Monday, November 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc...

Giới chuyên gia: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Tình hình biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan tham vọng của Trung Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng Việt Nam có vai trò quan trọng hơn trong giải quyết hòa bình các tranh chấp về chủ quyền biển đảo.

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong EEZ của Việt Nam

Trong những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên thực địa như cải tạo đảo, quân sự hóa trên các tiền đồn trái phép ở Biển Đông, đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông… nhằm tuyên truyền, khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Với việc Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

Theo Giáo sư James Borton, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Ngoại giao Khoa học, Đại học Tufts của Mỹ: “Trong năm 2020, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đẩy lùi sự khẳng định chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở biển Đông vì là năm có tổng tuyển cử và Nhà Trắng muốn được coi là mạnh mẽ, quyết đoán trong quan hệ với Bắc Kinh. Quan điểm của tôi là Washington và Bắc Kinh hiện nay bị cuốn vào sự bi quan thái quá, thù địch và một não trạng trò chơi có tổng bằng không (tình huống trong đó nếu một bên thu được lợi ích thì bên còn lại sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại) trong hầu hết lĩnh vực tương tác. Trước hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung và khả năng thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tiếp tục thu hút sự chú ý của quốc tế, trong năm 2020, nếu Trung Quốc thực sự có bất kỳ kế hoạch nào về việc lập ADIZ ở khu vực, thì điều này sẽ buộc chính quyền Trump thay đổi quan điểm, vị thế quân sự hoặc quốc phòng ở châu Á. Cả Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đều coi phản ứng của Trung Quốc là động thái hung hăng, gây mất ổn định một cách trắng trợn. Thậm chí nếu Bắc Kinh nói rằng việc thiết lập ADIZ là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, thì hành động đó chắc chắn sẽ dẫn tới việc Hải quân Mỹ triển khai thêm nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và điều thêm tàu chiến tới biển Đông. Trong khi quan điểm chính thức của Mỹ dường như nhấn mạnh ý tưởng rằng, luật lệ ADIZ cấu thành điều kiện hợp lý cho việc đi vào không phận lãnh thổ, kỷ nguyên hợp tác Mỹ-Trung sẽ chấm dứt và theo sau đó chỉ có cạnh tranh chiến lược”. Trước bối cảnh đó, Giáo sư James Borton nhận định, “với vai trò mới là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam cần ngay lập tức thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các nước thành viên để xác định các lĩnh vực chung mà không chỉ các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông mà còn các quốc gia khác nhất trí đối phó thống nhất với các động thái bắt nạt của Trung Quốc. Dường như các vấn đề về an ninh môi trường kéo các quốc gia xích lại gần nhau để cùng nêu và giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, đánh bắt quá mức, khai thác trái phép, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Điều này sẽ dọn đường cho sự phản ứng thống nhất trong ASEAN đối với COC hiện rất cần cho khu vực tranh chấp trên biển Đông. Cách duy nhất để sáng kiến này tiến về phía trước là tạo ra một thỏa thuận đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Là một phần của hành động lãnh đạo này, Việt Nam nên khuyến khích các cuộc diễn tập đa phương trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam vẫn đang kiên nhẫn chơi đẹp khi phản ứng với các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đưa tàu khảo sát vào vùng biển Việt Nam. Đây là trò bập bênh địa chính trị đòi hỏi phản ứng ngoại giao mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam”.

Cùng quan điểm trên, Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật “vùng xám” với lực lượng nòng cốt là hải cảnh và dân quân biển nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. Đây là chiến lược lâu dài mà Trung Quốc áp dụng để khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò”, quyền kiểm soát của họ đối với Biển Đông. Trung Quốc muốn tạo ra “điều bình thường mới” nơi các nước láng giềng buộc phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này vì họ không đủ năng lực để trục xuất các tàu Trung Quốc to hơn, nặng hơn, vũ trang tốt hơn. Trung Quốc đã và đang biến 7 đảo nhân tạo trên biển Đông thành căn cứ quân sự cho các lực lượng không quân, hải quân, hải cảnh và dân quân biển của họ. Đây vừa là bàn đạp vừa là nơi tiếp nhiên liệu, trú tránh an toàn cho các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của các nước láng giềng. Các hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa và vì thế gây sức ép các nước ASEAN trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), và ép họ không được hợp tác với các nước bên ngoài khu vực. Trung Quốc xây dựng, quân sự hóa 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa trước khi Mỹ có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đặt Mỹ vào sự đã rồi. Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ có thể hỗ trợ các nước trong khu vực về huấn luyện, xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức khu vực biển, nhưng họ không phải là các đồng minh hiệp ước chính thức. Nói cách khác, chiến lược vùng xám của Trung Quốc gần như không bị thách thức. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhưng họ gặp khó vì sự khó đoán định của Tổng thống Donald Trump, nhất là về suy nghĩ, hành động mang tính chiến lược của ông ấy. Ông Trump mời lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN đặc biệt vào nửa đầu năm 2020. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có nhiệm vụ đạt đồng thuận của khối về cách thức đáp lại lời mời này. Giáo sư Carlyle Thayer cũng cho rằng Việt Nam ghi nhận và cung cấp chi tiết về quy trình giao thiệp, xử lý phù hợp luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế của cảnh sát biển Việt Nam với cảnh sát biển Trung Quốc, vì đây là một dạng bằng chứng đấu tranh rất thuyết phục. Việt Nam nên liên tục nêu rằng, các sự việc đối đầu trên biển Đông chính là các sự cố mà COC được lập ra để ngăn chặn và/hoặc giải quyết.

Trong khi đó, Chuyên gia Derek Grossman, Cơ quan tư vấn chính sách toàn cầu có trụ sở ở Mỹ cho rằng, Việt Nam có thể tìm cách “đấu tranh” nhiều hơn trên biển Đông khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, nhưng vẫn ưu tiên “hợp tác” trong lĩnh vực này để COC được hoàn tất. Nhưng nếu cảm thấy rằng đàm phán COC không suôn sẻ, Hà Nội có thể có hành động pháp lý hoặc sử dụng vị trí của mình là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để công khai những hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh có quyền phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào trái với lợi ích của họ. Trong tương lai, con đường hiệu quả hơn để “đấu tranh” với Trung Quốc trên biển Đông có thể là làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước lớn.

Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc tạm thời dừng lại các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, song lại đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, thăm dò trái phép tại khu vực này. Theo đó, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Trung Quốc cũng đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 982 tới hoạt động ở Biển Đông, nhưng vị trí của giàn khoan không được tiết lộ. Không những vậy, Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC, 26/6) ngang nhiên thông báo mời thầu khai thác 8 lô dầu khí ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo thông báo, CNOOC sẽ mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam. CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, sẽ hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”. Ngoài những hành động trên, Trung Quốc còn liên tục tổ chức tập trận trái phép ở Biển Đông. Tạp chí PLA Pictorial cho biết, Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”. Theo thông tin trên, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Được biết, tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông. Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích. Trước đó, từ 16/1 – 20/2, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương. Không giống những lần trước, trong cuộc tập trận lần này, Trung Quốc chỉ thông báo về đợt tập trận không quân, hải quân, tên lửa ở Biển Đông và Thái Bình Dương sau khi nó kết thúc. Tuyên bố từ thuộc Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh một số tàu chiến hiện đại nhất đã được quân đội Trung Quốc điều động tham gia đợt tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ. Thậm chí, để mô phỏng thực viễn cảnh thời chiến, cuộc tập trận còn không vạch sẵn kế hoạch và không đưa ra cảnh báo trước cho các lực lượng tham gia. Nói cách khác, mọi chỉ đạo và hành động trong cuộc tập trận đều phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tiến hành diễn tập khả năng tiêu diệt các tàu chiến hiện đại, cứu hộ và bắn đạn thật. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay, Lực lượng Tên lửa nước này còn điều động một nhóm liên lạc tham gia tập trận bởi một trong số bài tập trận có liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa và các binh sĩ được Trung Quốc triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông cũng cùng tham gia. Theo đó, Trung Quốc đã điều động các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tham gia cuộc tập trận trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới