Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiều Chiến hạm USS Montgomery tuần tra gần Trường Sa: Thông điệp...

Điều Chiến hạm USS Montgomery tuần tra gần Trường Sa: Thông điệp cứng rắn của Mỹ trong năm 2020

Ngay những ngày đầu năm 2020, Mỹ (25/1) đã điều chiến hạm USS Montgomery thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên trong năm gần Trường Sa.

Người phát ngôn Hạm đội 7 của hải quân Mỹ Joe Keiley cho biết, tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery cuối tuần trước thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông; chuyến tuần tra của tàu USS Montgomery nhằm “khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế”; nhấn mạnh hoạt động này nhằm thách thức những hạn chế các bên đặt ra với quyền đi qua vô hại tại khu vực, cũng như bảo vệ quyền sử dụng biển cả một cách hợp pháp. Đây là hoạt động FONOP đầu tiên của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong năm 2020. Theo các hình ảnh được đăng trên website của hải quân Mỹ cho thấy tàu USS Montgomery đã đi qua đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Chữ Thập và đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, Lầu Năm Góc cảnh báo về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, chẳng hạn triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và xây dựng cơ sở quân sự tại những bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa. Do đó, Mỹ đang đẩy mạnh việc triển khai tàu chiến đến Biển Đông. Trong những năm gần đây, Mỹ đã nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Ngay sau khi tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra qua đá Chữ Thập và đá Gạc Ma của Việt Nam, Người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc Lý Hoa Mẫn ngang ngược tuyên bố “quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng không quân, hải quân theo dõi tàu USS Montgomery và phản đối hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực này”; đồng thời cáo buộc tàu chiến Mỹ vừa “cố tình gây hấn” trong dịp Tết Nguyên đán với “ý định xấu xa”.

Theo chuyên gia Swee Lean Collin Koh, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, diễn biến này xảy ra chẳng bao lâu sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời việc thực thi FONOP của tàu USS Montgomery còn diễn ra ngay cả khi Trung Quốc đang phải đối đầu với dịch viêm phổi Vũ Hán. Đó là chỉ dấu cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngầm khẳng định sẽ giữ vững chương trình FONOP. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN năm nay đẩy mạnh thảo luận để đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Động thái của Washington nhằm nhấn mạnh rằng lợi ích của các nước bên ngoài khu vực, điển hình như hoạt động FONOP, cần được đảm bảo.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông ngay những ngày đầu năm 2020 cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, thông qua hành động trên là biện pháp cứng rắn của Mỹ nhằm đạt được một số mục tiêu chiến lược, cụ thể: Thứ nhất, gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Hoạt động tuần tra lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thứ hai, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Chữ Thập và đá Gạc Ma là những thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo. Thứ ba, duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016). Theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các quy định của UNCLOS, đá Chữ Thập và đá Gạc Ma bãi đá nửa chìm nửa nổi, chính vì vậy đá này chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải quanh khu vực 12 hải lý của đá Chữ Thập và đá Gạc Ma cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa. Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và đá Gạc Ma. Một hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cần được tôn trọng và thực thi.

Được biết, đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Namtừ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc xây dựng tại đá Chữ Thập trung tâm liên lạc lớn nhất trong vùng với phần góc Đông Bắc của đá này được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa. Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong khi đó, đá Gạc Ma nằm ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Thời gian đầu căn cứ của Trung Quốc tại đây chỉ là vài kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến năm 1989 tại đây đã có nhà xi măng hai tầng. Năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m. Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma.

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường chín đoạn” nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới