Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaWashington cảnh cáo trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga...

Washington cảnh cáo trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga và Trung Quốc nhằm giảm thiểu đe dọa với công nghệ Mỹ

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị – quân sự Clarke Cooper (10/2) cảnh báo Washington sẽ áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt, không có ngoại lệ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Cooper cho biết, Mỹ có thể sẽ trừng phạt bất kỳ đối tác nào mua bán vũ khí với các quốc gia có khả năng đe dọa đến hệ thống quốc phòng của Mỹ, như với Nga và Trung Quốc, nhằm giảm thiểu đe dọa với công nghệ Mỹ, không phải tạo thế độc quyền trong thị trường vũ khí toàn cầu. Theo ông Cooper, Mỹ không muốn cơ hội hợp tác sản xuất với các đối tác bị đe dọa vì Moscow hay Bắc Kinh có thể tìm cách, hoặc lợi dụng việc hợp tác nghiên cứu và sản xuất, hoặc đơn giản là đánh cắp các công nghệ và thông tin đặc biệt đó. Ông Cooper nhắc đến hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là “ví dụ triệt để” cho cách áp dụng Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35, khiến cho nền công nghệ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tổn thất hàng tỉ USD.

Bên cạnh đó, ông Cooper cũng cho rằng nếu một vũ khí nào đó được mua từ Nga có thể gây ra mối đe dọa, việc trừng phạt sẽ có thể được xem xét. Không có ngoại lệ và cũng không có phân biệt nào trong đối tượng áp dụng. Ông nhắc lại rằng “lựa chọn tốt nhất” vẫn là để Mỹ trở thành đối tác quốc phòng. Điều này sẽ góp phần phát triển thực chất quan hệ song phương và thỏa thuận sẽ bao gồm cả hợp tác huấn luyện và bảo dưỡng vũ khí sau chuyển giao. Đặc biệt, với các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ còn mong muốn phát triển quan hệ và gia tăng hoạt động tại biển Đông. Việc này mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Các quốc gia ASEAN muốn đảm bảo một không gian khu vực vì sự phát triển thịnh vượng và ổn định, cũng như đảm bảo duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Tuyên bố trên là phản hồi của ông Cooper trước câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Mỹ trong áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và cách tiếp cận của Washington đối với các nước mong muốn mua vũ khí trang bị của Nga và Trung Quốc. Ông Cooper giải thích đạo luật CAATSA được Quốc hội thông qua để bảo vệ công nghệ được Mỹ chia sẻ với các đối tác, trong trường hợp các nước này có ý định phát triển vũ khí tương thích với nhiều hệ thống khác nhau; khẳng định mục đích của các biện pháp này là giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng đối với các “công nghệ độc đáo” do Mỹ phát triển chứ không phải tạo ra thế độc quyền trong thị trường vũ khí toàn cầu; nhấn mạnh Mỹ không có ý định thay đổi “cách tiếp cận thống nhất” trong xây dựng hệ thống quốc phòng riêng của các nước đối tác.

Được biết, Dự luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt được Thượng viện Mỹ (15/7/2017) bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 98 thuận, 2 chống. Dự luật này sau đó được chỉnh sửa thêm để giải quyết các lo ngại từ Chính quyền Donald Trump và được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống vào ngày 25/7/2017. Nội dung chính của CAATSA gồm: (i) Chống lại những hoạt động gây mất ổn định của Iran: Dự luật này chỉ đạo Tổng thống phải áp đặt lệnh trừng phạt đối với: (1) các chương trình tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran, (2) việc bán hoặc chuyển nhượng các thiết bị quân sự hoặc cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài chính của liên quan cho Iran, và (3) Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các cá nhân nước ngoài của Lực lượng này. Tổng thống có thể xử phạt các cá nhân có trách nhiệm trong việc vi phạm những người con người đã được quốc tế công nhận đối với các cá nhân tại Iran; Tổng thống có thể tạm thời miễn lệnh trừng phạt hoặc tiếp tục tiến hành trừng phạt tùy vào những tình huống cụ thể. (ii) Chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và châu Á. Theo đó, Tổng thống phải gửi cho quốc hội xem xét trước khi thực hiện bất cứ hành động nào nhằm chấm dứt hoặc miễn trừ các lệnh trừng phạt liên quan đến Liên bang Nga; Các lệnh trừng phạt do một số pháp luật hành pháp cụ thể chống lại Nga vẫn tiếp tục có hiệu lực; Tổng thống có thể miễn trừ một số lệnh trừng phạt cụ thể liên quan đến tấn công mạng và Ucraina; Dự luật cũng yêu cầu trừng phạt đối với các hành động liên quan tới: (1) an ninh mạng, (2) các dự án dầu thô, (3) các tổ chức tài chính, (4) tham nhũng, (5) vi phạm quyền con người, (6) tránh né lệnh trừng phạt, (7) các giao dịch với lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo với Nga, (8) đường ống dẫn dầu, (9) tư nhân hóa các tài sản nhà nước của các quan chức chính phủ, và (10) chuyển giao vũ khí cho Syria; Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác với chính phủ Ukraina để tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraina; Dự luật chỉ đạo Bộ Ngân khố soạn thảo một chiến lược quốc gia chống lại việc tài trợ tài chính cho khủng bố và đưa Bộ trưởng Bộ Ngân khố vào Hội đồng An ninh Quốc gia. (iii) Đạo luật Ngăn chặn và Hiện đại hóa Lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Dự luật sửa đổi và tăng cường quyền hạn của Tổng thống khi áp đặt lệnh trừng phạt cho các cá nhân vi phạm những nghị quyết cụ thể của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến Bắc Triều Tiên. Các tổ chức tài chính Mỹ không được thiết lập hoặc duy trì các tài khoản được các tổ chức tài chính nước ngoài sử dụng để cung cấp các dịch vụ tài chính gián tiếp cho Bắc Triều Tiên; Một chính phủ nước ngoài cung cấp hoặc nhận thiết bị hoặc dịch vụ quốc phòng từ Bắc Triều Tiên sẽ bị cấm nhận một số loại hỗ trợ quốc tế cụ thể của Hoa Kỳ; Dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với: (1) Tàu hàng và vận tải hàng của Bắc Triều Tiên, (2) hàng hóa sản xuất toàn bộ hoặc một phần bởi lực lượng lao động bị cưỡng bức hoặc tội phạm tại Bắc Triều Tiên, và (3) người nước ngoài có thuê mướn lao động bị cưỡng bức của Bắc Triều Tiên; Bộ Ngoại giao phải nộp bảng quyết định xem Bắc Triều Tiên có phù hợp với các tiêu chí để bị gọi là quốc gia tài trợ cho khủng bố hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới