Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaASEAN trong “cơn bão” đoàn kết chống lại sự chia rẽ từ...

ASEAN trong “cơn bão” đoàn kết chống lại sự chia rẽ từ TQ trong vấn đề Biển Đông

Để phá vỡ sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng chính trị, quân sự, ngoại giao và sức mạnh kinh tế để lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN. Hành động của Trung Quốc đã có những tác động lớn đối với ASEAN khi đưa ra những quyết sách quan trong về vấn đề biển đảo.

Quan hệ Trung Quốc – ASEAN gần đây

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc – ASEAN được thắt chặt và triển khai trên nhiều lĩnh vực. Việc hai bên thắt chặt quan hệ được xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ, hợp tác với các nước ASEAN. Tại lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Trung Quốc – ASEAN (1991 -2016), Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ, lòng tin chính trị giữa hai bên không ngừng được tăng cường và đạt được nhiều thành tích thực chất trong hợp tác trên các lĩnh vực. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là nước đầu tiên xây dựng khu thương mại tự do với Đông Nam Á và liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009 đến nay. Không những vậy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng khẳng định quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong “thập niên vàng” và đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ song phương trong “thập niên kim cương”. Trước đó, ông Lý Khắc Cường cam kết khoản cho vat ưu đãi 20 tỷ USD phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng các nước ASEAN; cung cấp 3 tỷ USD cho Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN (chuyên cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tại ASEAN) và 480 triệu USD hỗ trợ các nước ASEAN thúc đẩy xóa đói giảm nghèo.

Về mặt hợp tác kinh tế, Trung Quốc – ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nền tảng hợp tác về kinh tế – thương mại và đầu tư, tạo khuôn khổ mới về kết nối hợp tác giữa hai bên, góp phần đưa Trung Quốc và ASEAN trở thành một trong các hình mẫu hợp tác thành công giữa ASEAN và các đối tác chiến lược; hai bên liên tục tổ chức các Hội nghị, diễn đàn, hội chợ như Hội nghị thương đỉnh về Phát triển và Hợp tác tài chính Trung Quốc – ASEAN; Diễn đàn Văn hóa Trung Quốc – ASEAN; Hội nghị về Hợp tác thương mại và đầu tư xuyên biên giới; Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO)…. nhằm giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, đầu tư, tài chính, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, môi trường, y tế và giáo dục; khẳng định sẽ nỗ lực nâng thương mại hai chiều lên mức 1.000 tỷ USD và đầu tư hai chiều lên mức 150 tỷ USD vào năm 2020. Hiện Trung Quốc đầu tư 40 tỷ USD thành lập “Quỹ Con đường tơ lụa” nhằm phát triển hạ tầng liên kết các nước châu Á – Thái Bình Dương; Trung Quốc – ASEAN (22/11/2015) cũng chính thức nâng cấp thỏa thuận thương mại ASEAN – China Free Trade Agreement (ACFTA).

Về giao lưu, hợp tác an ninh – quốc phòng với các nước ASEAN, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (16/10/2015) khẳng định, đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN; Trung Quốc muốn cùng ASEAN hợp tác để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực; khẳng định TQ sẽ tiếp tục điều phối và hợp tác với ASEAN trong các cơ chế đa phương như Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn khu vực (ARF); ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế liên quan và cùng xây dựng cấu trúc hợp tác an ninh khu vực mang tính chất mở, minh bạch và bình đẳng. Ngoài ra, Trung Quốc và ASEAN cam kết sẽ tăng cường các cuộc diễn tập về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ nhân đạo và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác trên Biển Đông.

Trung Quốc tìm cách chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Trong nhiều năm, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn là “điểm đen” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Do vùng biển này liên quan trực tiếp đến tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối. Điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Để tác động, chi phối ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… hòng lôi kéo, chia rẽ lập trường chung của Khối.

Theo đó, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc – CCB (25/4/2018) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì từng khẳng định,Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh với Indonesia, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia sang thời kỳ phát triển mới; tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc “đe dọa” các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4/2018) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. Trước đó, ông Lưu Chấn Dân cũng cảnh báo bất cứ phán quyết trọng tài nào cũng “đi ngược” với Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002 và việc đi ngược lại DOC chỉ mang lại “kết quả tiêu cực”.

Không những vậy, Trung Quốc còn sử dụng công cụ truyền thông đại chúng tích cực đưa tin, tuyên truyền về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, cho rằng một số nước ASEAN đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc thường đưa tin cho rằng tranh chấp “một bộ phận quần đảo Trường Sa” không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN; các bên nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác; Theo quy định trong Điều 4 DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải; Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại. Trước đó, trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi Campuchia vì “luôn đứng bên cạnh, hiểu và ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc còn tìm cách biện minh cho các hành động lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Phát biểu bên lề diễn đàn ASEAN SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (27/4/2018) tuyên bố, mỗi nhà nước ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tách hiệp hội; khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN cũng như công nhận sự tăng trưởng của ASEAN là điều quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc muốn thiết lập hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Hy vọng rằng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tuân thủ DOC đã ký kết. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp cận, phân hóa dần dần từng nước ASEAN. Malaysia (2015) dự định không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, song do sức ép của Mỹ và Nhật Bản buộc Malaysia phải thay đổi quyết định. Thái Lan trong thời gian gần đây đã xa lánh phương tây, tăng cường các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, nhất là kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền hồi năm ngoái. Thủ tướng Campuchia nhiều lần công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua ASEAN mà cần phải giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước tranh chấp.

ASEAN cần đứng vững trước sự “cám dỗ” của Trung Quốc

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cho rằng “an ninh ở khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Biển Đông và ASEAN phải thể hiện quan điểm chung trong vấn đề Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực.” Trước đó, cựu Ngoại trương Indonesia Marty Natalegawa từng tuyên bố, vấn đề Biển Đông vừa là một vấn đề song phương vừa là vấn đề khu vực. ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo cho hai bên tranh chấp trao đổi với nhau. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore từng tuyên bố, những diễn biến gần đây ở Biển Đông lại tiếp tục gây quan ngại và có lúc trở thành căng thẳng, đồng thời ông kêu gọi “Nhật Bản, cũng như các quốc gia có chung lợi ích cần hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bảo vệ yêu cầu thượng tôn luật pháp trong khu vực và trật tự quốc tế”. Trong khi đó, cố vấn chính trị của Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận định các hành động gần đây của Trung Quốc có thể được hiểu là một cách chia rẽ ASEAN và có lẽ được cố tình đưa ra trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế; cho rằng mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN là “thiển cận”, bởi “một ASEAN chia rẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc”.

Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, cho rằng các hành động phi pháp của Trung Quốc đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ DOC, nhất là Điều 5 và sớm ký kết COC; khẳng định ASEAN cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề Biển Đông; kêu gọi ASEAN cần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của ASEAN, thúc đẩy các bên liên quan tuân thủ các nguyên tắc chung đã được nhất trí, nhất là các nguyên tắc về kiềm chế.

Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, Trung Quốc tiến hành chia rẽ, phân hóa các nước ASEAN nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN và tranh thủ sự ủng hộ của một số nước trong khối trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông. Điều quan trọng nhất hiện nay là các nước ASEAN cần có cơ chế thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách nước lớn của mình với khu vực. Hiện Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu chia rẽ các quốc gia ASEAN trong lập trường về Biển Đông khi mà Brunei, Campuchia và Lào đưa ra tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ có sự chia rẽ sâu sắc bên trong ASEAN, vì khu vực này lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế và ASEAN khó lòng có được một nỗ lực thống nhất để chống lại Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi mà Trung Quốc là nhà đầu tư lớn và là đối tác thương mại quan trọng của Lào, Campuchia và Myanmar, những nước không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới