Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung đáng chú ý tại Hội nghị hẹp Bộ...

Một số nội dung đáng chú ý tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020 (ADMM hẹp, 19/2) đã ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Trong đó, tăng cường hợp tác thiết thực giữa các cơ quan quốc phòng của ASEAN, nhằm tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin và trao đổi phương thức hoạt động hiệu quả, cũng như với các đối tác bên ngoài, theo hình thức song phương hoặc đa phương

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Hội nghị này có vai trò quan trọng trong việc định hướng hợp tác cho Năm ASEAN 2020 và chuẩn bị cho Hội nghị ADMM, ADMM+ vào cuối năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Từ khi được tổ chức lần đầu tại Malaysia vào năm 2006, đến nay ADMM ngày càng khẳng định là cơ chế hợp tác, đối thoại, trao đổi hiệu quả cấp bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy và hình thành các sáng kiến hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Quân y, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa…, góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước. Đây là nền tảng để tạo ra cơ chế đối thoại, hợp tác quốc phòng mới giữa ASEAN với các nước đối tác, cụ thể là ADMM+ với ADMM giữ vai trò trung; nhấn mạnh ADMM+ là cơ chế đã thể hiện được vai trò là diễn đàn tham vấn về chính sách quốc phòng ở cấp bộ trưởng; đồng thời, là cơ chế để thúc đẩy hợp tác thực chất về quốc phòng, tăng cường khả năng hoạt động chung, tạo môi trường tích cực thúc đẩy hợp tác cho lực lượng quốc phòng các nước ASEAN và các nước “Cộng” (trong ADMM+).

Bên cạnh đó, ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó, có sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, thách thức về an ninh biển, bao gồm vấn đề Biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch bệnh… Đáng chú ý, việc bùng phát và lan rộng nhanh chóng của dịch Covid-19 đặt ra thách thức chung của cả khu vực, thế giới chứ không chỉ ASEAN… Trước tình hình trên, trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an ninh y tế cho hội nghị, cũng như các hoạt động tiếp theo trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020; đồng thời, với vai trò Chủ tịch Ban Giám đốc của Trung tâm Quân y ASEAN trong năm 2020, Việt Nam đề xuất các nước thành viên tổ chức diễn tập xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh lan truyền ngay trong năm 2020; khuyến khích Brunei và Australia với tư cách là hai nước đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về quân y chu kỳ 2020 – 2023 đưa nội dung ứng phó dịch bệnh lan truyền vào diễn tập thực binh trong kế hoạch hoạt động ba năm của Nhóm chuyên gia. Việt Nam đề nghị các nước “Cộng” tăng cường hơn nữa hợp tác nâng cao năng lực ứng phó của quân y cho các nước ASEAN, nhất là đối với bảo đảm quân y trong ứng phó dịch bệnh.

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Trong đó, tăng cường hợp tác thiết thực giữa các cơ quan quốc phòng của ASEAN, nhằm tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin và trao đổi phương thức hoạt động hiệu quả, cũng như với các đối tác bên ngoài, theo hình thức song phương hoặc đa phương, bao gồm xem xét việc tổ chức diễn tập xử lý tình huống trong khuôn khổ Trung tâm Quân y ASEAN, trong đó Việt Nam sẵn sàng tổ chức hoạt động này trong thời gian sớm nhất nhằm ứng phó dịch Covid-19… Tiếp tục cam kết quyết tâm thực hiện phần việc của mình và cùng nhau đoàn kết để vượt qua dịch Covid-19, vì lợi ích của người dân ASEAN.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, hợp tác nội khối; thông báo một số nội dung sẽ thúc đẩy và hoạt động được tổ chức trong năm 2020; thống nhất về nguyên tắc một số nội dung, đặc biệt là hai bản Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) vào cuối năm nay… Liên quan đến an ninh trên biển, một số Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN trong việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh những nước này đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng đề cao việc tham vấn và thực thi, giải quyết các vấn đề tham vấn bằng biện pháp hòa bình ủng hộ tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) một cách thực chất.

Được biết, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ nhất (ADMM-1) đã được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) trong các ngày 8-9/5/2006.  Mục tiêu của ADMM: (i) Thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực thông qua đối thoại và hợp tác về quốc phòng và an ninh; (ii) Chỉ đạo đối thoại và hợp tác của các quan chức cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác đối thoại; (iii) Thúc đẩy lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau thông qua sự hiểu biết hơn về các chính sách quốc phòng và nhận thức về mối đe dọa cũng như đề cao sự minh bạch và công khai; (iv) Đóng góp tích cực vào việc thiết lập Cộng đồng An ninh ASEAN.

Tháng 11/2019, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2020. Như vậy, lần thứ hai sau 10 năm, Việt Nam vui mừng chào đón các đối tác trở lại nơi đã thiết lập ra ADMM+. Đến nay, ADMM đã khẳng định được vai trò trong cơ cấu chung của ASEAN. Đây là bước phát triển sâu rộng của ASEAN trong bối cảnh ASEAN đã hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trong đó Cộng đồng Chính trị – An ninh là trụ cột cơ bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới