Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaAustralia - Indonesia phản đối hành vi quân sự hóa phi pháp...

Australia – Indonesia phản đối hành vi quân sự hóa phi pháp của TQ trên Biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước hành vi quân sự hóa trên Biển Đông.

Phản đối hành vi quân sự hóa Biển Đông

Theo đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh, Australia – Indonesia bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đối với hành vi quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp trên khu vực Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước những phát triển gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp. Hai nước cũng kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên nhấn mạnh,việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, không làm phương hại đến lợi ích và quyền lợi của bên thứ ba hoặc các quốc gia khác.

Được biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (9-11/2) thăm chính thức Australia. Trong chuyến thăm, ông Joko Widodo đã hội đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, gặp Toàn quyền David Hurley… nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác quan hệ song phương. Hai bên đã công bố Kế hoạch hành động 100 ngày để thực hiện Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện giữa 2 nước (IA-CEPA) và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2020-2024 trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đáng chú ý, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: Indonesia mong muốn hợp tác với Australia để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương. Hai nước phải trở thành bạn bè thực sự của các quốc gia Thái Bình Dương, hợp tác với tư cách là đối tác phát triển để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu,đói nghèo và bất bình đẳng xã hội. Hai bên cần ủng hộ khôi phục các nguyên tắc kinh tế mở, tự do và công bằng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Quan hệ song phương vững mạnh

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Indonesia và Australia đang không ngừng được củng cố và phát triển, nhất là dưới thời Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Scott Morrison (30/8/2018) đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Indonesia. Trước đó, ông Malcolm Turnbull (11/2015), trên cương vị Thủ tướng Australia, cũng chọn Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Nếu chuyến thăm của ông Turnbull (2015) là nhằm hàn gắn quan hệ hai nước và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với đất nước vạn đảo thì chuyến thăm của ông Morrison (2018) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Indonesia trong chính sách đối ngoại Australia, nhất là về phương diện kinh tế. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia – Australia (IA-CEPA) được ký kết tháng 3/2019 sẽ là động lực để hiện thực hóa các cam kết hợp tác kinh tế giữa hai nước, vốn đã có nhiều bước phát triển với thương mại hai chiều trị giá 16,5 tỷ USD trong năm 2017 và Indonesia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia.

Bên cạnh đó, Sách trắng về Chính sách đối ngoại (Foreign Policy White Paper) Australia năm 2017, được công bố lần đầu tiên sau 14 năm, khẳng định Indonesia là đối tác quan trọng đối với Australia trong tầm nhìn cân bằng lợi ích và ảnh hưởng của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Indonesia cũng được Australia đánh giá là quốc gia chủ chốt tại Đông Nam Á. Với tư cách là hai trung cường cùng thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Australia và Indonesia chia sẻ những đường hướng của nền ngoại giao trung cường với sự ưu tiên cho ngoại giao kênh II và nền ngoại giao đa phương năng động.

Không những vậy, là một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN, Indonesia, với uy tín và tầm nhìn tiến bộ, đã được kiểm nghiệm qua lịch sử. Việc chính quyền mới tiếp tục xem trọng mối quan hệ với Indonesia phản ánh rằng Australia tin tưởng khả năng Indonesia, trong tương lai sẽ hội đủ tiềm năng để đóng vai trò trụ cột và tiền tiêu trong ASEAN, và nhờ đó giúp thúc đẩy sự hiện diện và nâng cao vai trò của Australia tại Đông Nam Á. Trong lịch sử, khu vực địa lý phía Bắc luôn là mối quan tâm thường trực của Australia. Quốc gia láng giềng của Australia là Indonesia cũng từng được xem như một mối đe dọa cho an ninh của Australia.

Hợp tác trong vấn đề Biển Đông

Trong vấn đề Biển Đông, hợp tác quân sự Australia – Indonesia được tăng cường trong những năm gần đây, mà đề xuất tập trận giữa hải quân hai nước và các cuộc đối thoại quốc phòng là nổi bật, cũng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong hai năm vừa qua (2016 và 2017), phía Indonesia đã đề xuất với Australia về việc cùng tập trận chung ở Biển Đông; dự định này sau đó đã bỏ ngỏ vì phía Australia lo ngại kích động phản ứng từ phía Trung Quốc. Trong các đối thoại 2+2, gồm Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước, cũng như tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn về nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Hợp tác quân sự Australia – Indonesia, được khôi phục vào tháng 2/2017, trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh biển. Đây là chỉ dấu cho những bước phát triển, dẫu rằng hai quốc gia vẫn cần nhiều quyết tâm chính trị và lòng tin trong hợp tác quân sự, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Trong thế kỷ XXI, với tầm nhìn hội nhập vào châu Á, Australia rất cần củng cố và phát triển quan hệ với Indonesia. Tầm quan trọng của Indonesia trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị Đông Nam Á càng cung cấp nhiều chỉ dấu cho tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ song phương. Trong ASEAN, Indonesia vẫn là quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, cung cấp một thị trường rộng khắp và nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty Australia. Indonesia nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là vùng đệm chiến lược, có khả năng kết nối với hai cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia còn án ngữ ba eo biển Malacca, Sunda và Lombok – giữ vai trò chi phối các tuyến đường hàng hải và dòng thương mại qua châu Á, đặc biệt là qua Biển Đông. Quan trọng nữa là, tầm nhìn của Indonesia đang phản ánh khát vọng hướng biển mạnh mẽ. Tháng 11/2014, Tổng thống Widodo đã công bố “Học thuyết Trục biển toàn cầu” (World Maritime Axis) như là kim chỉ nam cho chính sách phát triển quốc gia. Tầm nhìn này được phát triển với Chính sách biển (Indonesian Ocean Policy) công bố vào tháng 6/2017.

Tất cả các lợi thế này đã giúp Indonesia giành được sự quan tâm của các cường quốc, trên cơ sở đó, thúc đẩy quan hệ với Indonesia giúp Australia gia tăng sự hiện diện và ưu thế tại khu vực. Trong bối cảnh chính sách biển của Indonesia, về cơ bản là có thể chia sẻ và dung hòa với chính sách phát triển về phía biển của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ thì Australia rất cần tranh thủ quan hệ với Indonesia, một bước đi để chia sẻ tầm nhìn với Indonesia nói riêng và các cường quốc nói chung. Chính sách đối ngoại độc lập, linh hoạt của Indonesia cũng có thể cung cấp nhiều giá trị tham khảo cho Australia.

RELATED ARTICLES

Tin mới