Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm danh tên lửa chống hạm của TQ: Số lượng lớn, tạo...

Điểm danh tên lửa chống hạm của TQ: Số lượng lớn, tạo ra mối de dọa an ninh khu vực

Từ những năm 1960, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, chế tạo tên lửa chống hạm trên nền tảng tên lửa chống hạm P-15 của Liên xô. Đến những năm 1970, Trung Quốc đã chế tạo thành công tên lửa chống hạm đầu tiên. Việc chế tạo thành công tên lửa chống hạm đã đặt nền móng cho quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí chống hạm của Trung Quốc sau nay.

Tên lửa chống hạm SY-1 có một động cơ hành trình phản lực, nhiên liệu lỏng, hai thành phần. Trong đó sử dụng nhiên liệu TG-02 (Tonka-250) tự bốc cháy khi tiếp xúc với chất ô xy hóa và chất ô xy hóa АK-20K (chất ô xy hóa nitrat). Động cơ hoạt động ở 2 chế độ: khởi tốc và hành trình. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay với tốc độ 320 m/s. Các biến thể đầu tiên của SY-1 có tầm bắn đạt 40 km. Trên tên lửa SY-1 lắp hệ dẫn tự hoạt, gồm đầu tự dẫn radar hay đầu tự dẫn hồng ngoại, máy lái tự động (autopilot) và máy đo cao khí áp hay radar đo cao dùng để duy trì độ cao bay trong khoảng 100-200 m trên mặt biển. Phần chiến đấu xuyên lõm-nổ phá có trọng lượng 480 kg được tính toán để tiêu diệt được tàu chiến có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn. Tại Trung Quốc, SY-1 được trang bị cho các frigate lớp Type 053 (Giang Hồ) và cho các đơn vị tên lửa bờ biển. Cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã chế tạo được biến thể cải tiến là tên lửa chống hạm SY-1А. Những khác biệt chủ yếu so với biến thể ban đầu là việc sử dụng đầu tự dẫn xung chống nhiễu mới và radar đo cao. Các thành tựu trong lĩnh vực nâng cao độ tin cậy và an toàn cất giữ, vận chuyển và sử dụng tên lửa SY-1А đã cho phép chế tạo trên cơ sở tên lửa này biến thể tên lửa chống hạm phóng từ máy bay YJ-6 mà phương tiện mang là máy bay ném bom tầm xa Н-6. Biến thể tên lửa chống hạm này đã có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 100 km.

Tên lửa chống hạm SY-2         được trang bị động cơ nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, tầm bắn của SY-2 không vượt quá 50 km, do đó, trong thập niên 1980, Trung Quốc đã tìm cách chế tạo tên lửa chống hạm SY-2A với động cơ turbine phản lực. Tuy nhiên, độ chính xác của SY-2 còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển và sản xuất các biến thể tên lửa mới với động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng đơn giản và rẻ tiền.

Tên lửa chống hạm HY-1 được trang bị cho các tàu khu trục Trung Quốc lớp Type 051. Các biến thể cải tiến với đầu tự dẫn radar mới có ký hiệu HY-1J và HY-1JА. Các tên lửa này mang phần chiến đấu xuyên lõm, trọng lượng hơn 500 kg. Tên lửa được phóng đi từ tàu mang hay bệ phóng mặt đất nhờ một động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, còn động cơ hành trình tên lửa nhiên liệu lỏng bắt đầu hoạt động ngay ở trên không khi đã bay xa ở cự ly an toàn cho tàu mang và bệ phóng. Điều này đã nâng cao đáng kể sự an toàn trong sử dụng tên lửa vì đã xảy ra nhiều trường hợp động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng nổ ngay khi bắt đầu hoạt động. Việc hiện đại hóa hệ dẫn của HY-1 và tăng kích thước đã dẫn đến sự ra đời của tên lửa chống hạm HY-2. Nhờ các thùng nhiên liệu dung tích lớn hơn mà tầm bay của tên lửa đã tăng lên đến 100 km. Nhưng đồng thời, việc tăng dung tích các thùng nhiên liệu cũng làm tăng kích thước tên lửa, khiến cho việc bố trí chúng trên các bệ phóng trên tàu là không thể. Vì thế, tên lửa chống hạm họ HY-2 chỉ được sử dụng cho các hệ thống tên lửa bờ biển. Biến thể HY-2А được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại, còn HY-2B và HY-2G lắp đầu tự dẫn radar đơn xung, HY-2С dùng hệ dẫn truyền hình.

Việc sử dụng trên biến thể HY-2G radar đo cao cải tiến và thiết bị kiểm soát có lập trình đã cho phép tên lửa sử dụng biên dạng bay thay đổi. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chế tạo được động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ WS-11 đã cho phép trang bị chúng cho các tên lửa chống hạm mới HY-4 có tầm bắn đến 150 km, được nhận vào trang bị vào năm 1983, là sự kết hợp các hệ dẫn và điều khiển của tên lửa chống hạm HY-2G với động cơ turbine phản lực WS-11. Động cơ này cũng được sử dụng trên một số máy bay không người lái Trung Quốc. Bề ngoài, tên lửa chống hạm HY-4 khác với HY-2G ở chỗ có thiết bị hút khí ở bên dưới. Biến thể HY-4 dùng để xuất khẩu có ký hiệu С-201W. Biến thể cải tiến có tên HY-41. Theo báo chí Trung Quốc, tiểu đoàn tên lửa bờ biển HY-41 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250-300 km tùy thuộc vào biên dạng bay, cho phép bao quát một vùng biển diện tích 14.000 km2

Tên lửa chống hạm YJ-61 được sản xuất thành công vào giữa thập niên 1980, chế tạo dựa trên cơ sở HY-2. YJ-61 có trọng lượng nhỏ hơn và không có các động cơ khởi tốc. So với các mẫu tên lửa chống hạm nhiên liệu lỏng trước đó của Trung Quốc được trang bị cho máy bay ném bom tầm xa Н-6, YJ-61 đơn giản hơn trong sử dụng và an toàn hơn trong khai thác. Tầm bắn và xác suất diệt mục tiêu được nâng lên. Một phương án phát triển khác của HY-4 là YJ-63 phóng từ máy bay, được đưa vào trang bị vào năm 2002. Đây là tên lửa hàng không lớp không đối diện đầu tiên của Trung Quốc được trang bị động cơ turbine phản lực. YJ-63 có khả năng tiêu diệt với xác suất cao các mục tiêu mặt đất và mặt nước.  Bề ngoài, nó vẫn giữ lại nhiều nét của các mẫu tên lửa chống hạm trước đó, nhưng có cấu trúc phần đuôi khác. Tên lửa chống hạm YJ-63 ở giai đoạn bay đầu được điều khiển bằng hệ dẫn quán tính, ở giai đoạn bay giữa được hiệu chỉnh nhờ các tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị, còn ở giai đoạn cuối do hệ dẫn truyền hình điều khiển. Năm 2005, Trung Quốc đã giới thiệu biến thể lắp chụp rẽ dòng trong suốt vô tuyến cho phần đầu tên lửa và bên dưới chụp rẽ dòng nhiều khả năng là đầu tự dẫn radar. YJ-63 có tầm bắn trong giới hạn 180 km, nhưng ở tốc độ bay dưới âm, tên lửa khá đồ sộ này sẽ dễ bị tổn thương trước vũ khí phòng không hạm tàu.

Tên lửa tên lửa bờ biển chống hạm siêu âm HY-3 (C-301). Tên lửa HY-3 sử dụng phần chiến đấu và đầu tự dẫn của HY-2G. Tên lửa được phóng bằng 4 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Hai động cơ hành trình phản lực-không khí dòng thẳng  chạy kêrôxin được khởi động sau khi tên lửa đạt tốc độ 1,8М và đưa tên lửa đạt đế tốc độ hơn 2,5М. HY-3 có tầm bắn trong khoảng 150-180 km, nghĩa là tầm bắn ngắn so với một tên lửa kích thước như thế. Tuy nhiên, do HY-3 nặng 3.500kg, dài 10m nên nó không được phổ dụng và việc sản xuất chỉ dừng ở lô thử nghiệm. 

Tên lửa chống hạm FL-7 được sản xuất đầu thập niên 1990. Đây là tên lửa tương đối nhỏ, với động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng được chế tạo với tính toán nhằm đạt tốc độ siêu âm. FL-7 dùng để trang bị cho trực thăng Z-8 và tiêm kích-bom JH-7. Nhưng tầm bắn ngắn xét theo các chuẩn mực hiện đại chỉ không quá 35 km, và việc sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng nguy hiểm trong khai thác là nguyên nhân khiến hải quân Trung Quốc không quan tâm đến tên lửa này. 

Tên lửa chống hạm YJ-8 (C-801) bắt đầu sản xuất từ năm 1987. YJ-8 đã bắt đầu được trang bị cho các frigate hiện đại hóa lớp Type 053H2. Tên lửa này có hình dáng rất khác với các tên lửa chống hạm trước đó của Trung Quốc vốn giống với máy bay hơn cả về kích thước và tính năng chiến đấu. YJ-8 rất giống tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Ở tên lửa Trung Quốc cũng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn. YJ-8 có tầm bắn hơn 40 km. Biến thể phóng từ máy bay dùng để trang bị cho JH-7 và Н-6 có ký hiệu là YJ-8K. Vài năm sau khi nhận vào trang bị các tên lửa chống hạm bố trí trong các ống phóng trên mặt boong, Trung Quốc đã thử nghiệm và nhận vào trang bị tên lửa lắp cánh gấp YJ-8Q, có thể phóng từ ống phóng lôi trê tàu ngầm đang lặn. Tất cả các biến thể của YJ-8 đều sử dụng đầu tự dẫn radar đơn xung chủ động. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay ở độ cao 20-30 m, khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa hạ xuống độ cao 5-7 m. Tên lửa tấn công tiêu diệt tàu mục tiêu ở độ cao sát mặt biển. Ngoài biến thể sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động, Trung Quốc còn chế tạo trên cơ sở YJ-8 các biến thể lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, radar bán chủ động hay hệ dẫn truyền hình để tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau. Biến thể phóng từ máy bay lắp hệ dẫn kết hợp truyền hình và tự dẫn hồng ngoại có tên gọi KD-88. Sau đó, thiết kế YJ-8 là cơ sở để chế tạo các tên lửa hiện đại hơn của Trung Quốc. Biến thể cải tiến dùng nhiên liệu rắn YJ-81 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly hơn 60 km. Tuy vậy, động cơ phản lực nhiên liệu rắn với vô số những ưu điểm của mình vẫn không thể bảo đảm tầm bay xa cho tên lửa. Bởi vậy, Trung Quốc đã phát triển tên lửa chống hạm YJ-82 (С-802) lắp động cơ turbine phản lực. Trọng lượng tên lửa đã tăng lên một chút, đường kính thân cũng tăng. YJ-82 phóng đi nhờ động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn kiểu tách. YJ-82 có tầm bắn xa gấp 2 lần YJ-81. Tên lửa được lắp hệ thống điều khiển cải tiến. Độ cao bay ở giai đoạn bay hành trình tùy theo trạng thái mặt biển giảm xuống còn 10-20 m. Khi cách mục tiêu mấy ki-lô-mét, độ cao bay giảm xuống còn 3-5 m. Khi gần sát mục tiêu, tên lửa bay vọt lên và bổ nhào xuống tấn công mục tiêu vào dưới đường mớn nước. Phần chiến đấu nổ phá-xuyên giáp có trọng lượng 165 kg được kích nổ chậm, có khả năng gây tổn hại nặng nề cho tàu cỡ khu trục hạm.

Tên lửa chống hạm YJ-83(C-803), lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng vào năm 1999. Việc sử dụng trên tên lửa này động cơ turbine phản lực kinh tế hơn đã cho phép tăng tầm bắn lên đến 180 km, đối với biến thể phóng từ máy bay KD-88 thì tầm bắn đạt 250 km. Phần chiến đấu của tên lửa tăng lên đến 185 kg. Theo các nguồn tin Trung Quốc, trên tên lửa chống hạm YJ-83 sử dụng đầu tự dẫn radar chống nhiễu có trường quét rộng để nâng cao khả năng chống nhiễu tích cực và tiêu cực, và tăng xác suất trúng đích. Ở giai đoạn bay hành trình, cùng với hệ dẫn quán tính có sử dụng hệ thống vệ tinh định vị, còn độ cao bay được kiểm soát nhờ thiết bị laser đo cao. Các tên lửa của họ YJ-8 được trang bị rất rộng rãi. Trong hải quân Trung Quốc, các tên lửa này được trang bị cho các tàu ngầm, tàu khu trục, frigate, tàu tên lửa nhỏ, máy bay ném bom JH-7 và Н-6, tiêm kích J-15, J-10 và JF-17, cũng như các máy bay tuần thám Y-8J.

Tên lửa chống hạm YJ-7 (C-701) là loại tên lửa chống hạm hạng nhẹ sao chép tên lửa hàng không AGM-65 Maverick của Mỹ dùng để phóng từ máy bay chiến thuật và máy bay trên hạm tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Nhưng khác với tên lửa Mỹ, YJ-7 ngoài trực thăng và máy bay còn có thể phóng từ bệ phóng mang vác lắp trên tàu xuồng và khung gầm ô tô. Biến thể đầu tiên YJ-7 sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại, có trọng lượng phóng 117 kg và tầm bắn 25 km, mang phần chiến đấu 29 kg, tốc độ bay 0,8М. Năm 2008, tại triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 7 đã lần đầu tiên trưng bày tên lửa YJ-73 (С-703) lắp đầu tự dẫn radar sóng milimet. Tiếp sau đó xuất hiện các tên lửa YJ-74 (С-704) và YJ-75 (С-705) lắp đầu tự dẫn truyền hình và radar sóng xăng-ti-met và có tầm bắn tăng lên đến 35 km. Tên lửa chống hạm YJ-75KD được trang bị động cơ turbine phản lực tiểu hình, cho phép tăng tầm bắn lên đến 110 km. Việc hiệu chỉnh đường bay tên lửa trước khi bắt mục tiêu bằng hệ dẫn được thực hiện qua tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị. Ngoài tác chiến chống tàu nổi, YJ-75KD có thể dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất.

Tên lửa chống hạm TL-6dùng để trang bị cho các xuồng tuần tra nhỏ và trực thăng. TL-6 là tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn 35 km, mang phần chiến đấu xuyên giáp-nổ phá nặng 30 kg. TL-6 được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động. Theo giới quân sự Trung Quốc, các tên lửa khá nhỏ gọn và rẻ tiền này thích hợp hơn để tiêu diệt tàu có lượng giãn nước đến 1.000 tấn và đối phó với các chiến dịch đổ bộ ở vùng ven bờ. Ngoài ra, còn có biến thể TL-10 dùng đầu tự dẫn truyền hình hoặc hồng ngoại. Đây là tên lửa nhỏ gọn, nhưng có cấu tạo giống với TL-6, dùng để tác chiến chống tàu xuồng nhỏ. 

Tên lửa chống hạm YJ-91có trọng lượng gần 600 kg, có 2 biến thể: chống hạm và chống ngầm. Hai biến thể này khác nhau ở hệ dẫn, tầm bắn và trọng lượng phần chiến đấu. Xét về tính năng, YJ-91 gần với tên lửa Kh-31 của Nga, nhưng tầm bắn của biến thể chống hạm không quá 50 km. Theo các nguồn tin Trung Quốc, phương tiện mang YJ-91 là các tiêm kích-bom hiện đại nhất Trung Quốc JH-7А và tiêm kích J-15, J-16. Có tin họ đang nghiên cứu chế tạo biến thể YJ-91 phóng từ tàu ngầm. Năm 2015, xuất hiện các bức ảnh chụp YJ-12 treo trên máy bay ném bom Н-6D. Bề ngoài, tên lửa này giống như tên lửa hàng không Kh-31 của Nga, nhưng có kích thước lớn hơn. YJ-12 có chiều dài khoảng 7 m, đường kính 600 mm, trọng lượng 2.500 kg. Hiện chưa có thông tin về hệ dẫn của YJ-12, nhưng chắc chắn tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động. Theo tạp chí United States Naval War College Review (Mỹ), YJ-12 có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt nước ở cự ly hơn 300 km. Tên lửa được trang bị đầu đạn gần 300 kg. Người ta cho rằng, với tốc độ gần 2,5М, các tên lửa này khi được sử dụng ồ ạt sẽ là mối đe dọa chết người đối với các chiến hạm Mỹ. Ngoài máy bay ném bom tầm xa, YJ-12 được cho là còn nằm trong danh mục vũ khí của các tiêm kích J-15 và J-16.

Tên lửa chống hạm YJ-62 (C-602)lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2005. Đây là tên lửa dưới âm khá lớn, dùng để lắp trên tàu khu trục và bệ phóng bánh lốp của các hệ thống tên lửa bờ biển, cũng như máy bay ném bom tầm xa Н-6. YJ-62 được trang bị kênh truyền dữ liệu và có khả năng trong khi bay nhận thông tin chỉ thị mục tiêu từ các máy bay trinh sát và khi cần có thể thực hiện lọc mục tiêu và phân phối lại mục tiêu khi bắn hàng loạt. Đầu tự dẫn radar chủ động được sử dụng để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Với mục đích nâng cao khả năng chống nhiễu trong điều kiện có đối phó điện tử, đầu tự dẫn có khả năng thay đổi nhanh tần số bức xạ theo quy luật ngẫu nhiên. Các tên lửa YJ-62 có thể được trang bị các loại phần chiến đấu khác nhau, kể cả hạt nhân. Phổ biến nhất là biến thể lắp phần chiến đấu kiểu xuyên nặng 300 kg.   

Tên lửa chống hạm YJ-18là tên lửa chống hạm hiện đại nhất mà hải quân Trung Quốc được trang bị. Theo các nhà phân tích hải quân Mỹ, trong quá trình phát triển tên lửa chống hạm YJ-18, Trung Quốc có sử dụng các giải pháp thiết kế-kỹ thuật của tên lửa Nga 3М-54 Klub và có khả năng tiêu diệt tàu mặt nước tất cả các lớp trong điều kiện có đối kháng hỏa lực mạnh và bị gây nhiễu mạnh. Ngoài mục tiêu mặt nước, tên lửa này còn có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất tương phản radar. Tên lửa chống hạm YJ-18А tầm bắn đến 500 km, mang phần chiến đấu 300 kg là vũ khí chủ lực của các tàu khu trục kiểu Aegis lớp Type 052D của Trung Quốc. Các tên lửa này cũng sẽ được trang bị cho các chiến hạm tương lai lớp Type 055. Hiện nay, Trung Quốc đang thử nghiệm tên lửa chống hạm YJ-18В dùng để phóng từ tàu ngầm đang lặn. Sau khi phóng và cắt bỏ động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, tên lửa chuyển sang bay bằng. Động cơ turbine phản lực duy trì tốc độ bay hành trình của tên lửa gần 0,8М. Chắc chắn, khi bắn ở tầm tối đa, tên lửa sử dụng tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị hay dẫn bằng lệnh vô tuyến để hiệu chỉnh đường bay. Khi cách mục tiêu 40 km, động cơ chuyển sang chế độ tăng lực và tên lửa tăng tốc lên 2,5-3М. Đánh chặn tên lửa chống hạm bay ở độ cao vài mét trên mặt biển, với tốc độ bay siêu âm là việc rất khó.

Tên lửa chống hạm CX-1         lần đầu được giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014. Nhiều khả năng hiện nay đang tiến hành thử nghiệm CX-1 vốn dùng cho các hệ thống tên lửa bờ biển. Bệ phóng cơ động lắp trên khung gầm việt dã cao được lắp 2 tên lửa. Trong tương lai, CX-1 có thể được trang bị cho các các chiến hạm nổi cỡ lớn. Theo thông tin của kênh truyền hình Trung Quốc CCTV, tên lửa chống hạm siêu âm CX-1 có tốc độ trên 3.600 km/h, có thể dùng để tấn công mục tiêu mặt nước và mặt đất ở cự ly từ 40-280 km. Song có lẽ, Trung Quốc đã cố tình giới thiệu tầm bắn tối đa nhỏ hơn thực tế vì các tham số này thấp hơn giới hạn của Chế độ kiểm soát phổ biến công nghệ tên lửa quốc tế (MTCR). Phần chiến đấu nặng 260 kg dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt nước, có thể là loại nổ phá-xuyên giáp hay phá-mảnh để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Các chuyên gia chú ý đến những nét giống nhau giữa CX-1 với tên lửa Nga P-800 (Oniks) và tên lửa Nga-Ấn Độ BrahMos.

Nhìn chung, Trung Quốc đang tiến hành phát triển nhiều loại tên lửa chống hạm và nhiều mẫu đang ở giai đoạn thiết kế hay thử nghiệm. Quá trình nghiên cứu, chế tạo và phát triển tên lửa chống hạm của Trung Quốc đã tạo ra những ưu thế quan trọng cho Bắc Kinh trong việc tăng cường năng lực tác chiến cho hải quân. Tuy nhiên, việc này cũng tác động lớn đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm mọi cách để “độc chiếm” Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới