Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Ấn Độ: Phối hợp thúc đẩy hoà bình, ổn...

Việt Nam – Ấn Độ: Phối hợp thúc đẩy hoà bình, ổn định tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế

Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (12/2) nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, chia sẻ lập trường và phối hợp thúc đẩy hoà bình, ổn định tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trong chuyến thăm Ấn Độ (11-13/2), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội đàm với Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu. Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được trong những năm gần đây, nhất là về kinh tế, khoa học vũ trụ, công nghệ thông tin; bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm qua cũng như trong hiện tại khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN-2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021. Hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam-Ấn Độ, được các thế hệ  lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước; khẳng định sự tin cậy chính trị giữa hai nước đã được củng cố thông qua việc duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao hàng năm. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về những biện pháp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, nhất là trên các trụ cột quan trọng như quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Hai bên hài lòng về sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD trong năm nay. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp cụ thể trong hợp tác thương mại song phương và giao cho các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh đáp ứng nhu cầu phát triển của hai nước; cho rằng việc mở đường bay thẳng giữa hai nước có ý nghĩa thiết thực, tạo xung lực mới cho các hoạt động giao thương, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.

Liên quan vấn đề Biển Đông, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, chia sẻ lập trường và phối hợp thúc đẩy hoà bình, ổn định tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trải qua 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 – 2019), quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Trong hơn hai năm qua, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ có bước phát triển vượt bậc. Quan hệ chính trị giữa hai nước đến độ tin cậy rất cao thông qua trao đổi chuyến thăm cấp cao liên tục. Năm chuyến thăm cấp cao trong vòng 2 năm là điều hiếm xảy ra trong quan hệ song phương không chỉ giữa Việt Nam và Ấn Độ mà cả với các nước khác. Đó là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi (9/2016) và Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018) và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (1/2018) và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018). Chuyến thăm Ấn Độ tháng 7/2017 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với việc ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2017-2020 cũng là một sự kiện quan trọng. Trong các chuyến thăm trên, hai bên đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác bao trùm trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng – an ninh, nông nghiệp, truyền thông, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục…

Hợp tác quốc phòng – an ninh được nâng lên tầm cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Các chuyến thăm lẫn nhau của Bộ trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Lục quân, Hải quân… diễn ra với mức độ thường xuyên. Các cơ chế Đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Nhóm hợp tác quốc phòng song phương… tiếp tục duy trì tốt. Nội dung hợp tác không chỉ ở mức độ chia sẻ thông tin, giúp đỡ đào tạo nâng cao năng lực, mua bán vũ khí mà còn tiến tới hợp tác sản xuất thiết bị quân sự. Hai bên đang thúc đẩy thực hiện các gói tín dụng của Ấn Độ, bao gồm gói 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam và sớm ký Hiệp định khung về sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng. Trong năm 2018, hai bên lần đầu tiên tiến hành huấn luyện hải quân chung, lần đầu tiên tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến thăm Ấn Độ… Có thể nói Ấn Độ trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước khởi sắc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng thương mại song phương trung bình hàng năm của hai nước đạt từ 35 đến 40%. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2018 đạt 10,69 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Đặc biệt xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh, từ 2,68 tỷ USD năm 2016 lên 6,54 tỷ USD năm 2018. Ấn Độ đã trở thành một trong 12 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Về hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 11/2018, Ấn Độ hiện có 206 dự án đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị điện… Tổng số vốn đạt 877,48 triệu USD, đứng thứ 26 (tăng 1 bậc so với 2017) trong tổng số 129 quốc gia và lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam tính theo vốn đăng ký. Việt Nam hiện có 8 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,16 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, thái độ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đồng thời lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp, quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên biển. Mới đây nhất, liên quan việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (29/8/2019) đã lên tiếng chỉ trích hành động trên của Trung Quốc. Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu rõ: “Biển Đông là một phần chung của toàn cầu. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm sâu sắc đến hoà bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ngoài ra, ông Raveesh Kumar cũng nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần phải được giải quyết một cách hoà bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh đe doạ và sử dụng vũ lực.

RELATED ARTICLES

Tin mới