Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHệ quả của việc Philippines rút khỏi thỏa thuận an ninh quan...

Hệ quả của việc Philippines rút khỏi thỏa thuận an ninh quan trọng với Mỹ

Ngày 11/2 vừa qua, Philippines chính thức thông báo với Mỹ về kế hoạch chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) quan trọng giữa hai bên được ký năm 1998. Đây được xem là động thái mang tính bước ngoặt dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiếp tục có những động thái làm ấm lên quan hệ với Trung Quốc song song với việc ngày càng xa cách đồng minh hiệp ước của mình.

VFA là cơ sở pháp lý cho việc chuyển các đơn vị quân đội Mỹ sang Philippines để tham gia khoảng 300 cuộc diễn tập thường niên với quân đội nước sở tại và các hoạt động cứu trợ nhân đạo.VFA đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ liên minh Mỹ-Philippines, thiết lập các quy tắc cho binh sỹ Mỹ hoạt động tại Philippines. Nó giúp củng cố mối quan hệ mà Mỹ cho là “vô cùng vững chắc” giữa Washington và Manila. Thỏa thuận sẽ chính thức bị bãi bỏ sau 180 ngày nếu 2 bên không đàm phán được một phương án để duy trì nó.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo nói rằng: “Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không xem xét bất cứ sáng kiến nào của phía Mỹ nhằm cứu vãn VFA, và Tổng thống cũng sẽ không chấp nhận bất cứ lời mời chính thức nào đến thăm Mỹ”. Theo ông Salvador Panelo “quyết định của ông Duterte là hệ quả của những hành động lập pháp và hành pháp của Mỹgần như là đã xâm phạm chủ quyền của chúng ta và không tôn trọng hệ thống pháp luật của Philippines”.

Theo Reuters, quyết định này được đưa ra sau vụ việc Washington hủy thị thực nhập cảnh vào Mỹ mà không có lý do của Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, cựu cảnh sát trưởng Philippines, người được cho là một đồng minh trung thành với Duterte và từng chỉ huy chiến dịch chống ma túy đẫm máu của tổng thống, và nó có thể làm xáo trộn những lợi ích quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh các tham vọng của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng.

Phản ứng của Manila

Một số Thượng Nghị sỹ Philippines cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu không có VFA, hai hiệp ước khác cũng sẽ trở nên vô hiệu, đó là Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Phòng thủ năm 2014 ký dưới thời chính quyền Obama và một Hiệp ước Phòng thủ Chung ký năm 1951.

Những người ủng hộ duy trì VFA cũng nhấn mạnh thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng với Philippines vì đã ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa các thực thể mà nước này ngang nhiên chiếm đóng từ Philippines. Họ cũng cho rằng số tiền viện trợ quân sự 1,8 tỉ USD mà Mỹ dành cho Philippines kể từ năm 1998 là vô cùng quan trọng trong bối cảnh năng lực quân sự Philippines vẫn còn hạn chế.

Tại phiên điều trần của Thượng viện hồi đầu tháng 2/2020, Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr.cũng cảnh báo rằng hủy bỏ VFA sẽ phương hại tới an ninh của Philippines, và khích lệ các hành động hiếu chiến tại các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Locsin đề xuất một sự xem xét lại thỏa thuận nhằm sửa đổi các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm sự miễn trừ cho các nhân viên quân sự của Mỹ nói trên, thay vì hủy bỏ thỏa thuận, trong khi các giới chức quân sự và quốc phòng Philippines hiện chưa đưa ra phản ứng nào về động thái của chính phủ Philippines.

Bất chấp thái độ kiên quyết của tổng thống, một số thượng nghị sĩ Philippines vẫn đang tìm cách ngăn chặn động thái của ông Duterte ngay sau khi tin tức về quyết định này nổ ra, với lập luận rằng nếu không có sự thông qua của Thượng viện thì ông sẽ không có quyền đơn phương hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà họ đã phê chuẩn. Reuters dẫn lời Thượng Nghị sĩ Richard Gordon nói: “Chúng ta phải lên tiếng về một vấn đề quan trọng như vậy”.

Phản ứng của Washington

Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết đã nhận được thông báo từ phía Manila, nhấn mạnh Washington “sẽ thận trọng cân nhắc phương án giải quyết để đảm bảo các lợi ích chung… Đây là một bước đi quan trọng có ảnh hưởng lớn tới liên minh Mỹ-Philippines”. Tuyên bố của Đại sứ Mỹ nêu rõ: “Hai nước duy trì mối quan hệ nồng ấm với những ràng buộc sâu sắc từ lịch sử. Chúng tôi tiếp tục cam kết đảm bảo tình hữu nghị song phương”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng động thái của Philippines là điều “đáng buồn”, và “đó là một bước đi sai lầm”.

Trước thông tin trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông không quan tâm đến việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định hủy VFA. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng, quyết định chấm dứt VFA sẽ là động thái sai lầm vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự tại châu Á. Ông Mark Esper cho biết: “Chúng tôi phải làm việc thông qua các góc độ chính sách, góc độ quân sự. Tôi sẽ nghe thông tin từ các chỉ huy quân sự. Theo quan điểm của tôi, thật đáng tiếc khi họ thực hiện động thái này”.

Các hệ lụytừ quyết định của Tổng thống Duterte

Việc hủy bỏ VFA sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho cả Mỹ và Philippines. Đó là đã làm suy yếu đi mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Philippines, tạo ra sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực và là “cú hích” để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông.

Về phần Washington, dù việc xử lý mối quan hệ này chưa bao giờ là dễ dàng song việc VFA bị xóa sổ đồng nghĩa với một cú đánh thẳng vào các quan hệ liên minh hiệp ước của Mỹ tại châu Á từ sau Chiến tranh Lạnh, ngay tại thời điểm nhạy cảm khi Mỹ phải tập trung vào cuộc cạnh tranh địa chính trị với các cường quốc khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.

Đối với Manila, hủy bỏ VFA đồng nghĩa với việc họ tự tước đi một nguồn lực đảm bảo an ninh mà họ vẫn phụ thuộc vào khá nhiều trong bối cảnh năng lực quân sự trên thực tế của Philippines vẫn còn yếu kém và mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn tồn tại, bất chấp những động thái thân thiện mà Duterte dành cho Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng việc Philippines từ bỏ VFA, khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ sẽ khiến Trung Quốc có cơ hội mở rộng quân sự hóa Biển Đông. Bên cạnh đó, nó cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thảm họa tự nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải.

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện hàng hải thuộc Đại học Philippines khẳng định Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhất từ xung đột trong quan hệ Mỹ – Philippines. Trong khi đó, Thỏa thuận này giúp ngăn Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình và quân sự hóa ở Bãi cạn vùng Biển Tây Philippines. Năm 2016, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Philippines để xây dựng 5 cơ sở quân sự trên khắp đất nước này. Căn cứ quân sự khiến Bắc Kinh tức giận hơn bất kỳ nơi nào khác là căn cứ không quân Antonio Bautista trên hòn đảo phía Tây Palawan, nơi đối diện trực tiếp với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp gay gắt, được mô tả là “Vạn lý Trường Thành trên cát”. Theo chuyên gia Jay Batongbacal, Trung Quốc đã khẩn trương chuẩn bị cải tạo và quân sự hóa khu vực này trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về tranh chấp chủ quyền Biển Đông được ban hành vào tháng 7 năm 2016. Song chính VFA đã ngăn cản quá trình biến đổi, cải tạo Bãi cạn Scarborough thành hòn đảo nhân tạo dưới bàn tay của Trung Quốc; nhấn mạnh, bãi cạn vẫn còn là khu vực duy nhất còn lại, bài toán và thách thức mà Bắc Kinh đang cố hóa giải nhằm xây dựng và quân sự hóa. Việc Philippines để mất VFA sẽ khiến Trung Quốc có cơ hội để tiến hành âm mưu đã toan tính từ lâu của mình. Giờ đây, khi VFA bị hủy bỏ, Trung Quốc đã có thể loại trừ hoàn toàn những quốc gia khác khỏi Biển Đông về mặt quân sự nếu họ có thể triển khai quân, xây dựng tiền đồn và tiến hành quân sự hóa tại tất cả các vị trí của tất cả các căn cứ quân sự này.

Còn đối với châu Á-Thái Bình Dương nói chung, mất đi VFA đồng nghĩa với sự gia tăng bất ổn trong cán cân quyền lực khu vực ở thời điểm cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Philippines chỉ là một quốc gia nhỏ, và liên minh Mỹ-Philippines cũng không được đánh giá cao về mặt chính sách như các liên minh khác của Mỹ trong khu vực như với Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng giống như việc đóng cửa các căn cứ của Mỹ tại Philippines sau Chiến tranh Lạnh, thực tế việc Mỹ phải đối mặt với sự quay lưng của chính một đồng minh hiệp ước – với nguy cơ tan vỡ liên minh trên nhiều khía cạnh khác – sẽ càng khoét sâu thêm những hoài nghi hiện nay về các sáng kiến chính sách mà Mỹ thúc đẩy, cũng như sự đồng điệu của Mỹ và các đồng minh, đối tác khu vực.

Việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Theo Nhật báo Manila Times, “chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó”; nhấn mạnh “mối liên minh quốc phòng giữa Philippines và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Philippines mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, Mỹ và Philippines vẫn còn 6 tháng để cứu vãn tình hình và hiện vẫn chưa rõ quá trình hủy bỏ VFA sẽ thực sự diễn ra như thế nào. Khoảng thời gian sắp tới có thể sẽ đủ để thay đổi quyết định của Manlia.

RELATED ARTICLES

Tin mới