Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuá trình triển khai Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển...

Quá trình triển khai Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của TQ

Từ khi đưa ra Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, Trung Quốc đã có nhiều bước triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngoài những mục tiêu phát triển kinh tế, đằng sau sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” còn là âm mưu nhằm khẳng định “chủ quyền” và gia tăng quyền kiểm soát trên Biển Đông của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (10/2013) lần đầu giới thiệu ý tưởng về “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Đến Tháng 11/2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên Biển” nhằm xây dựng lòng tin chiến lược và thúc đẩy sự phát triển cùng có lợi trên bảy lĩnh vực ưu tiên bao gồm hợp tác biển, tài chính, an ninh, bảo vệ môi trường và giao lưu nhân dân. Hiện nay, “Con đường tơ lụa trên biển” là phần quan trọng trong kế hoạch toàn cầu về hồi sinh Con đường tơ lụa cổ xưa, kết nối Trung Quốc với các nước Persian và biển Địa Trung Hải. Dự kiến, mạng lưới các cơ sở hạ tầng của tuyến đường này sẽ tạo ra hành lang kinh tế lớn nhất thế giới với khối lượng sản xuất lên tới 21.000 tỷ USD và dân số vượt 4,4 tỷ người, tương đương 63% dân số thế giới. Việc thực hiện dự án này cho phép Trung Quốc giải quyết một loạt nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa.

Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhận định, Trung Quốc đưa ra Sáng kiến trên là nhằm thực hiện một số mục đích: Sáng kiến trên nằm trong chiến lược tổng thể “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm tìm cách đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới, về cả kinh tế, chính trị và quân sự; thông qua triển khai sáng kiến trên, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đối với tất cả các khu vực trên thế giới, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các nước đồng minh, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ trên thế giới; Phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế trong nước, hỗ trợ vận chuyển nguồn nguyên liệu và hàng hóa phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế; Tạo điều kiện để Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, trong đó bao gồm cả việc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông và gia tăng kiểm soát tuyến đường hàng hải trong khu vực; Giải quyết được vấn đề tụt hậu về kinh tế của các khu vực phía Tây Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, để thực hiện Sáng kiến trên, Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quan trọng. Theo đó, trong tiến trình đàm phán cấp cao, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa những vấn đề hợp tác trên biển trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất trong thảo luận song phương. Kết quả là thành lập được các Quỹ Hợp tác trên biển Trung Quốc – ASEAN và Trung Quốc – Indonesia. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ phát triển hợp tác trên biển với các nước Đông Nam Á và Nam Á, châu Phi, hình thành những cơ chế phối hợp hành động ở cấp độ các cơ quan hàng hải quốc gia khác nhau; phát triển hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Không những vậy, Trung Quốc đang khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng hải, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, dự báo hàng hải, cứu hộ trên biển, phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khuyến khích xây dựng các cảng biển, bến tàu và mạng lưới thông tin để bảo đảm luồng hàng hóa và thông tin mở. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu, đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản nhằm mục đích tạo dựng cơ sở sản xuất và chuỗi công nghiệp với những nước giàu tài nguyên thiên nhiên và có nhu cầu tiêu thụ lớn; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp biển như đánh bắt cá, du lịch, khử muối nước biển, dược sinh học, các tài nguyên biển tái tạo…

Nhìn về khía cạnh an ninh hàng hải, giới chuyên gia cho rằng Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc có tác động, ảnh hưởng lớn đến diễn biến tình hình Biển Đông. Vì Tuyến đường “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đi qua nhiều nước ASEAN. Để triển khai sáng kiến trên, Bắc Kinh đã âm thầm triển khai nhiều kế hoạch nhằm dọn đường, tạo điều kiện thuận lợi để tái hiện lại “Con đường tơ lụa trên biển cổ xưa”. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động này của Trung Quốc chỉ nhằm tìm cách khẳng định “ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra và sử dụng giao thông hàng hải trên Biển Đông”, tiến tới bác bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Không những vậy, thông qua việc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, chính trị với các nước trên tuyến đường này, Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng, phụ thuộc của nước đối tác đối với nền kinh tế của Bắc Kinh. Từ đó, Trung Quốc sẽ tìm cách chi phối, tác động, lôi kéo, thậm chí ép buộc các nước ủng hộ quan điểm, chủ trương và lập trường của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó vấn đề Biển Đông hiện được Trung Quốc coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng là cách để Bắc Kinh phản ứng đáp trả chính sách “xoay trục sang châu Á” được Mỹ thực thi từ năm 2011. Việc triển khai sáng kiến trên sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ vòng vây của Mỹ và các nước ở Biển Đông.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn đang bế tắc trong việc triển khai sáng kiến, chủ yếu là do các nước không tin vào những gì Bắc Kinh tuyên truyền. Bề ngoài Trung Quốc kêu gọi hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhưng trên thực tế Bắc Kinh vẫn tiến hành các hành động leo thang căng thẳng bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước khác trên Biển Đông. Không những vậy, chính Trung Quốc cũng rất ít khi cung cấp thông tin liên quan sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên Biển thế kỷ 21”, điều này sẽ khiến các nước hoàn toàn không nắm được thông tin, và đương nhiên nó sẽ tạo ra mối nghi ngờ về những tuyên truyền của Bắc Kinh liên quan mục đích và lợi ích thu được từ việc hợp tác với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới