Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhật Bản xem xét kế hoạch triển khai tên lửa đối phó...

Nhật Bản xem xét kế hoạch triển khai tên lửa đối phó với TQ trên biển Hoa Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (25/2) đang xem xét kế hoạch nâng cấp tên lửa siêu thanh (HVGP) để triển khai trên biển Hoa Đông nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, đối phó với các mối đe dọa về an ninh, chủ quyền biên giới phía Tây Nam.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu trang bị tên lửa HVGP với khả năng xuyên thủng boong tàu sân bay. HVGP có thể lướt với tốc độ cao sau khi tải trọng được tách ra từ một tên lửa trong bầu khí quyển phía trên nơi sức cản không khí thấp. Các tên lửa có khả năng đi theo quỹ đạo phức tạp dưới sự định hướng của GPS và các hệ thống khác, khiến kẻ thù khó có thể đánh chặn chúng hơn các tên lửa thông thường. Theo kế hoạch trên, sự phát triển của HVGP sẽ có hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, HVGP sẽ được cải tiến để Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) triển khai trong tài khóa 2026, đủ khả năng tấn công vào một “kẻ thù tiềm năng” xâm chiếm các đảo xa của Nhật Bản. Trong giai đoạn thứ hai, HVGP sẽ được nâng cấp về tốc độ, phạm vi bắn, quỹ đạo bay của tên lửa và sẽ được triển khai vào năm tài khóa 2028 trở đi. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang nghiên cứu giới thiệu các tên lửa chống hạm và chống mặt đất tiên tiến, hiện đang được chuyên trách nghiên cứu. Nếu các công nghệ này được tích hợp vào HVGP, các tên lửa cải tiến có thể xuyên thủng sàn tàu sân bay trước khi được kích nổ bên trong tàu để khiến máy bay không thể cất cánh hoặc hạ cánh, cũng như phá hủy các mục tiêu trong phạm vi bình phương vài trăm mét.

Để triển khai kế hoạch trên, Bộ Quốc phòng đã phân bổ tổng cộng 18,5 tỷ yên trong ngân sách tài khóa 2018 và 2019 cho nghiên cứu về HVGP để bảo vệ các đảo xa và có kế hoạch bổ sung thêm 25 tỷ yên trong ngân sách tài khóa 2020.

Được biết, động thái trên của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động khiêu khích, xâm phạm vùng biển Điếu Ngư/Senkaku của Nhật. Năm 2012, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh và tàu sân bay thứ hai – Sơn Đông mới được hạ thủy năm 2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu chấp pháp như Hải Cảnh, Ngư chính đi vào lãnh hải của Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tục triển khai nhiều kế hoạch củng cố năng lực phòng thủ trên Biển Hoa Đông. Trong năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét kế hoạch triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa để tăng cường năng lực phòng thủ đối phó với các mối đe dọa nhằm vào các đảo xa xôi ở khu vực tây nam của nước này. Đảo Miyako nằm cách đảo chính Okinawa khoảng 290 km về phía Tây Nam. Loại vũ khí dự kiến được Nhật Bản triển khai trên các đảo này là các tên lửa đất đối hạm Type-12 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản với tầm bắn hơn 100 km. Theo Kyodo, bằng cách triển khai các đơn vị tên lửa này lên các đảo Miyako và Okinawa, chính phủ Nhật Bản tin rằng có thể kiểm soát toàn bộ khu vực eo biển Miyako. Ngoài đảo Miyako, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch triển khai các đơn vị phụ trách vận hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima của tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki của tỉnh Okinawa. Các nguồn tin cho biết một trung tâm chỉ huy hành chính cũng sẽ được xây dựng trên đảo chính của tỉnh Okinawa. Theo đó, các đơn vị tên lửa đất đối hạm được triển khai trên các đảo Miyako, Amami-Oshima và Ishigaki đều nằm dưới sự kiểm soát của trung tâm này.

Bên cạnh đó, không chỉ nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình diệt hạm mới, Nhật Bản còn hợp tác với Anh để phát triển tên lửa trang bị cho máy bay để bảo vệ khu vực biên giới trên biển. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất chi 7,7 tỉ yen (hơn 68 triệu USD) cho nghiên cứu phát triển loại tên lửa hành trình chống tàu mới để bảo vệ các đảo hẻo lánh, trong đó có khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Bộ này đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa mới trong năm 2019. Tên lửa mới sẽ có tầm bắn trên 300 km và có thể được phóng từ khu trục hạm, máy bay tuần tra P1 và chiến đấu cơ. Với kiểu dáng được thiết kế nhằm nâng cao tính tàng hình, tên lửa Nhật đang nghiên cứu sẽ có khả năng tránh được mạng lưới radar tốt hơn so với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật cũng sẽ đưa thêm nhiều tính năng khác để tên lửa mới có thể tránh bị đánh chặn dễ dàng hơn, như đổi hướng trong lúc bay. Nếu những tên lửa mới được triển khai, khả năng tấn công lực lượng địch tiếp cận đổ bộ lên các đảo hẻo lánh của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ tăng lên đáng kể. Dự kiến, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ cho thử nghiệm tên lửa hành trình mới từ tháng 4/2022.

Ngoài ra, Nhật Bản đang xem xét trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho các máy bay chiến đấu. Những tên lửa đang được xem xét là JASSM-ER do Mỹ phát triển, với tầm bắn hơn 900 km; và JSM do Na Uy phát triển, với tầm bắn hơn 300 km. Cả hai loại tên lửa này đều được phóng từ máy bay. Theo kế hoạch, JASSM-ER sẽ được gắn cho F-15, chiến đấu cơ chủ lực hiện nay của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật sẽ đề xuất ngân sách cho việc nâng cấp F-15 để có thể triển khai JASSM-ER. Dự kiến, những chiếc F-15 nâng cấp sẽ được đưa vào hoạt động trước tháng 4/2023. Trong khi đó, JSM sẽ được gắn cho 49 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới