Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới3 kịch bản cuối cho thương chiến Mỹ-Trung

3 kịch bản cuối cho thương chiến Mỹ-Trung

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ – Trung mong manh, những bất đồng thực chất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa được giải quyết.

 

Nguyên nhân của cuộc chiến này không chỉ là kinh tế, mà còn có cả lý do chính trị, quân sự. Các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản cho cuộc chiến tranh được xem là có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn thế giới 2 năm qua.

Cụ thể, về kinh tế, Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thặng dư thương mại rất lớn, nhưng thặng dư ấy là do Trung Quốc lợi dụng hệ thống thương mại tự do, không minh bạch, thường xuyên trợ cấp ồ ạt cho các doanh nghiệp trong nước, bán phá giá…. Từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã 34 lần kiện Trung Quốc lên WTO.

Về chính trị, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, thách thức Mỹ về địa chiến lược toàn cầu. Từ cuối thời chính quyền Obama, Mỹ nhận ra rằng Trung Quốc không là một nước mà Mỹ mong đợi trước đây, mà thay vào đó là một Trung Quốc táo bạo, lợi dụng thương mại tự do để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự để chiếm lấy vị trí hàng đầu thế giới. Tham vọng này được thể hiện trong kế hoạch 2025, trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), qua hành vi của Trung Quốc đối với các nước láng giềng… Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cáo buộc Trung Quốc là “kẻ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Vì thế, nhìn sâu xa thì bất đồng giữa hai nước vượt ra ngoài thương mại.

Mục đích của Mỹ khi tiến hành chiến tranh thương mại nhằm làm cho đà phát triển kinh tế của Trung Quốc phải giảm xuống, không cho Trung Quốc vượt qua Mỹ. Mặt khác, chiến tranh thương mại phải làm cho kinh tế Mỹ tốt lên. Nếu chỉ cản trở đà phát triển của Trung Quốc và kinh tế Mỹ cũng bị tác động có nghĩa là hai bên cùng thiệt hại, là điều Mỹ không chấp nhận.

Thỏa thuận ngày 15/1 mà Mỹ và Trung Quốc đặt bút ký, trên thực tế, chỉ là một thỏa thuận “hưu chiến”, tạm hoãn chiến tranh gần 2 năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà hoàn toàn không phải là chấm dứt xung đột thương mại. Tại Washington và Bắc Kinh, các quan chức cao cấp nhất liên tục đưa ra những lời lẽ khẳng định đây là sự khởi đầu cho một ”kỷ nguyên mới” cho quan hệ song phương. Đối với các thị trường, thì đây là một thời điểm mà hy vọng không khí yên bình thuận lợi cho việc làm ăn trở lại, sau 18 tháng xung đột thương mại.

Tuy nhiên, không khí “chiến tranh”vẫn còn đó, rất nhiều bất đồng giữa hai siêu cường chưa được giải quyết, cùng với việc thỏa thuận này làm đảo lộn các quy tắc thương mại đa phương, mà cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng lâu nay. Cuộc chiến leo thang về thuế nhập khẩu đã ngưng lại, nhưng đa số các sắc thuế trừng phạt vẫn được duy trì. Hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ vẫn bị đánh thuế trung bình hơn 19% so với mức thuế 3% trước cuộc chiến tranh thuế.

Trong cuộc chiến này, hai bên đã dùng rất nhiều biện pháp để đối phó với nhau.

Về kinh tế, cho đến nay, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng của Mỹ. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ hỗ trợ nông dân tới 28 tỷ USD, nhằm “giúp đỡ nông dân của mình, cho họ một sân chơi bình đẳng”. Mỹ còn đưa ra 3 sắc lệnh về mua hàng. Mặt khác, Mỹ kiểm soát xuất khẩu và các giấy phép liên quan, siết chặt thẩm định đầu tư và thiết lập liên minh đa phương với các đối tác.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng dùng nhiều biện pháp để đối phó, như gây khó khăn cho các công ty Mỹ, đưa các công ty Mỹ vào danh sách “không đáng tin cậy”. Trung Quốc còn hạn chế mua hàng của Mỹ, nhất là đỗ tương, thịt lợn….

Trong khi chiến tranh thương mại đang diễn ra, Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến tuần tiễu và tập trận trên Biển Đông với Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Australia, ASEAN. Thậm chí, Mỹ còn sử dụng pháo đài bay B52 tập trận trên Biển Đông. Ngày 1/6/2019, lần đầu tiên Mỹ đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPSR), trong đó cáo buộc Trung Quốc đang “tìm kiếm quyền lực bá chủ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương …và thống trị toàn cầu”.

Vấn đề Đài Loan cũng được Mỹ khai thác trong cuộc chiến thương mại này. Quốc hội Mỹ thông qua “Luật đi lại Đài Loan”, “Luật tiếp cận qua lại với Tây Tạng” và “Luật sáng kiến trấn an châu Á”. Không dừng lại ở đó, ngày 16/4/2019, Mỹ tuyên bố bán 2,2 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan. Mỹ còn đang tiến hành “Dự án huấn luyện máy bay F-16” cho Đài Loan.

Trung Quốc phát hành “Sách Trắng” về chiến tranh thương mại, tuyên bố Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự đổ vỡ của đàm phán. Trung Quốc cũng sử dụng điện ảnh để tuyên truyền về chiến tranh thương mại. Mạng xã hội Trung Quốc đầy rẫy tiếng nói chỉ trích Mỹ, kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Mỹ.

Trong cuộc chiến tranh thương mại này, Mỹ và Trung Quốc tìm cách để lôi kéo đồng minh, tập hợp lực lượng. Mỹ đang “thuyết phục bạn bè cùng hành động”. Cụ thể, Mỹ tăng cường hợp tác với Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…. thông qua các quan hệ kinh tế, quốc phòng. Mỹ và đồng minh còn hợp tác rất chặt chẽ trong sự kiện Huawei. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tìm cách tập hợp lực lượng, như thông qua Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, rồi xích lại gần Nga hơn, lôi kéo Ấn Độ và các đối tác tại SCO…

 Đáng chú ý là hai bên đã dùng cả biện pháp ngoại giao, nhân quyền vào chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại lan sang lĩnh vực công nghệ. Mỹ cấm công ty ZTE, Huawei của Trung Quốc không được giao thương với Mỹ. Theo Mỹ, kế hoạch “Made in China 2025” chỉ là một “lộ trình ăn cắp”. Từ 2011 đến tháng 5/2019, trên 90% vụ án gián điệp kinh tế ở Mỹ đều dính dáng đến Trung Quốc. 2/3 vụ án đánh cắp bí mật thương mại cũng liên quan đến Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không đơn giản là xung đột về kinh tế. Đây là cuộc đấu tranh giành vị trí siêu cường, là đấu tranh về mô hình và cách thức phát triển. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra, có thể đưa ra một số kịch bản về triển vọng của cuộc chiến tranh này như sau:

Cuộc chiến thương mại ngày càng gia tăng căng thẳng, phức tạp và khó lường, sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Khả năng này ít xảy ra, vì cả hai bên sẽ cùng hao người tốn của, cùng chịu những tổn thất khi để chiến tranh thương mại kéo dài.

Sẽ có một bên thắng và một bên thua. Khả năng này cũng ít xảy ra. Vì thực ra hai bên đều cần nhau, nên nếu một bên “chết” hẳn, thì bên kia cũng bị ảnh hưởng, dù giờ đây, họ đang tìm cách “tiêu diệt” lẫn nhau. Mặt khác, với quy mô lớn như hai nền kinh tế này, việc “chết” cũng không phải là dễ.

Hai nước sẽ cùng có những bước lùi, chấp nhận nhau để đi đến một thỏa thuận, đem lại sự ổn định cho mỗi bên. Đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất. Nếu Mỹ bắt Trung Quốc phải chấp nhận tất cả những yêu cầu, chắc chắn không đạt được. Ngược lại, Trung Quốc không chấp nhận những vấn đề mà Mỹ nêu ra, thì sẽ dẫn đến một trong hai khả năng trên. Cũng cần biết rằng, nếu so sánh, tiềm lực của Mỹ mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều, nên việc Trung Quốc phải chấp nhận cũng là điều dễ hiểu.

RELATED ARTICLES

Tin mới