Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng...

Vì sao tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở gần Đá Chữ Thập và Gạc Ma?

Ngay trong những ngày đầu năm Canh Tý (ngày 28/01/2020 tức mồng 4 Tết Canh Tý), tàu USS Montgomery – một tàu chiến đấu tiên tiến của Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) xung quanh cấu trúc Chữ Thập và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988 và tiến hành bồi đắp, mở rộng thành các đảo nhân tạo và bố trí vũ khí, trang thiết bị quân sự, biến chúng thành các tiền đồn quân sự. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến đấu ven bờ của Mỹ tiến hành FONOP xung quanh 2 thực thể này.

Tàu chiến đấu ven bờ USS Montgomery đã xuất phát từ cảng Changi của Singapore và hướng thẳng tới các thực thể này. Dữ liệu thu được từ hệ thống nhận diện tự động cho thấy tàu chiến Mỹ đá áp sát đá Chữ Thập. Có thời điểm con tàu chỉ cách tiền đồn quân sự này khoảng 8,5 hải lý.

Sau đó, tàu USS Montgomery đi ngang qua đá Gạc Ma và đột ngột tắt hệ thống nhận diện. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc suy đoán rằng việc tàu USS Montgomery đột ngột tắt tín hiệu khi đi ngang qua Gạc Ma là dấu hiệu cho thấy tàu chiến Mỹ rất có thể đã tiến hành “các hoạt động khiêu khích phức tạp” trên thực địa.

Người phát ngôn của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, Trung úy Joe Keiley cho biết, tàu USS Montgomery đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế; cuộc FONOP mới nhất này “giữ vững các quyền pháp lý, quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển”, thách thức những hạn chế đối với việc qua lại vô hại.

Vì sao Mỹ chọn đá Chữ Thập và Gạc Ma để tiến hành FONOP trong chuyến “du xuân” đầu tiên trong năm 2020 đang được các nhà nghiên cứu quan tâm, đánh giá. Một số ý kiến cho rằng hành động này của Mỹ là để “dằn mặt” Trung Quốc trước những hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong năm 2019.

Thứ nhất, đá Chữ Thập là thực thể nhân tạo lớn nhất Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa, nơi có đường băng đạt chuẩn quân sự dài 3.000. Chữ Thập là cấu trúc nằm gần Việt Nam nhất (chỉ hơn 200 hải lý, ngay sát rìa phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) so với các cấu trúc khác trong quần đảo Trường Sa, án ngữ dọc bờ biển phía Nam Việt Nam.

Gạc Ma là nơi Hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc thảm sát đẫm máu ngày 14/3/1988, giết chết 64 binh sĩ Việt Nam; Gạc Ma có vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn, gần như nằm giữa những nơi mà Việt Nam và Philippines đang đóng giữ.

Việc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các cấu trúc này, bố trí tên lửa và máy bay chiến đấu, các thiết bị quân sự tinh vi ở đây thách thức tự do, an ninh an toàn hàng hải và các lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ đi vào gần 2 cấu trúc này để bảo vệ quyền đi lại tự do theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Thứ hai, chính đá Chữ Thập là nơi neo đậu, xuất phát, tiếp nhiên liệu cho tàu khảo sát Hải Dương 08 và các tàu Hải cảnh, tàu dân quân biển 4 lần liên tiếp tiến hành các hoạt động xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019. Mặc dù Mỹ đã lên tiếng ở nhiều cấp phản đối mạnh mẽ các hành động cưỡng ép, bắt nạt này của Trung Quốc song Bắc Kinh vẫn làm ngơ.

Các tàu Trung Quốc tiến hành các hoạt động xâm lấn trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 1 vừa qua cũng xuất hành từ đá Chữ Thập. Như vậy, sau khi hoàn tất việc quân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng ở Trường Sa, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các cấu trúc này để triển khai các hành động gây hấn ở Biển Đông. Chữ Thập, được coi là nơi Trung Quốc triển khai các tàu xuống phía Nam Biển Đông.

Việc cho tàu chiến hiện đại ven bờ tiến hành hoạt động gần đá Chữ Thập, Mỹ muốn phát đi lời cảnh báo với Trung Quốc rằng “hãy ngừng sử dụng các tiền đồn quân sự xây dựng trái phép bắt nạt các nước ven Biển Đông”.

Ngoài ra, việc tiến hành FONOP gần đá Chữ Thập và Gạc Ma vào những ngày đầu năm này còn để thế giới nhớ lại những hành động đánh chiếm các cấu trúc ở Trường Sa bằng vũ lực của Bắc Kinh cách đây 32 năm với cuộc thảm sát đẫm máu ở Gạc Ma ngày 14/3/1988. Qua đây, công luận thấy rõ bộ mặt thật hiếu chiến, bá quyền của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Trung Quốc hết sức tức tối trước hoạt động FONOP của tàu chiến Mỹ xung quanh đá Chữ Thập và Gạc Ma. Cũng trong ngày 28/1, quân đội Trung Quốc nói rằng lực lượng không quân và hải quân của họ đã “đuổi” tàu chiến Mỹ khi tàu đi gần quần đảo.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông thì việc làm của Mỹ khẳng định rằng tự do ra vào vùng biển là điều rất quan trọng đối với tuyến đường thủy quốc tế này; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thúc đẩy việc thực thi phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để ngăn chặn sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hy vọng giới cầm quyền Bắc Kinh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, không có các hoạt động gây hấn mới với các nước láng giềng ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới