Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc thừa nhận ngư dân Hoa Lục xâm phạm vùng biển...

Trung Quốc thừa nhận ngư dân Hoa Lục xâm phạm vùng biển Indonesia

Trung Quốc thừa nhận ngư dân nước này đã đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông. Hãng thông tấn Kyodo đưa tin hôm 17 tháng 1.

Tuyên bố được Đại sứ Trung Quốc, ông Tiêu Thiên, đưa ra tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Điều phối Indonesia về các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh, Mahfud, ngày 16 tháng 1.

Tuy thừa nhận ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh đảo Natuna của Indonesia nhưng ông Tiêu Thiên lại cho rằng đây không phải là điều nghiêm trọng và ông tin tưởng chính phủ hai bên có thể xử lý và giải quyết vấn đề một cách phù hợp. Ông cho biết thêm rằng chính phủ Trung Quốc đang chịu sức ép từ ngư dân đòi cho phép họ tiếp tục hoạt động trong EEZ của Indonesia. Phía Indonesia coi đây là hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Trước sự hiện diện đông đảo của tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo Natuna, ngày 30 tháng 12 năm 2019, Jakarta đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia đến để phản đối.

Phát biểu tại họp báo ở Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước quanh đó và ngư dân hai nước  vẫn có hoạt động đánh bắt cá bình thường tại vùng nước này.

Bộ Ngoại giao chính phủ Jakarta hôm 1/1/2020 tiếp tục lên tiếng phản đối và sau đó điều nhiều tàu chiến, thậm chí cả máy bay chiến đấu tới khu vực, buộc tàu Trung Quốc phải rút lui sau gần 3 tuần có mặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Quần đảo Natuna của Indonesia nằm về phía nam quần đảo Trường Sa và không nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông, đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này.

Toà Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc, đồng thời không công nhận quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới