Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐe dọa huỷ bỏ Thoả thuận Thăm viếng Quân sự: Bước đi...

Đe dọa huỷ bỏ Thoả thuận Thăm viếng Quân sự: Bước đi mới của Tổng thống Duterte

Trong bối cảnh Mỹ và Philippinnes đang bất đồng về việc Washington từ chối cấp visa cho Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, Tổng thống Duterte (22/1) đã đưa ra cảnh báo sẽ hủy bỏ Thoả thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement – VFA) giữa hai nước, nếu vấn đề trên không được giải quyết.

Tuyên bố huỷ bỏ VFA của Tổng thống Duterte là một hành động “trả đũa” lại Mỹ khi từ chối cấp Visa cho Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, một “đồng minh” thân cận của Tổng thống Duterte. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng người ta có thể biết rằng việc từ chối cấp visa của phía Mỹ nhằm thực thi Đạo luật Magnitsky bởi vì ông Rosa đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bài trừ ma tuý của Tổng thống Philippines, mà bị nhiều cáo buộc là “lạm quyền và vi phạm nhân quyền”. Để đáp trả hành động này từ phía Mỹ, ông Duterte đã tuyên bố huỷ bỏ VFA mà hai bên đã ký kết trước đó.

VFA là Thoả thuận song phương giữa Philippines và Mỹ, với nội dung cho phép quân đội Hoa Kỳ và quân đội Philippines thực hiện các hoạt động huấn luyện chung trên lãnh thổ Philippines. VFA được Thượng viện Philippines phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1999. VFA là văn bản nối tiếp trên tinh thần của Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (Mutual Defense Treaty – MDT) ký kết 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines. MDT cho phép Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp Philippines bị xâm lược có vũ trang. Năm 2014, Hoa Kỳ và Philippines cũng ký kết thêm Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA), EDCA có hiệu lực năm 2016.

Giới chuyên gia cho rằng việc yêu cầu đơn phương huỷ bỏ Thoả thuận song phương này phản ánh mối quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa chính quyền của Tổng thống Duterte với Hoa Kỳ. Không những vậy, với việc hủy bỏ VFA cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng xấu đối với tình hình Biển Đông. Bởi vì Hoa Kỳ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét huỷ bỏ các văn bản song phương với Philippines mà hai bên đã ký kết trước đó, bao gồm EDCA và MDT. MDT là Hiệp ước đặc biệt quan trọng với Philippines, vì nó cho phép Hoa Kỳ giúp bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công xâm lược. Không những vậy, sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong tình hình biển Đông hiện nay, bởi vì nhu cầu gìn giữ khu vực biển Đông thành một khu vực an ninh, ổn định và tự do cần có sự tham gia của Hoa Kỳ – một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ thì sự cân bằng quyền lực tại khu vực Biển Đông sẽ bị phá vỡ. Nhà báo Richard  Javad Heydarian nhận định, nếu ông Duterte thực hiện những gì ông nói, đây sẽ là dấu chấm hết cho hiệp ước quân sự và quan hệ đồng minh có từ lâu giữa Philippines và Mỹ, tạo ra lợi thế cho Trung Quốc trước các tranh chấp trên Biển Đông. Theo nhà báo này, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đẩy mạnh trừng phạt nhằm vào các nhân vật được cho là thủ phạm trong các vụ “vi phạm nhân quyền” ở Philippines, bao gồm cả những người chủ trương cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte có vẻ ngày càng lo lắng hơn về viễn cảnh của ông và các đồng sự khi ông bước dần về cuối của nhiệm kỳ tổng thống 6 năm. Bằng việc đe dọa chấm dứt việc để Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự chiến lược ở Philippines, các tiền đồn quan trọng trong chiến lược giành ảnh hưởng ở Biển Đông, nhà lãnh đạo Philippines có lẽ hy vọng ngăn chặn được các hành vi leo thang trừng phạt của phương Tây nhằm vào quan chức thuộc quyền và có thể là cả bản thân ông trong những tháng và năm tới.

Mặc dù phía Philippines tuyên bố “mạnh miệng” về việc đơn phương huỷ bỏ VFA, nhiều khả năng đây chỉ là tuyên bố “mồm” của ông Duterte. Việc duy trì VFA không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ với sự hiện diện tiếp tục tại Philippines – một đồng minh của Hoa Kỳ mà còn có lợi cho chính Philippines khi phía Mỹ đã trợ giúp rất nhiều về mặt quân sự cho nước này chống lại các lực lượng phiến quân. Ngoài ra, ông Duterte vốn nổi tiếng với nhiều phát biểu nhất thời, sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược. Sau khi tuyên bố “mạnh miệng” về việc huỷ bỏ VFA, thông tin mới nhất từ báo Rappler cho biết là chính quyền Duterte đã có một bước lùi khi yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá các tác động nếu Philippines huỷ bỏ VFA. Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarra cho biết là: “Theo hiểu biết của tôi thì Tổng thống mới chỉ đe doạ, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức để huỷ bỏ VFA. Đó là lý do vì sao văn phòng Tổng thống lại yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá về tác động của việc huỷ bỏ này”.

Được biết, kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte đã ở thế đối đầu với Mỹ và phương Tây về chuyện nhân quyền. Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, được nói là đã lấy đi tính mạng của hàng ngàn nghi can, đã làm xấu đi quan hệ của Manila với các đồng minh truyền thống. Ban đầu, chính quyền của ông Trump đã tìm cách làm giảm nhẹ các bất đồng nhằm ưu tiên hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn, đặc biệt trước các mối bận tâm chung về sự quả quyết của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng trong năm 2019, căng thẳng lại gia tăng khi các nỗ lực của quốc hội lưỡng đảng ở Mỹ nhằm trừng phạt “các nhân vật vi phạm nhân quyền ở Philippines” được chính phủ Mỹ ủng hộ. Những ngày gần đây, một số quan chức hàng đầu Philippines công khai bày tỏ quan ngại về việc phải đối đầu với lệnh cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt khác vì bị cáo buộc liên quan đến một số hành vi lạm dụng quyền lực. Nhân vật nổi bật nhất trong số này là thượng nghị sỹ Bato Dela Rosa, cựu chỉ huy cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), người giám sát giai đoạn được cho là “bạo lực nhất” trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte.

RELATED ARTICLES

Tin mới