Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số hệ thống tên lửa phòng không của TQ sao chép...

Một số hệ thống tên lửa phòng không của TQ sao chép theo mẫu của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc chủ yếu được nghiên cứu, chế tạo và phát triển dựa trên các hệ thống vũ khí của Nga. Tuy nhiên, với việc sở hữu lượng lớn tên lửa và bệ phóng phòng không đã góp phần nâng cao năng lực phòng không của Bắc Kinh, đồng thời nó cũng tạo ra những tác động nhất định đối với diễn biến tình hình khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại các khu vực biên giới của Trung Quốc với các nước láng giềng ngàng càng gia tăng.

Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc

Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán với Moskva để mua các hệ thống tên lửa phòng không từ năm 1991. Năm 1993, Nga đã bắt đầu cung cấp các hệ thống S-300P cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đặt mua 4 tiểu đoàn S-300PMU trị giá 220 triệu USD. Năm 1994, Nga đã chuyển giao thêm 120 tên lửa để tiến hành bắn tập, huấn luyện. Hệ thống có thể tiêu diệt đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 75 km với khả năng dẫn 2 tên lửa đến mỗi mục tiêu. Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU bằng các tính năng của mình để gây ấn tượng mạnh đối với các chuyên gia Trung Quốc vì đến lúc đó Trung Quốc chưa từng có hệ thống nào như vậy. Các tiểu đoàn phòng không đã được triển khai để bảo vệ các mục tiêu hành chính-công nghiệp và quân sự lớn. 

Năm 1994, Trung Quốc ký tiếp hợp đồng mua 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Hợp đồng bao gồm cung cấp 32 bệ phóng 5P85SE/DЕ sử dụng khung gầm 4 trục MAZ-543М và 196 tên lửa 48N6Е đi kèm. Các tên lửa cải tiến được trang bị hệ dẫn radar bán chủ động kiểu “bám qua tên lửa” với tầm bắn tăng lên đến 150 km. Một nửa giá trị hợp đồng được thanh toán bằng các hợp đồng đổi hàng tiêu dùng của Trung Quố, nửa còn lại trả bằng ngoại tệ. Hợp đồng bổ sung ký năm 2001 trị giá 400 triệu USD với nội dung mua thêm 8 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 32 bệ phóng và 198 tên lửa 48N6Е. Các hệ thống mua trong lô này đã được triển khai ở khu vực eo biển Đài Loan và xung quanh Bắc Kinh. 

Năm 2003, Trung Quốc đã nêu ý định đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU2 Favorit mà Nga lần đầu tiên chào bán trên thị trường vũ khí thế giới vào năm 2001. Đơn đặt hàng bao gồm 64 bệ phóng 5P85SЕ2/DЕ2 và 256 tên lửa phòng không có điều khiển 48N6Е2. Các tiểu đoàn đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng vào năm 2007. Hệ thống cải tiến này có thể bắn đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 200 km và độ cao đến 27 km. Với việc trang bị các hệ thống S-300PMU2, Trung Quốc đã lần đầu tiên có được khả năng hạn chế trong đánh chặn tên lửa đường đạn ở cự ly đến 40 km. Theo báo chí Nga, Trung Quốc đã nhận tổng cộng 4 tiểu đoàn S-300PMU, 8 tiểu đoàn S-300PMU1 và 12 tiểu đoàn S-300PMU2. Mỗi bộ trang bị cấp tiểu đoàn bao gồm 6 bệ phóng. Kết quả là Trung Quốc đã mua 24 tiểu đoàn S-300PMU/PMU1/PMU2 với 144 bệ phóng. 

Sau khi có kinh nghiệm khai thác các hệ thống tên lửa phòng không S-300P, Trung Quốc đã muốn triển khai sản xuất theo giấy phép các hệ thống này ở trong nước. Ở hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc vẫn bộc lộ rõ nét các đường nét của S-300P. Hàng loạt các đặc điểm cấu trúc và giải pháp kỹ thuật của S-300P phần nhiều được các kỹ sư Trung Quốc sao chép khi thiết kế HQ-9. Tuy vậy, coi HQ-9 là bản sao chép S-300P của Nga cũng không đúng. Bệ phóng của HQ-9 sử dụng một loại tên lửa khác có kích thước khác, radar anten mạng pha CJ-202 được sử dụng để điều khiển hỏa lực. Bệ phóng được lắp trên khung gầm xe việt dã 4 trục do Trung Quốc sản xuất. HQ-9 có tầm bắn tối đa gần 125 km, trần bắn tối đa 18.000 m, trần bắn tối thiểu 25 m, tầm tiêu diệt mục tiêu đường đạn 7-25 km ở độ cao 2.000-15.000 m. Một lữ đoàn HQ-9 gồm 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn được trang bị một xe chỉ huy và radar điều khiển hỏa lực riêng. Một tiểu đoàn được biên chế 8 bệ phóng, số lượng tên lửa sẵn sàng phóng là 32 quả đạn. Biến thể xuất khẩu của HQ-9 là FD-2000 đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đánh bại các hệ thống Patriot của Mỹ, S-400 của Nga và Aster của châu Âu. Nhưng dưới áp lực của Mỹ, kết quả đấu thầu đã bị hủy bỏ. Hiện nay, Trung Quốc đang sản xuất biến thể hiện đại hóa là HQ-9A. HQ-9A có hiệu suất bắn và hiệu quả cao hơn, nhất là về khả năng chống tên lửa, đạt được nhờ nâng cấp thiết bị điện tử và phần mềm. 

Từ năm 1991, Trung Quốc đã lần đầu tiên trưng bày hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-12 ở triển lãm Le Bourget, Pháp. Hệ thống này được bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1980 để thay thế hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu HQ-2. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống bị chậm trễ nhiều. Mãi đến năm 2009, hệ thống mới được công khai, mấy đại đội HQ-12 đã tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai gần 10 tiểu đoàn HQ-12. Dường như tỏ ra thành công hơn là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới HQ-16 của Trung Quốc. Đây là sự kết hợp những giải pháp kỹ thuật tiên tiến sao chép từ các hệ thống S-300P và Buk-M2 của Nga. Khác với Buk, HQ-16 sử dụng chế độ “phóng nóng thẳng đứng”. HQ-16 được trang bị các tên lửa phòng không có trọng lượng 328 kg, tầm bắn 40 km. Bệ phóng tự hành được trang bị 4-6 tên lửa để trong các ống phóng kín. Radar của hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu bay ở cự ly 150 km. Các thành phần của HQ-16 được bố trí trên các ô tô việt dãn 6 trục. Hiện nay, một số tiểu đoàn HQ-16 đang được triển khai tại các trận địa ở Tây Nam Trung Quốc. Hệ thống có khả năng tiêu diệt các máy bay của không quân lục quân, không quân chiến thuật và chiến lược, trực thăng chi viện hỏa lực, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. HQ-16 cho phép đối phó hiệu quả các cuộc tập kích ồ ạt của các phương tiện tiến công đường không trong điều kiện có chế áp điện tử cường độ cao. Hệ thống có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các điều kiện thời tiết khác nhau. HQ-16 là hệ thống đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời đến 6 mục tiêu, dẫn đến 4 tên lửa từ một bệ phóng vào mỗi mục tiêu trong số đó. Khu vực tác xạ là 360 độ theo phương vị. 

Trong biên chế lực lượng tên lửa phòng không quân đội Trung Quốc có 110-120 hệ thống (tiểu đoàn) tên lửa phòng không với tổng cộng gần 700 bệ phóng. Xét về chỉ số này, Trung Quốc chỉ thua kém Nga (gần 1.500 bệ phóng). Hơn nữa, tỷ lệ các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trong quân đội Trung Quốc liên tục tăng lên. Đa số các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung của Trung Quốc được triển khai dọc theo bờ biển nước này. Chính ở khu vực này có đại bộ phận các doanh nghiệp mang lại 70% GDP cho Trung Quốc.

Trung Quốc cũng rất chú ý phát triển và hoàn thiện các phương tiện kiểm soát tình hình trên không. Các trạm radar lạc hậu sao chép các radar Liên Xô thời những năm 1950 đang được thay thế nhanh chóng bằng các radar mới. Có lẽ lớn nhất trong các trạm radar sóng mét là radar hai tọa độ phát hiện tầm xa băng rộng JY-27. Theo hãng thiết kế, radar này có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly xa (cự ly phát hiện mục tiêu bay là 500 km). Radar Type 120 phát hiện mục tiêu bay thấp là sự phát triển tiếp theo của radar JY-29/LSS-1 2D, có khả năng đồng thời theo dõi 72 mục tiêu ở cự ly 200 km. Trung Quốc đã triển khai 120 radar này, kể cả trong thành phần các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, HQ-12 và HQ-16. 

Ngoài các radar mặt đất, Trung Quốc cũng đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay báo động sớm. Đó là vì đa số các tiêm kích hiện đại của Trung Quốc được triển khai tại các căn cứ dọc bờ biển. Chiều sâu bảo vệ bằng tiêm kích từ trạng thái “trực tại sân bay” là khoảng 150-250 km với điều kiện phát hiện mục tiêu bay ở cự ly đến 500 km. Xét tới yếu tố, radar phòng không trong đa số các trường hợp cho phép phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 250-300 km và khi so chỉ số này với chiều sâu tấn công của các phương tiện tiến công đường không thì rõ ràng là không quân tiêm kích của hải quân Trung Quốc không có khả năng bảo đảm phòng không hiệu quả từ trạng thái “trực tại sân bay”. 

Theo các tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phòng không tích hợp, vạn năng quốc gia và dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2020.  Một thành tựu lớn của công nghiệp vô tuyến điện tử Trung Quốc là khả năng tự lực phát triển và sản xuất hầu như tất cả các loại radar, phương tiện chỉ huy/điều khiển và dẫn đường. Các hệ thống xử lý dữ liệu trên khoang của các hệ thống phòng không này và các tiêm kích nội địa hiện sử dụng các máy tính và phần mềm do Trung Quốc phát triển và sản xuất nên tăng cường được an toàn thông tin và bảo đảm khả năng hoạt động của máy móc trong thời kỳ đặc biệt.

RELATED ARTICLES

Tin mới