Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và TQ ở Biển Đông trong...

Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và TQ ở Biển Đông trong 3 năm qua: Từ các tuyên bố đến diễn biến trên thực địa và đối sách cho ASEAN

Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp với các hoạt động cơ động lực lượng của nước Mỹ nhằm đối phó với những diễn biến chiến lược do các hoạt động của hải quân và tàu dân sự của Trung Quốc gây ra trong vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với bốn nước ASEAN. “Chương trình” bảo đảm quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ có qui mô toàn cầu nhằm ngăn ngừa những yêu sách chủ quyền biển thái quá của nhiều quốc gia.

Từ năm 2017, Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động vào khu vực Châu Á, trong đó có Biển Đông cũng như cử các chiến hạm của mình tham gia các cuộc tập trận trên biển nhằm tăng cường quan hệ với lực lượng vũ trang các nước trong khu vực. Đối với Trung Quốc, ngoài các hoạt động nhằm mục đích chiến lược, Trung Quốc cũng muốn tạo ra các mối quan hệ thân thiện hơn với ASEAN nói chung và từng nước thành viên nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình đối với việc cai quản các vùng biển đang có tranh chấp. Các nước có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần Biển Đông bao gồm: Brunei, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam. Đứng trước sự cạnh tranh giữa hai Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, các nước ASEAN đang cố gắng giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao, không đứng về phía nào.

Thứ nhất, hoạt động của Mỹ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông

Mỹ vẫn duy trì sự có mặt quân sự mạnh nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu được tiến hành dưới dạng gọi là “bảo đảm quyền tự do hàng hải” (FONOP), theo đó, các chiến hạm của Hải quân Mỹ chạy gần các đảo hay bãi đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền để chứng tỏ Mỹ luôn coi đó là vùng biển quốc tế. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2018, Hải quân Mỹ đã tiến hành chín hoạt động như vậy. Một phần trong các hoạt động này của Hải quân Mỹ là tiến hành các cuộc tập trận với hải quân các nước trong khu vực xung quanh các vùng biển thuộc khu vực tranh chấp. Hoạt động FONOP đầu tiên trong năm 2019 được tiến hành trong những ngày đầu tháng 1/2019, khi tàu khu trục trang bị tên lửa lớp “Arleigh Burke” chạy gần các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan trên Biển Đông. Tàu khu trục McCamp Bell chạy trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa nhằm “thách thức” yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc. Theo lời người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương, hành động này không nhằm vào nước nào, cũng không hàm ý một tuyên bố chính trị. Tuy nhiên, thời điểm tuyên bố này được phát ra ngay vào lúc cuộc thương lượng về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, vòng đàm phán trực diện đầu tiên kể từ khi hai bên ký thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến tranh thương mại 90 ngày, một cuộc chiến tranh đã làm chao đảo các thị trường quốc tế.

Vào tháng 2/2019, hai tàu khu trục là Spruance và Preble của Hải quân Mỹ đã đi vào trong vùng biển 12 hải lý xung quanh quần đảo Trường Sa. Hoạt động FONOP lần này được tiến hành xung quanh Đá Vành khăn, một rạn san hô phía Đông quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi đắp thành một đảo có đường băng cho máy bay và xây dựng cơ sở quân sự. Nhìn thấy trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, FONOP tuân thủ luật quốc tế và các lực lượng Mỹ thường xuyên hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế.

Vào tháng 3/2019, chiến hạm Blue Ridge đã ghé thăm Vịnh Manila ở Philippines, biểu hiện mới nhất khẳng định liên minh chặt chẽ giữa Mỹ và Philippines. Theo phát biểu của Tư lệnh Hạm đội 7, chiến hạm Mỹ ghé thăm Manila thể hiện “quyết tâm chung trong việc duy trì quyền tự do hàng hải trong vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sau chuyến ghé thăm cảng, chiến hạm Blue Ridge tiếp tục tiến về đảo Langkawi (Malaysia) để cùng với chiến hạm Preble tham dự cuộc triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế ở Langkawi (Langkawi International Maritime and Aerospace-LIMA).

Trong một loạt sự kiện mới diễn ra trên Biển Đông, Mỹ đã cử tàu đổ bộ tiến công USS Wasp tới gần Bãi cạn Scarborough, một rạn san hô ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược mà cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km và cách bờ biển Đông Nam Trung Quốc 1.000 km. Các ngư dân địa phương đã nhìn thấy máy bay liên tục hạ và cất cánh từ chiếc tàu đổ bộ này. Tuy người phát ngôn quân sự Mỹ không khẳng định, cũng không phủ nhận sự hiện diện của chiếc tàu đổ bộ ở đó nhưng xác nhận rằng chiến hạm USS Wasp có tham gia huấn luyện với Hải quân Philippines trong Vịnh Subic và vùng biển quốc tế trên Biển Đông trong một số ngày. Chiến hạm USS Wasp đã tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines mang tên “Balikatan 2019” kéo dài từ ngày 1-12/4/2019 nhằm nâng cao khả năng bảo đảm an ninh hàng hải và tác chiến đổ bộ đường biển, cũng như khả năng tương tác đa quốc gia thông qua các hoạt động giao lưu quân sự. Chỉ riêng sự có mặt của chiến hạm và máy bay Mỹ trên Biển Đông cũng là dấu hiệu đủ để thu hút sự chú ý của Trung Quốc, vì đó là lần đầu tiên cuộc tập trận hàng năm mang tên Balikatan có sự tham gia của Mỹ bằng chiến hạm Wasp cùng với máy bay tiêm kích tàng hình F-35B “Lightning II” của Hải quân đánh bộ Mỹ. Người phát ngôn quân sự Mỹ nói rằng, sự hiện diện của cả hai phương tiện chiến lược này chứng tỏ Mỹ tăng cường khả năng quân sự, quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và quyền lui tới vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chỉ nước Mỹ tiến hành diễn tập bảo vệ quyền tự do hàng hải. Ngày 31/8/2018, tàu đổ bộ “Albiom” cỡ 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh chở một phân đội Hải quân đánh bộ Hoàng gia đã đi quanh vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, chiếc Albion đang trên đường tới thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam sau một đợt triển khai hoạt động ở Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố Trung Quốc phản đối hành động của chiến hạm Albion của Hải quân Hoàng gia Anh là vi phạm luật quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia Anh nói rằng chiếc Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo đúng các quy định và luật Quốc tế.

Thứ hai, những hành vi, biện pháp đối phó của TQ

Từ Bộ Quốc phòng, sự có mặt của các chiến hạm Mỹ trên Biển Đông hiển nhiên là nguyên nhân khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối. Bắc Kinh cho rằng các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Trong thời gian Mỹ tiến hành các hành động FONOP hồi tháng 1/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố hành động của chiến hạm Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế và Trung Quốc “cương quyết phản đối”, “chúng tôi (Trung Quốc) yêu cầu phía Mỹ lập tức chấm dứt kiểu hành động khiêu khích này” và nói thêm rằng Trung Quốc đã cho chiến hạm và máy bay ra xác định và cảnh báo chiến hạm Mỹ.

Khi được hỏi về việc Mỹ tiến hành hoạt động này vào lúc đang diễn ra cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Lục Khảng nói việc giải quyết vấn đề này sẽ có lợi cho cả hai nước và thế giới. “Cả hai bên đều có trách nhiệm không tạo không khí tiêu cực cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề này”. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược và thường lên tiếng phản đối Mỹ và các nước đồng minh về việc tiến hành các hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng.

Trung Quốc từng tìm cách ngăn chặn các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông. Năm 2018, một chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã ngăn chặn một tàu khu trục của Hải quân Mỹ khi chiến hạm này đang tiến hành hoạt động quyền tự do hàng hải trong Quần đảo Trường Sa khi tiến sát đến mức mà Hải quân Mỹ nói là chỉ còn cách mũi chiến hạm Mỹ 40 “foot” (khoảng 12m), khiến chiến hạm Mỹ phải vòng tránh; nếu không có lẽ hai chiến hạm đã đâm vào nhau. Hoạt động FONOP tiến hành hồi tháng 2/2019 chủ yếu diễn ra trên vùng biển xung quanh “Đá Vành Khăn”. Hải quân Trung Quốc đã cảnh cáo, xua đuổi hai chiếc tàu khu trục Spruance và Preble của Hải quân Mỹ khi hai chiến hạm này tiến gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quần đảo mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố “Những hành động của các chiến hạm Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự trong các vùng biển liên quan.

Từ Bộ Ngoại giao và học giả, các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc cho rằng nước này luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải… nhưng kiên quyết phản kháng bất kỳ nước nào lợi dụng danh nghĩa đó để xâm phạm chủ quyền và an ninh của các nước ven biển” và cho rằng tàu đổ bộ USS Wasp của Hải quân Mỹ triển khai hoạt động gần bãi cạn Scarborough đụng chạm đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở vùng biển này. Theo các chuyên gia, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) vì rạn san hô vòng này có vị trí chiến lược quan trọng, có thể giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông. Kiểm soát hoàn toàn bãi cạn này, Trung Quốc có thể tạo được một “tam giác chiến lược”, gồm Đảo Phi Lâm trong Quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây Bắc đến những tiền đồn trên các đảo nhỏ thuộc Quần đảo Trường Sa ở phía Nam, nhờ đó Bắc Kinh có thể kiểm soát “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông. Một số chuyên gia cho rằng với tam giác chiến lược đó, Trung Quốc sẽ có thể bao quát toàn khu vực bằng ra đa, tên lửa và máy bay, có thể “đảo ngược thế cờ” trong quan hệ cường quốc khu vực.

Khuyến nghị phản ứng và chính sách cho ASEAN

Bất cứ quyết định nào của Trung Quốc về việc dùng vũ lực chiếm một tập hợp bãi đá, bãi ngầm để cải tạo thành đảo đều rất có thể sẽ vấp phải sự phản kháng của Mỹ, Philippines và các nước khác.

Các nước thành viên ASEAN đang “chơi con bài” ngoại giao trong hàng loạt sự kiện, dù rằng họ chịu sức ép trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa các nước siêu cường. Theo các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát, các hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải do Mỹ và các nước đồng minh trên Biển Đông đã làm trầm trọng thêm thế lưỡng nan của ASEAN giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhiều người cho rằng các hoạt động thường xuyên hơn của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh trong các vùng biển tranh chấp có thể góp phần củng cố những quy định theo luật quốc tế đối với chương trình xây dựng các công trình quân sự trong các vùng biển tranh chấp. Nhưng họ không tin rằng những hoạt động đó sẽ có tác dụng đủ để ngăn chặn những yêu sách lãnh thổ mang tính gây hấn của Trung Quốc và các nước nhỏ lo ngại họ có thể phải trả giá cho những hành động của Mỹ.

Những diễn biến gần đây cũng làm cho các nước trong khu vực này lâm vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Các nhà phân tích cho rằng, tuy việc tăng cường các hoạt động của Mỹ và các nước đồng minh bao gồm cả Australia, Anh và Pháp, có thể có tác dụng làm giảm phần nào các hoạt động gây hấn nhưng khó có thể ngăn chặn Trung Quốc. Một chuyên gia cho rằng một cuộc đối thoại ASEAN – Mỹ về Bộ Quy ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có thể giúp cho việc xác định và làm rõ những điểm cùng quan tâm, tương đồng hay bổ trợ nhau ở Biển Đông để trong những cuộc thương lượng tiếp theo với Trung Quốc, ASEAN có thể nhận thức rõ hơn và cân nhắc những mối quan tâm của khu vực và bên ngoài khu vực trong quá trình thương lượng. Đó cũng có thể là cơ hội để ASEAN và Mỹ xác định rõ vai trò tương ứng của nhau và phương hướng ứng phó với Trung Quốc. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các nước ASEAN cần có cách ứng xử cân bằng “tế nhị” hơn. Theo nhà phân tích này, “ở chừng mực nào đó, điều này có thể có tác dụng, dựa trên giả định rằng các nước ASEAN ít nhất có thể có chỗ dựa là các cường quốc ngoài khu vực và không nhất thiết phải chịu nhượng bộ trước những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến COC”.

Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ nhất thiết phải xem xét không chỉ cam kết của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, điều mà một số người nhận thấy ở chính quyền Mỹ hiện thời có lẽ là rất mong manh, mà cả các mối quan hệ lâu dài giữa họ với Trung Quốc, nước láng giềng kề cận có nhiều mối quan hệ kinh tế quan trọng. Hồi tháng 02/2019, Tư lệnh Hải quân Mỹ là Đô đốc Philip Davidson phát biểu rằng: Ông mong muốn các nước đồng minh và đối tác tiếp tục trợ giúp nước Mỹ ở Biển Đông “trong những tháng tới” và nước Mỹ đang giúp ASEAN trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc về COC mà từ lâu Trung Quốc đã coi đó là một cách giảm đối đầu trong các vùng biển tranh chấp.

Ngày 08/3/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ngày càng có nhiều nước ASEAN tán thành đề xuất về việc đẩy nhanh tiến độ các cuộc thương lượng nhằm tiến tới hiệp ước Biển Đông. Bên lề các cuộc họp của ngành lập pháp ở Bắc Kinh, Vương Nghị nói bản thân các nước trong khu vực cần đề ra và tôn trọng COC. Vượng Nghị nói, “Chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp thiện chí nhưng không chấp nhận sự bôi nhọ chính trị hay can thiệp. Các nước trong khu vực nên tự mình quyết định vấn đề hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Các cuộc thương lượng về COC nhằm đề ra những chuẩn mực về cách ứng xử trong các vùng biển tranh chấp đã bắt đầu từ tháng 3/2017 sau khi thông qua văn kiện khung cho COC.

RELATED ARTICLES

Tin mới