến sẽ được sử dụng để chia tách các khu vực theo trách nhiệm. (2) Các bên có thể cấp giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân trong và ngoài nước tại khu vực thực thi tạm thời của họ, phù hợp với các giới hạn do ủy ban đa phương đặt ra cho khu vực quản lý này. (3) Các khu vực có quyền tài phán này không tạo thành phán quyết về chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình hoặc tình trạng pháp lý của chúng (quần đảo, bãi đá, bãi cạn nửa chìm nửa nổi và các cấu trúc địa hình ngầm). Đó là những dàn xếp tạm thời, không phải sự công nhận thẩm quyền đối với các vùng lãnh hải hoặc EEZ và sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định ranh giới trên biển trong tương lai. (4) Việc tuần tra và ngăn chặn các tàu vi phạm giới hạn đánh bắt cá được các bên đồng nhất trí tại một số vùng thuộc khu vực quản lý bên ngoài các khu vực có quyền tài phán này có thể do bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào thực hiện. Hoạt động này bao trùm toàn bộ các khu vực ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển và 20 hải lý từ cấu trúc địa hình bị chiếm đóng. Các bên tuyên bố chủ quyền cần phải tìm cách phối hợp các cuộc tuần tra, kể cả cuối cùng sử dụng các thỏa thuận hợp tác thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ thông tin nhận thức về phạm vi trên biển trong các khu vực này. (5) Quốc gia mà tàu mang cờ của nó có trách nhiệm truy tố các tàu thuyền từ một nước tuyên bố chủ quyền hoặc một nước ven biển ở Biển Đông nếu vi phạm các giới hạn đánh bắt cá trong khu vực quản lý. Bên bắt giữ cần phải sắp xếp để bàn giao kịp thời các tàu thuyền này và thủy thủ đoàn của họ. Việc truy tố các đối tượng vi phạm từ những nước không tuyên bố chủ quyền sẽ là trách nhiệm của bên bắt giữ.

Ba là, nhất trí không sử dụng các khoản trợ cấp để khuyến khích đánh bắt cá trên Biển Đông vốn đã bị khai thác cạn kiệt, cụ thể như sau: (1) Nhất trí từ bỏ các khoản trợ cấp được xác định theo khu vực địa lý mà có thể khuyến khích đánh bắt cá trong khu vực quản lý. (2) Nhất trí rằng, những ngư dân vi phạm các giới hạn của khu vực quản lý sẽ mất quyền tiếp cận bất kỳ chương trình trợ cấp và hỗ trợ nào của chính phủ, vốn được sử dụng để hỗ trợ ngành đánh bắt cá.

Bốn là, phối hợp các nỗ lực để đưa loài trai khổng lồ và các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng khác như rùa biển trở lại các rạn san hô thưa người ở Biển Đông, cụ thể: (1) Tài trợ, phối hợp và hỗ trợ hậu cần cho một hiệp hội các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu để dẫn dắt nỗ lực này, trong đó bao gồm các trường học và các tổ chức ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vốn đã tham gia nuôi dưỡng loài trai khổng lồ trong điều kiện nuôi nhốt. (2) Mỗi bên tuyên bố chủ quyền sẽ chịu trách nhiệm nuôi cấy loài trai và đưa các loài sinh vật khác tới những rạn san hô mà họ chiếm giữ hiện tại. Cuối cùng, cần phải đưa các nhóm dân sự đa quốc gia quay trở lại các rạn san hô chưa bị chiếm đóng, cho dù ưu tiên trong ngắn và trung hạn sẽ là các rạn san hô gần những cấu trúc địa hình bị chiếm đóng vì chúng sẽ dễ bảo vệ hơn trước những kẻ đánh bắt trộm. Các hoạt động như vậy sẽ được thực hiện bất chấp hoặc không gây ảnh hưởng tới các tuyên bố chủ quyền.

Năm là, tránh các hoạt động gây tổn hại môi trường biển hoặc làm thay đổi đáy biển, bao gồm: (1) Tránh bất kỳ hành động cố ý phá hoại môi trường biển, bao gồm nạo vét, cải tạo đất hoặc xây dựng các cơ sở trên các rạn san hô bỏ không. (2) Cam kết thực hiện và công bố các đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành công tác xây dựng hoặc cải tạo trên các cấu trúc địa hình bị chiếm đóng.

Sáu là, nhất trí rằng, trong trường hợp tranh cãi về cách diễn giải hoặc thực hiện thỏa thuận này, mỗi bên đều có thể yêu cầu thành lập một ủy ban dàn xếp, điều tra, hoặc hòa giải theo quy trình sau: (1) Mỗi bên tham gia thỏa thuận sẽ nêu tên 4 chuyên gia về các vấn đề hàng hải để đăng ký vào danh sách các thành viên tiềm năng cho một ủy ban dàn xếp, điều tra hoặc hòa giải. Nếu vào bất kỳ thời điểm nào một bên chưa có đủ 4 chuyên gia đăng ký trong danh sách này, họ có thể bổ sung chuyên gia để đạt đủ hạn mức. (2) Một bên tranh chấp có thể yêu cầu thành lập ủy ban một khi các cuộc đàm phán trực tiếp không thể giải quyết vấn đề. Việc tham gia quá trình dàn xếp, điều tra và hòa giải khi đó sẽ là bắt buộc đối với tất cả các bên tranh chấp. (3) Mỗi bên tranh chấp sẽ chỉ định 2 chuyên gia từ danh sách các thành viên tiềm năng hiện thời để tham gia ủy ban. Một bên có thể không chỉ định một trong những chuyên gia mà chính họ đã tiến cử vào danh sách. (4) Một khi tất cả các bên tranh chấp đã lựa chọn xong, những ủy viên được chỉ định sẽ lựa chọn một chuyên gia để trở thành chủ tịch ủy ban. (5) Ủy ban này sẽ quyết định quy trình của riêng họ để điều tra và dàn xếp tranh chấp, trừ phi các bên tranh chấp đã nhất trí về một quy trình từ trước. (6) Ủy ban này sẽ đưa ra một quyết định nêu rõ các kết luận của họ về tất cả những câu hỏi về thực tế hoặc pháp luật liên quan tới tranh chấp và đưa ra các khuyến nghị cho một giải pháp dàn xếp giữa các bên.

Trên đây là kế hoạch chi tiết cho việc quản lý nghề cá và hợp tác vì môi trường Biển Đông được nhóm chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, bao gồm những chuyên gia ưu tú về luật biển, quan hệ quốc tế và môi trường biển đến từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới đề xuất. Vì thế, các nước xung quanh Biển Đông cần sớm khởi động một lộ trình tham vấn, trao đổi, bàn bạc về vấn đề quản lý nghề cá và hợp tác vì môi trường Biển Đông và có thể tham khảo, vận dụng kế hoạch trên để đảm bảo hệ sinh thái biển vô cùng phong phú và có giá trị cao tại vùng biển này được bảo vệ, giữ gìn và tiếp tục phục vụ nhu cầu của con người. Đó cũng là biện pháp góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới