Thursday, October 10, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhật biên chế tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Soryu: Chuẩn bị...

Nhật biên chế tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Soryu: Chuẩn bị đối phó tàu ngầm với TQ ở Hoa Đông

Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF, 05/3) đã đưa vào hoạt động tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Soryu (SSK) đầu tiên được trang bị pin lithium-ion. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng của Nhật Bản nhằm đối phó với các mối đe dọa về an ninh, chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Theo thông tin trên, JS Oryu (với số hiệu SS 511) là tàu ngầm tấn công diesel-điện, dài 84m, rộng 9,1m, cao 8,4m đã chính thức đi vào hoạt động tại đơn vị Tàu ngầm Flotilla 1 của JMSDF, có trụ sở tại Kure, tỉnh Hiroshima. JS Oryu là tàu ngầm thứ 11 của lớp Soryu được JMSDF cho vào hoạt động và là chiếc thứ 6 do nhà máy đóng tàu Mitsubishi Heavy Industries chế tạo, Oryu đã được hạ thủy vào tháng 3/2015 và ra mắt vào tháng 10/2018. Tổng chi phí để sản xuất tàu ngầm lên tới 66 tỷ JPY (615 triệu USD), người phát ngôn cho biết.

Tàu ngầm JS Oryu được trang bị công nghệ pin lithium-ion mới, giúp kéo dài thời gian hoạt động dưới nước, cùng một số công nghệ khác đưa nó trở thành tàu ngầm hiện đại nhất của lớp Soryu. Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trang bị pin lithium-ion thay cho pin axit-chì trên tàu ngầm. JS Oryu có độ giãn nước 4.200 tấn khi lặn và 2.900 tấn khi nổi, tầm hoạt động lên tới 11.300km, tốc độ khi nổi 22km/h, tốc độ khi lặn 37km/h. Điểm đáng chú ý nhất của tàu ngầm chính là hệ thống động cơ mạnh mẽ, bao gồm 2 động cơ diesel Kawasaki 12V 25S, 1 động cơ điện Toshiba, 4 động cơ Stirling V4-275R Mk-III hoạt động không cần không khí giúp tàu hoạt động yên lặng dưới mặt nước. Về hệ thống vũ khí-trang thiết bị, tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có thể triển khai ngư lôi điều hướng hạng nặng Type 89, tên lửa UGM-84 Harpoon của Mỹ, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3-6, radar phòng không ZPS-6F…

Trong những năm gần đây, để đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh và chủ quyền từ Trung Quốc, Nhật Bản đã có nhiều động thái điều chỉnh chính sách quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật Bản sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ căn cứ đóng quân và thời điểm đưa các chiến hạm mới vào biên chế. Trước đó, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản (18/12/2018) cũng thông qua kế hoạch quốc phòng mới, trong đó đề xuất mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 65 chiếc F-35A và 40 chiếc F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay hoán cải từ khu trục hạm trực thăng lớp Izumo. Được biết, chính phủ Nhật Bản sẽ cải tạo tàu sân bay trực thăng Izumo, chiến hạm lớn nhất Nhật Bản với boong tàu kéo dài từ đuôi đến mũi tàu. Tuy nhiên, tàu sân bay trực thăng Izumo phải cải tạo lại boong tàu với khả năng chịu được nhiệt độ cao từ ống xả động cơ khi máy bay cất hạ cánh. Nhà chứa máy bay bên trong cũng phải được thiết kế lại để phù hợp với máy bay mới. Tàu có chiều dài 248 m, rộng lớn nhất 38 m, lượng choán nước đầy tải 27.000 tấn. Izumo có khả năng mang theo 28 trực thăng, nhưng bình thường chỉ mang theo 7 trực thăng chống ngầm và 2 trực thăng cứu hộ. Boong tàu đủ rộng cho 5 trực thăng hạng trung hoạt động cùng lúc. Các chuyên gia quân sự nhận xét về cơ bản, Izumo hoàn toàn phù hợp để triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B với một số cải tạo về boong tàu, thang máy và nhà chứa máy bay. 

Được biết, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) mới đây đã thông qua Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023 và Đại cương Kế hoạch phòng vệ với dự kiến chi 27,4 nghìn tỷ yên (243 tỷ USD) dành cho ngân sách quốc phòng 5 năm tới, con số cao nhất từ trước tới nay. Riêng năm tài khóa 2019, chính phủ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục trị giá 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD), trong đó chú trọng nâng cấp khu trục hạm, mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa để đối phó các thách thức an ninh khu vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản dự định đầu tư 176 tỷ yên chi phí ban đầu cho hai hệ thống radar phòng không Aegis Ashore đặt trên mặt đất do Mỹ sản xuất, có khả năng theo dõi và khóa mục tiêu các tên lửa đạn đạo trên không, với mục tiêu đưa hệ thống phòng không này vào hoạt động trong năm 2023.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Bắc Hải được thành lập từ năm 1950, có căn cứ chỉ huy đặt tại Thanh Đảo. Hạm đội này có vùng hoạt động từ Thanh Đảo cho tới toàn bộ vùng biển trong khu vực biển Hoàng Hải khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng chỉ kéo dài xuống tới Thanh Đảo, từ phía Nam Thanh Đảo trở xuống thuộc trọng trách của Hạm đội Đông Hải. Trong biên chế của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc hiện có năm tàu ngầm hạt nhân lớp Han “Type 091” và một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Xia “Type 092” – đây cũng là tàu ngầm lớp Xia duy nhất Trung Quốc hiện có.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%).  Hiên nay, nổi bật nhất trong các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc là tàu ngầm Type 094, đây là tàu ngầm lớp Tấn có chiều dài 135 m, lượng choán nước 11.000 tấn khi lặn. Hiện Trung Quốc có 5 tàu lớp Type 094 được đưa vào hoạt động, 3 chiếc khác đang trong kế hoạch triển khai. Mỗi tàu Type 094 mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-12 với tầm bắn 7.500-8.000 km, điều này có nghĩa là Type 094 có thể tấn công nhiều địa điểm trên đại lục nước Mỹ từ căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam. Mặc dù tàu lớp Tấn khá đáng sợ, nhưng chúng vẫn bị xem là kém tương đối xa về độ hiện đại và tinh vi nếu so với các tàu ngầm tương tự của Nga (tàu lớp Borei, mang 16 tên lửa đạn đạo) hay tàu lớp Ohio của Mỹ (24 tên lửa đạn đạo). Năng lực tàng hình, hệ thống định vị thủy âm và nhiều tính năng khác cũng không thể so được với tàu Nga, Mỹ.

Theo đánh giá của Nga và phương Tây, thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo kế tiếp của Trung Quốc, tàu Type 096 Đường, có thể sẽ được khởi đóng trong giai đoạn đầu thập niên 2020, nhiều khả năng sẽ được trang bị tên lửa JL-3, tầm bắn khoảng 9.000 km. Type 096 được Trung Quốc kỳ vọng có năng lực khả dĩ cạnh tranh được với các tàu ngầm tiên tiến nhất của Nga và Mỹ. Tàu mới được nói là có thể mang 24 tên lửa đạn đạo JL-3, dựa trên phiên bản tên lửa đạn đạo trên bộ DF-41. Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc công bố về quá trình hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc, hải quân nước này đã đưa thêm vào biên chế 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) Type-094, lớp “Tấn”, nâng tổng số tàu ngầm chiến lược trang bị trong hạm đội hải quân nước này lên 6 chiếc. Hải quân Trung Quốc cũng được cho là đang thực hiện các bước đi nhằm triển khai hệ thống chỉ huy và kiểm soát nhằm bảo vệ cho lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa ở trên bộ và tăng cường các cuộc tuần tra trên biển bằng tàu ngầm. Bắc Kinh chuẩn bị đưa chiếc tàu khu trục Type-055 đầu tiên vào hoạt động, cùng với ít nhất 7 con tàu khác đang được đóng mới tại các nhà máy đóng tàu ven biển nước này. Việc đóng mới tàu khu trục Type-055 được coi như một phần trong nỗ lực nhằm nâng cấp “khả năng phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm” của lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Với việc Nhật Bản triển kai tàu ngầm mới và nhiều khả năng sẽ biên chế để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, giám sát ở khu vực Hoa Đông, nhất là vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku được cho là một tin hiệu cứng rắn của Chính quyền Tokyo đối với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc thời gian gần đây. Tuy nhiên, hành động trên của Nhật Bản cũng sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chạy đua trong khu vực về việc sở hữu tàu ngầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới