Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiều kiện kiên quyết để Mỹ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh...

Điều kiện kiên quyết để Mỹ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien (11/2) cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song chỉ khi cuộc gặp này mang lại một thỏa thuận hạt nhân.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu hội đồng Đại Tây Dương, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien tuyên bố điều kiện kiên quyết để Mỹ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là cuộc gặp phải mang lại một thỏa thuận hạt nhân; nhấn mạnh Tổng thống Trump luôn rõ ràng về vấn đề này và sẽ hành động một cách độc lập trước bất kỳ phương án chính trị nào. Trước đó một ngày, hãng phát thanh và truyền hình CNN đưa tin Tổng thống Trump đã nói với các cố vấn của mình rằng ông không muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nhà Trắng cho rằng nối lại đàm phán vào thời điểm hiện nay sẽ là mạo hiểm do tiềm ẩn những rủi ro đối với các lợi ích tiềm năng.

Được biết, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nổi lên đầu những năm 1990, khi Mỹ dựa vào thông tin từ vệ tinh nghi ngờ rằng Triều Tiên sở hữu các cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ không có ý định cũng như không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân; đồng thời chỉ trích Washington triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, cho rằng đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Triều Tiên.

Từ tháng 5/1992 đến tháng 2/1993, Triều Tiên đã chấp nhận sáu cuộc thanh sát bất thường của Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc (LHQ). Theo Thỏa thuận Khung được ký kết tại Geneva vào tháng 10/1994, Bình Nhưỡng đã nhất trí đóng băng chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy việc xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ và dầu nhiên liệu từ Tổ chức phát triển năng lượng trên bán đảo Triều Tiên (do Mỹ bảo trợ) nhằm bù đắp tình trạng thiếu điện tại Triều Tiên, do nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động. Trong tháng 10/2002, Mỹ nói rằng Triều Tiên đã thừa nhận nước này có chương trình làm giàu urani sau chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Mỹ James Kelly. Triều Tiên đã đáp trả bằng tuyên bố rằng họ có quyền phát triển vũ khí hạt nhân và thậm chí cả vũ khí hạng nặng. Tháng 12/2002, Mỹ đã ngừng việc vận chuyển dầu nhiên liệu tới Triều Tiên, viện dẫn rằng Triều Tiên đã vi phạm Thỏa thuận Geneva. Đáp trả, Triều Tiên tuyên bố chấm dứt việc đóng băng chương trình hạt nhân, tháo bỏ các dấu niêm phong và camera theo dõi của IAEA khỏi các cơ sở hạt nhân bị đóng băng, khôi phục các cơ sở hạt nhân này cho việc sản xuất điện.

Tháng 1/2003, Triều Tiên ra tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định không có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Tháng 8/2003, vòng đàm phán sáu bên gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đầu tiên được diễn ra tại Bắc Kinh. Tại đây, nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại được thiết lập. Ngày 19/9/2005, đàm phán sáu bên kết thúc vòng phán thứ tư với tuyên bố chung trong đó tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên theo cách thức hòa bình. Trong tuyên bố này, Triều Tiên “cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có”, nhưng khẳng định quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân của mình. Mỹ khẳng định rằng không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường. Hàn Quốc cũng tái khẳng định cam kết không tiếp nhận và phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hứa sẽ không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Ngày 13/2/2007, giai đoạn ba của vòng đàm phán sáu bên đã kết thúc tại Bắc Kinh và ra tuyên bố chung về bước đi đầu tiên hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tháng 7/2007, Triều Tiên đã đóng cửa và niêm phong các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Đến tháng 10/2007, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai kéo dài từ ngày 2 đến ngày 4, ra tuyên bố chung trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 11/2007, Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ ba cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được ngày 3-10 (tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai) không thể thực hiện hiệu quả do có sự bất đồng trong tuyên bố hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ. Tháng 6/2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm lạnh tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, đánh dấu bước đi biểu tượng hướng tới phi hạt nhân hóa.

Ngày 5/4/2009, Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa, làm dấy lên quan ngại sâu sắc của tất cả các bên. Ngày 13/4/2009, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã thông qua tuyên bố chủ tịch về vụ phóng tên lửa ngày 5/4/2009 của Triều Tiên, khẳng định đây là hành động “đi ngược lại Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an” và hối thúc nối lại sớm đàm phán sáu bên. Bình Nhưỡng ngay sau đó tuyên bố rút khỏi đàm phán sáu bên về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân và khởi động lại các cơ sở hạt nhân nhằm phản đối tuyên bố này của LHQ. Ngày 23/5/2009, Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công vụ thử dưới lòng đất lần thứ hai kể từ năm 2006. Vụ thử hạt nhân này khiến HĐBA LHQ ra Nghị quyết 1874, trong đó “lên án mạnh mẽ nhất” chống lại các cơ quan chính quyền Triều Tiên, đồng thời yêu cầu nước này phải ngừng ngay các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Ngày 6/1/2016, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Đây được cho là lần đầu nước này thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Đáp trả, Hàn Quốc quyết định dừng các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong giữa hai nước. Ngày 2/3/2016, HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, nhằm xóa bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ngày 9/9/2016, Triều Tiên thử tên lửa lần thứ năm. HĐBA tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với nước này. Ngày 3/9/2017, Triều Tiên tuyên bố chế tạo thành công bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa hạt nhân xuyên lục địa (ICBM).

Tháng 3/2018, ông Chung Eui-yong, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Triều Tiên bày tỏ thiện chí tổ chức đối thoại với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Theo quyết định của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng chương trình hạt nhân và các vụ thử ICBM từ ngày 21/4. Ngày 27/4, Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba tại làng đình chiến Panmunjom bên phần đất phía Hàn Quốc và hai bên thống nhất đưa ra Tuyên bố chung. Trong Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae-in tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Trong năm 2019, Mỹ và Triều Tiên đã tích cực thúc đẩy các vòng đàm phán về chương trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bế tắc kéo dài do mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm và cách tiếp cận khác nhau giữa hai nước.

Trong đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 ở Hà Nội, lãnh đạo hai nước đã trao đổi, thảo luận về việc xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức, trở ngại còn lại sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và đưa ra những đề xuất giúp đem lại kết quả tốt đẹp hơn. Tại cuộc họp báo diễn ra trước khi rời Hà Nội, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ – Triều Tiên thấy đây chưa phải thời điểm để ký kết thỏa thuận nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un “diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ”. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên (5/10/2019) tại Stockholm (Thụy Điển) đã không đạt được thỏa thuận nào. Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Kim Myong Gil, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên cho biết, “các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và cuối cùng đã kết thúc”; khẳng định “sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán với việc hai bên không đạt được bất cứ kết quả nào do Mỹ không từ bỏ thái độ và quan điểm cũ đối với Triều Tiên. Mỹ đã tạo ra sự hi vọng bằng các gợi ý đề xuất như cách tiếp cận linh hoạt, biện pháp mới hay các giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, họ đã khiến chúng tôi thất vọng và làm giảm sự nhiệt tình của chúng tôi trong các cuộc đàm phán bằng việc chẳng đưa điều gì mới mẻ đến bàn đàm phán”; đồng thời nhấn mạnh, “chúng tôi đã giải thích rõ với Mỹ về các biện pháp cần thiết và cho họ thời gian. Nhưng Mỹ đã đến cuộc đàm phán với hai bàn tay trắng. Điều này cho thấy Washington không sẵn sàng giải quyết vấn đề”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng, Mỹ đã nghiên cứu trước một số sáng kiến ​​mới, mở đường cho tiến triển trong các cuộc đối thoại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia sâu sắc hơn để giải quyết nhiều vấn đề chia rẽ giữa hai bên.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2019, Triều Tiên liên tục có các cuộc phóng thử tên lửa. Kể từ Tháng 5/2019 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 16 lần phóng thử tên lửa nhằm kiểm tra loại vũ khí mới và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng quân sự của nước này. Đáng chú ý, trong tháng 12/2019, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử được cho là thử động cơ tên lửa ở bãi phóng vệ tinh của nước này, khiến giới phân tích đồn đoán về khả năng nước này phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Về phía Mỹ, Washington tiếp tục công bố nhiều chính sách, báo cáo lên án Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng tiếp tục là “mối đe dọa an ninh của Mỹ”. Bộ Quốc phòng Mỹ (17/1/2019) công bố Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) 2019, trong đó tập trung chiến lược vào các nước như Iran và Triều Tiên.

Nhìn chung, từ những thông tin trên cho thấy, tiến trình đàm phán và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là một vấn đề khó khăn, ít có khả năng đạt được đột phá trong thời gian ngăn. Do đó, việc Mỹ và Triều Tiên có tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 hay không, không phải là vấn đề then chốt để giải quyết chường trình hạt nhân của Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới