Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáng kiến ‘Vành đai con đường’ của TQ gây nhiều tranh cãi

Sáng kiến ‘Vành đai con đường’ của TQ gây nhiều tranh cãi

Theo tin ngày 01/02 của trang Thebl, sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu đã gặp phải nhiều vấn đề gây tranh cãi, các nước tham gia sáng kiến có nguy cơ mắc nợ rất cao.

 

Sáng kiến “Vành đai, con đường” do Tập Cận Bình đề xuất được bắt đầu từ năm 2013. Đây là một trong những đề xuất tham vọng nhất của Trung Quốc, một chiến lược khổng lồ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa xã hội. Sáng kiến  này nhằm kết nối Trung Quốc với phần lớn châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, 23 trong số 68 quốc gia mà Trung Quốc đang đầu tư đã chứng kiến ​​nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án lớn bắt đầu vào năm 2013.

Các quốc gia trong khu vực châu Á và một số quốc gia có chung biên giới đã bất mãn về các dự án, điều đó làm chậm tiến trình phát triển của sáng kiến.

Ví dụ, tháng 8/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy hơn 20 tỷ đô la cho các dự án đường sắt và đường ống trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

 Pakistan quyết định hủy dự án 14 tỷ đô la cho dự án xây đập, sau đó tiếp tục cắt thêm 2 tỷ đô la từ kế hoạch cho đường sắt.

Tạp chí Forbes đã chỉ ra, gần 7 năm sau khi các dự án lớn trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” bắt đầu, sự chậm trễ, vấn đề tài chính, “bẫy nợ” , sự bùng nổ của tâm lý tiêu cực dẫn đến một triển vọng ngày càng không chắc chắn.

Cũng theo tạp chí Forbes, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tiếp cận các dự án quốc tế, Tập Cận Bình đã hợp tác với cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người hiện đang phải đối mặt với cáo buộc bất thường về tài chính liên quan đến việc xây dựng một loạt các dự án lớn ở Hambantota. Bắt đầu bằng việc xây dựng một cảng nước sâu mới, sân bay, sân vận động, trung tâm hội nghị khổng lồ và hàng trăm dặm đường mới, đã dẫn đến Sri Lanka kết thúc trong nợ nần, cuối cùng Trung Quốc đã chiếm 70% cổ phần cảng biển sâu tại Hambantota trong 99 năm  với giá 1,12 tỷ USD. Mặc dù lúc đầu đây dường như là một sự hoán đổi nợ bằng vốn, nhưng sau đó có tin Sri Lanka thực sự sử dụng tiền để tăng dự trữ ngoại hối và thực hiện một số khoản trả nợ nước ngoài khác để tự cứu mình khỏi sự sụp đổ kinh tế.

Forbes đã chỉ ra, tình hình ở khu vực Hambantota khiến các chiến lược tài chính của chính quyền Trung Quốc trở nên nổi tiếng là ngoại giao “bẫy nợ”. Các dự án lớn của “Vành đai và Con đường” bị Bangladesh, Malaysia, Myanmar và Sierra Leone từ chối hoặc hạn chế.

Theo Nikkei Asian Review tháng 11/2018, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã tạm gác các dự án  cơ sở hạ tầng mà họ cho là không khả thi, bao gồm ít nhất 2 thỏa thuận lớn do Trung Quốc tài trợ.

 Ông Jonathan Hillman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, khi các công ty Trung Quốc tiến sâu hơn vào các thị trường mới nổi, thực thi không đầy đủ và thực tế kinh doanh kém đang biến “Vành đai con đường” thành một vấn đề toàn cầu.

Một danh sách dài các công ty Trung Quốc đã được gỡ bỏ từ Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác do gian lận,  tham nhũng, lạm phát chi phí, hối lộ, ông Jonathan nói thêm.

Forbes lưu ý rằng sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” đã mất đi sự hỗ trợ do các vụ bê bối, bẫy nợ và các dự án thất bại xuất hiện trong những năm gần đây.

Phát biểu trước chuyến thăm tới  Myanmar gần đây nhất của Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Thương mại Myanmar cho biết, Trung Quốc đang tìm cách ký các thỏa thuận liên quan đến Đặc khu kinh tế Kyaukphyu và cảng trị giá 1,3 tỷ USD ở Rakhine.

Một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo vào năm 2017 đã khiến hơn 700.000 người Rohingyas, bang Rakhine phải chạy trốn qua biên giới vào Bangladesh. Một tuyên bố được đưa ra bởi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng gần 600.000 người Rohingyas vẫn có nguy cơ bị đàn áp nghiêm trọng.

 Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, bày tỏ lo ngại về vai trò của chính quyền Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Myanmar. Trung Quốc phải ngừng sử dụng vị trí của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ các tướng cao cấp của Myanmar khỏi trách nhiệm. Điều này  càng thúc đẩy chiến dịch không ngừng vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh chống lại các dân tộc thiểu số của quân đội trên phạm vi cả nước.

Với các thỏa thuận kinh tế và cơ sở hạ tầng lớn nhưng thiếu minh bạch dự kiến ​​sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, đó là điều rất đáng lo ngại, ông Nicholas nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới