Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đẩy mạnh xây dựng vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hồng...

TQ đẩy mạnh xây dựng vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Công – Ma Cao

Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng vùng vịnh lớn kết nối ba địa phương Quảng Đông – Hồng Công – Ma Cao ở phía nam, nhằm xây dựng khu vực này trở thành một cực tăng trưởng năng động dựa trên các yếu tố đổi mới và sáng tạo, từ đó hình thành một bố cục phát triển và mở cửa toàn diện.

Trung Quốc ưu tiến thúc đẩy xây dựng Vùng vịnh lớn

Trung Quốc (2/2019) đã chính thức ban hành Cương yếu quy hoạch vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Công – Ma Cao với phạm vi gồm hai khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Ma Cao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh; với mục tiêu kết nối các chính sách phát triển, đẩy mạnh liên kết và hợp tác nhằm xây dựng khu vực này trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học – công nghệ mang tầm quốc tế.

Theo quy hoạch, trong thời gian tới, vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ xây dựng thành vùng vịnh hàng đầu thế giới và cụm thành phố đẳng cấp thế giới, vai trò nâng đỡ và dẫn dắt trong phát triển kinh tế và mở cửa đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường. Vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao được xây dựng dưới điều kiện một nước, hai chế độ, ba khu thuế quan và ba loại tiền tệ. Theo đề cương, Khu vực Vịnh mở rộng bao gồm: Khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Khu hành chính đặc biệt Macao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh; tổng diện tích 56.000km2; tổng số dân khoảng 70 triệu người (tính đến cuối năm 2017); GDP đạt khoảng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,48 nghìn tỷ USD) năm 2017.

Quy hoạch nhấn mạnh, Khu vực Vịnh mở rộng với mức độ mở cửa và năng động kinh tế hàng đầu ở Trung Quốc sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong tổng thể phát triển của đất nước. Sự phát triển của khu vực này được đề cao không chỉ là một đột phá khẩu mới trên con đường tiếp tục mở cửa toàn diện trong thời kỳ mới, mà còn là một bước tiến nữa trong thực hiện “một nước, hai chế độ”. Quy hoạch xác định, Khu vực Vịnh mở rộng sẽ được phát triển thành một cụm thành phố đầy sức sống đẳng cấp thế giới, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu, một trụ đỡ quan trọng cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, một minh chứng cho hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc lục địa với Hồng Công và Macao, và một vòng tròn sống chất lượng để sống, làm việc và đi lại. Hồng Công, Macao, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ được tập trung phát triển để đóng vai trò như tổ hợp động cơ bốn lõi hạt nhân của Khu vực Vịnh mở rộng.

Quy hoạch chia làm hai giai đoạn, ngắn hạn từ nay đến năm 2022, và dài hạn đến năm 2035. Đến năm 2022, cơ bản hình thành khuôn dạng một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế và cụm thành phố đẳng cấp thế giới đầy sức sống và sáng tạo cao với cơ cấu công nghiệp tối ưu hóa, sự vận hành trôi chảy các nhân tố của sản xuất và môi trường sinh thái hài hòa. Đến năm 2035, khu vực này sẽ có một hệ thống kinh tế và mô hình phát triển chủ yếu thúc đẩy bởi sức đổi mới sáng tạo, với sức mạnh kinh tế và công nghệ tăng mạnh và sức cạnh tranh và ảnh hưởng quốc tế được tăng cường hơn nữa. Các thị trường trong khu vực này sẽ cơ bản được kết nối cao, với sự vận hành thông suốt của các nguồn lực và nhân tố đa dạng của sản xuất. Sự phối hợp phát triển vùng được cải thiện đáng kể, với ảnh hưởng đối với các vùng chung quanh được tăng cường hơn nữa. Các nguồn tài nguyên được bảo tồn và sử dụng hiệu quả, môi trường sinh thái được bảo vệ, và một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế để sống, làm việc và đi lại được phát triển hoàn chỉnh.

Theo “Đề cương”, sự phát triển sau này của vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao tối thiểu có 6 “sáng tạo”. Một là sáng tạo về khoa học – công nghệ: “Hành lang sáng tạo khoa học – công nghệ Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Công – Ma-cao sẽ khánh thành, các cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học quan trọng và thiết bị nghiên cứu khoa học lớn mà Trung Quốc xây dựng và bố cục tại Quảng Đông sẽ mở cửa có trật tự với Hồng Công và Ma-cao, Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ tập trung tăng cường năng lực chuyển hóa thành quả khoa học-công nghệ”. Hai là sáng tạo tài chính: “Phát huy đầy đủ chức năng của các thị trường vốn và dịch vụ tài chính ở Hồng Công, Ma-cao, Thâm Quyến, Quảng Châu… xây dựng đầu mối tài chính quốc tế”. Ba là sáng tạo chế độ: “Kiến tạo môi trường kinh doanh hàng đầu ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự kiến, tăng cường toàn diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng cơ chế hoàn thiện điều phối xuyên biên giới trong các vụ án liên quan quyền sở hữu trí tuệ, triển khai thí điểm chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn có sáng tạo ngành nghề, sáng tạo nhân tài và sáng tạo quản lý”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách tỉnh Quảng Đông Tào Đạt Hoa cho biết, hiện nay việc xây dựng vùng vịnh lớn đã bước vào giai đoạn triển khai toàn diện và thúc đẩy đi vào chiều sâu. Thời gian tới, các thành phố trong vùng sẽ đẩy mạnh liên thông về thể chế chính sách, thúc đẩy xây dựng hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, phát huy thế mạnh quốc tế hóa của Hồng Công và Ma Cao, để đưa công cuộc xây dựng vùng vịnh mới đi vào chiều sâu. Ngoài các giải pháp kết nối về hạ tầng giao thông, cơ chế và thể chế, đẩy mạnh xây dựng các vườn ươm sáng tạo khởi nghiệp, các khu đô thị, công nghiệp với nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và nhân lực chất lượng cao, vùng vịnh lớn của Trung Quốc cũng đẩy mạnh mở cửa hợp tác với bên ngoài, nhất là khai thác thị trường các nước ASEAN, Đông – Bắc Á và châu Âu, để tận dụng thế mạnh vốn có, đẩy nhanh xây dựng thị trường lớn của vùng vịnh mở rộng, kích thích tiềm năng hợp tác và trao đổi về kinh tế – thương mại và văn hóa giữa các nước trong khu vực. Hiện nay, tại các thành phố chính thuộc vùng vịnh lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Quản, Trung Sơn, Chu Hải, quy hoạch kết nối và liên kết phát triển đã được xây dựng tương đối đồng bộ, nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp công nghệ cao và vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đã ra đời với mục tiêu thúc đẩy giao thương và lưu thông hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và nhân lực.

Trong đó, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới kết nối Thành phố Chu Hải với Hồng Công và Ma Cao khánh thành cuối năm 2018 được coi là điểm nhấn về hạ tầng giao thông, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết hợp tác sâu rộng ở địa phương có tiềm năng phát triển hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thúc đảy mở rộng hợp tác

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác thương mại và đầu tư và Lễ khai mạc Hội chợ Xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) tại Việt Nam năm 2019, Phó tỉnh trưởng Quảng Đông Âu Dương Vệ Dân cho biết, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đạt 37,16 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước. Việt Nam là thị trường đầu tư lớn nhất của Quảng Đông tại ASEAN. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp của tỉnh Quảng Đông như: TCL, Midea, Gree, Broad-Ocean và các doanh nghiệp lớn khác đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc nâng cấp cơ cấu ngành nghề, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong khi đó, Quảng Đông là đối tác tiên phong trong hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên đã duy trì quan hệ hợp tác thương mại đầu tư mật thiết trong thời gian dài. Cùng với việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN và triển khai sâu rộng sáng kiến “Vành đai và con đường”, hai bên đã đẩy nhanh tiến độ, đi sâu vào hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác năng lượng tài nguyên.

Theo ông Âu Dương Vệ Dân, thời gian tới, Quảng Đông sẽ tăng sản lượng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, điện máy chất lượng cao từ Việt Nam. Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Quảng Đông tổ chức tại Việt Nam lần này kết hợp 2 chức năng xuất khẩu và nhập khẩu, nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác và kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên.

Được biết, thị trường tỉnh Quảng Đông đặc biệt ưu chuộng các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam như gạo, cà phê, trái cây, … Chính vì vậy, một trong những hoạt động nổi bật trong hội chợ lần này là Chương trình kết nối xuất khẩu giữa các nhà mua đến từ Quảng Đông – Hong Kong – Ma Cao (Trung Quốc) với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng: Gạo, cà phê, cao su, phụ kiện may mặc, bông sợi, thủ công mỹ nghệ, đồ dùng nhà bếp, thiết bị điện.

RELATED ARTICLES

Tin mới