Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThiệt hại Mỹ gánh từ cuộc chiến với TQ

Thiệt hại Mỹ gánh từ cuộc chiến với TQ

Hoạt động sản xuất suy yếu hay tỷ lệ nông dân phá sản tăng cao là những thiệt hại có thể nhìn thấy được của Mỹ vì chiến tranh thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc vào ngày 15/1. Nhưng thỏa thuận này, dù mất hai năm để hình thành, vẫn không dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan mà ông áp đặt với hàng hóa Trung Quốc.

Thỏa thuận sẽ bãi bỏ thuế với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa, gần bằng 2/3 số hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế quan đã làm tăng giá nhiều mặt hàng, từ mũ bóng chày, vali, xe đạp, TV, giày thể thao đến hàng loạt nguyên vật liệu được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng.

Trump sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán nhằm làm tổn thương nền kinh tế và gây áp lực buộc Trung Quốc phải đồng ý với một thỏa thuận mới yêu cầu Bắc Kinh xóa bỏ những hoạt động thương mại không công bằng như trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ hay ép buộc chuyển giao công nghệ. Giới lãnh đạo doanh nghiệp khắp nước Mỹ cũng như các nghị sĩ ở cả lưỡng đảng đều đồng tình với mục tiêu trên.

Song đòn thuế cũng khiến người Mỹ bị ảnh hưởng. Lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, buộc các ông chủ phải đưa ra quyết định cắt giảm việc làm hay tăng giá với người tiêu dùng.

Mặt khác, việc không biết cuộc chiến thuế quan sẽ kéo dài bao lâu và liệu Trump có muốn tăng thêm sức ép nhằm vào Trung Quốc không còn khiến giới doanh nghiệp lưỡng lự trong những quyết định đầu tư dài hạn, tác động tiêu cực tới tăng trưởng.

Một báo cáo của Moody’s Analytics cho biết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khởi phát từ đầu năm 2018, đã khiến Mỹ mất 300.000 việc làm, tính đến tháng 9/2019.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn tương đối mạnh. Nền kinh tế có thêm 2,1 triệu việc làm mới trong năm 2019, dù thấp hơn năm 2018 với 2,7 triệu việc làm tăng thêm.

Khó có thể xác định được căng thẳng thương mại đóng góp bao nhiêu phần trăm vào tổn thất việc làm nhưng báo cáo của Moody không phải nguồn duy nhất cho thấy thuế quan ảnh hưởng đến người lao động Mỹ.

Theo một cuộc điều tra của công ty nhân sự Gray & Christmas, những khó khăn về thương mại được viện dẫn là nguyên nhân khiến 10.000 việc làm bị cắt giảm, chỉ tính riêng tháng 8 năm ngoái. Một bản phân tích từ Tax Foundation cũng đánh giá chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm trong dài hạn.

Trump đã sai khi tuyên bố Trung Quốc là bên phải trả thuế. Chi phí thuế thực tế đánh trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của các nhà nhập khẩu Mỹ ngay từ thời điểm hàng về cảng.

Các công ty Mỹ đã phải trả thêm 46 tỷ USD tiền thuế so với khi chưa có những hàng rào thuế quan của Trump, theo bản phân tích dữ liệu chính phủ do liên minh thương mại tự do Tariffs Hurt the Heartland thực hiện.

Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ chấp nhận chi phí thuế nhưng số khác chọn cách chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí này cho người tiêu dùng.

Có khả năng các nhà sản xuất Trung Quốc đã hạ giá thành sản phẩm để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ, song ít nhất hai báo cáo được công bố hồi năm ngoái chỉ ra rằng các công ty và người tiêu dùng Mỹ đang phải gánh chịu chi phí thuế.

Một số nghiên cứu cho thấy hàng rào thuế quan cuối cùng lại khiến các gia đình Mỹ chịu thiệt. JPMorgan Chase cho biết các mức thuế Trump áp đặt năm 2018 khiến chi phí trung bình của hộ gia đình Mỹ tăng 600 USD/năm.

Một báo cáo khác từ các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Đại học Princeton và Đại học Columbia, ước tính hàng rào thuế quan thậm chí còn làm tăng chi phí của hộ gia đình Mỹ tới 831 USD/năm. Nghiên cứu cũng tính đến cả chi phí dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc nhằm né thuế.

Nhưng những tính toán kể trên không bao gồm các biện pháp thuế áp đặt từ tháng 9/2019 nhằm vào hàng tiêu dùng như đồ chơi, quần áo và TV. Những vòng thuế trước chủ yếu đánh vào hàng công nghiệp và ít có khả năng trực tiếp làm tăng chi phí của người mua sắm.

Dù vậy, lạm phát vẫn dao động trong khoảng 2% kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Trump khẳng định biện pháp thuế của ông thúc đẩy ngành sản xuất nhưng ngành này lại đang rơi vào suy thoái. Tháng 12, hoạt động sản xuất suy yếu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động cho thấy chỉ 46.000 việc làm trong ngành sản xuất được tạo ra trong năm 2019, tăng chưa đầy 0,5%.

Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thuế quan chắc chắn là nguyên nhân khiến ngành sản xuất bị đình trệ.

Việc một số doanh nghiệp được hưởng lợi là đúng bởi đòn thuế Trump tung ra khiến hàng hóa của các đối thủ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng nhiều nhà sản xuất Mỹ cần nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất, lắp ráp hàng hóa trong nước và hàng rào thuế quan nhắm vào những mặt hàng như thép, động cơ hay phụ tùng xe đạp.

Bất kỳ lợi ích nào có được nhờ đòn thuế đều bị kéo lại bằng việc tăng giá nguyên liệu đầu vào và thiệt hại từ biện pháp thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa Mỹ. Những yếu tố này dẫn tới việc làm trong ngành sản xuất sụt giảm, các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhấn mạnh.

Trung Quốc đã chọn mục tiêu tấn công là các nông dân Mỹ khi áp thuế trả đũa lên những sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, lúa mỳ hay ngô.

Nhưng ngay cả khi nông dân Mỹ mất đi thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tâm lý nông dân vẫn tích cực và Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán thu nhập từ nông nghiệp sẽ tăng 10% trong năm nay, lên mức cao nhất từ năm 2014.

Kết quả trên phần lớn có được nhờ một gói cứu trợ của Tổng thống Mỹ. Chính quyền Trump đã chi khoảng 28 tỷ USD cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi thuế quan do Trung Quốc áp đặt. Các khoản thanh toán không đủ bù đắp tổng thiệt hại nông dân phải chịu nhưng ít nhiều giúp thu hẹp khoảng cách.

Nếu không có cứu trợ từ chính phủ, thu nhập nông nghiệp sẽ bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ của Trump không thể cứu mọi nông dân. Tỷ lệ nông dân phá sản đã tăng 25% so với năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và chạm mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ vào năm ngoái, một phần do chiến tranh thương mại. Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển dịch chuỗi cung ứng, mua hàng hóa từ các nhà sản xuất ở những quốc gia châu Á khác nhằm né thuế.

Dù thị trường việc làm Mỹ vẫn kiên cường và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trong cả năm 2019, nó thực tế đã chững lại.

Rất khó để tính toán cụ thể mức độ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhưng các mối đe dọa từ đòn thuế của Trump đang tiếp tục khiến môi trường kinh doanh trở nên không chắc chắn. Ngoài Trung Quốc, ông còn áp thuế với thép nước ngoài cùng rượu và pho mát châu Âu.

Chính quyền Trump còn đang cân nhắc tăng các mức thuế kể trên và áp thuế mới với hàng loạt sản phẩm của Pháp, động thái khiến các nhà hàng và nhà nhập khẩu rượu giận dữ.

RELATED ARTICLES

Tin mới