Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThăm Myanmar: Thông điệp ngoại giao đầu năm 2020 của TQ

Thăm Myanmar: Thông điệp ngoại giao đầu năm 2020 của TQ

Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình (17-18/1) thăm chính thức Myanmar, đánh dấu hoạt động ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc trong năm 2020. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước bước vào “kỷ nguyên mới”.

Trong chuyến thăm tới Myanmar, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm vơi Tổng thống Myanmar Win Myint, hội kiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, tiếp Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min AungHlaing… Trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã chứng kiến ​​việc ký kết 29 văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực và hai bên cũng đưa ra Tuyên bố chung.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Myanmar Win Myint, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng đây là chuyến thăm đầu tiên của Trung Quốc đến nước ngoài, phản ánh tầm quan trọng to lớn của nó đối với tình hữu nghị giữa hai nước và làm sâu sắc thêm quan hệ Trung Quốc – Myanmar. Ông Tập Cận Bình hy vọng thông qua chuyến thăm để gửi 03 thông điệp quan trọng: Thứ nhất, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên quyết ủng hộ chính phủ và nhân dân Myanmar đi theo con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của họ và tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp phát triển quốc gia. Thứ hai, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Myanmar đã đặt nền tảng sâu rộng cho những nỗ lực chung nhằm xây dựng một Cộng đồng chung vận mệnh giữa Trung Quốc và Myanmar, đồng thời nó sẽ là động lực thúc đẩy sức sống mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Thứ ba, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Myanmar, cùng nhau xây dựng kế hoạch phát triển và mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ Trung Quốc – Myanmar.

Đáng chú ý, Tuyên bố chung nhấn mạnh, hai bên nhất trí lấy kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao như một cơ hội để đưa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bước vào “kỷ nguyên mới”; làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, xây dựng một cộng đồng định mệnh cho Trung Quốc và Myanmar. Hai bên cũng đã lên kế hoạch một cách có hệ thống và triển khai giai đoạn trao đổi và hợp tác tiếp theo giữa hai nước. Tuyên bố chung nêu rõ hai bên nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng hợp tác “Vành đai và Con đường”, thúc đẩy quá trình chuyển đổi Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar từ quy hoạch sang giai đoạn xây dựng thực chất và thúc đẩy hỗ trợ phát triển Đặc khu kinh tế Jiao Piao, Khu vực kinh tế biên giới Trung Quốc – Myanmar, xây dựng các khung kết nối như đường cao tốc, đường sắt và các nguồn năng lượng. Tuyên bố chung cũng cho biết, hai bên đồng ý chỉ định năm 2020 là “Năm du lịch văn hóa Trung Quốc – Myanmar”, hai nước nhất trí cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, tôn giáo và truyền thông, văn hóa xã hội khác.

Giới chuyên gia, học giả Myanmar đánh giá cao kết quả chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Aung Tun Thai, thành viên của Ủy ban Hòa bình Myanmar, cho rằng việc xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh ở Myanmar và Trung Quốc là kết quả quan trọng của chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. Cùng quan điểm trên, Tổng thư ký của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Myanmar Khin Maung Lam cho biết, Myanmar là một quốc gia đang phát triển, song nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc thành lập một cộng đồng chung vận mệnh giữa hai nước, đã làm sâu sắc thêm quan hẹ song phương. Thời gian tới, Myanmar và Trung Quốc cần tăng cường thực hiện dự án cùng có lợi, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và thúc đẩy tình hữu nghị Myanmar – Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Myanmar và Trung Quốc sẽ tiến hành hợp tác chặt chẽ hơn trong kỷ nguyên mới và nhiều cơ hội sẽ xuất hiện trong nhiều khía cạnh như giao lưu văn hóa và xã hội. Myanmar và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ về kinh tế, và việc xây dựng hợp tác “Vành đai và Con đường” sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên, bao gồm cả việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả cảng và cầu. Sự phát triển của các đặc khu kinh tế và khu hợp tác sẽ củng cố vị trí của Myanmar như một kênh quan trọng kết nối Đông Nam Á và Nam Á. Ngoài ra, từ việc xây dựng chung “Vành đai và con Đường” đến Hành lang kinh tế Myanmar – Trung Quốc, các dự án hợp tác lớn do hai bên cùng thúc đẩy sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Myanmar. Thông qua chuỗi hợp tác dự án lớn này, Myanmar và Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển tương ứng của họ và đạt được lợi ích chung.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc và Myanmar vừa ký kết hàng chục thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, nằm một phần trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”, nhưng không có thỏa thuận nào đáng kể. Theo đó, Ông Tập và bà Suu Kyi đã đồng ý đẩy mạnh xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar, một dự án hạ tầng khổng lồ trị giá hàng tỉ USD, với các thỏa thuận về các tuyến đường sắt giúp kết nối tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một cảng nước sâu tại bang Rakhine, một đặc khu kinh tế giáp biên giới hai nước cùng dự án về một thành phố mới nằm trong thành phố thương mại Yangon. Tuy nhiên, cả hai bên đã không thống nhất về một dự án siêu đập trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc ủng hộ. Dự án này đã ngưng trệ từ năm 2011, phản ánh sự bất đồng ý kiến về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar khi nhiều người tỏ ra không thoải mái trước cách áp đặt của Trung Quốc đối với người hàng xóm Myanmar.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước không ngừng được cải thiện. Một trong những điểm nhấn về hợp tác giữa hai nước là dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar dài 1.700 km, kết nối thành phố Côn Minh (Trung Quốc) với đặc khu kinh tế tại cảng Kyaukpyu thuộc bang Rakhine (Myanmar). Việc xây dựng một cảng nước sâu và một khu công nghiệp với sự tham gia của Trung Quốc là những dự án thí điểm của hành lang này. Một dự án khác trong tương lai là xây dựng tuyến đường sắt liên kết tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với bờ biển Vịnh Bengal, chạy gần như song song với hệ thống đường ống dẫn khí và ống dẫn dầu hiện có.

Được biết, dưới chế độ quân sự ở Myanmar, phương Tây – với lý do Myanmar vi phạm nhân quyền – đã cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh tế và tài chính với nước này. Khi đó Trung Quốc, với tầm nhìn xa, đã lợi dụng điều này để gia tăng sự hiện diện trong nền kinh tế Myanmar. Phương Tây đã bỏ lỡ “bước nhảy” của Trung Quốc vào Myanmar và khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép phương Tây hợp tác với Myanmar, tất cả các lĩnh vực có lợi nhuận thực sự đã bị dòng vốn Trung Quốc chiếm giữ. Hiện giờ, có vẻ như tình hình đang lặp lại. Myanmar lại một lần nữa bị cô lập trên trường quốc tế khi xảy ra xung đột với phương Tây về vấn đề người tị nạn Rohingya. Trong bối cảnh này, Myanmar lại tích cực hướng tới Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới