Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Luật nhân quả” đang đến với giới cầm quyền Bắc Kinh?

“Luật nhân quả” đang đến với giới cầm quyền Bắc Kinh?

Trong lịch sử hiện đại, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã gây ra đau thương cho hầu hết các nước láng giềng để tranh giành lãnh thổ, biển đảo. Gần đây nhất, đối với người dân Việt Nam họ gây ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 làm chết biết bao dân thường và binh sĩ Việt Nam và dùng vũ lực đánh chiếm các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 gây ra cuộc tàn sát đẫm máu cho 64 binh sĩ hải quân Việt Nam trong cuộc đánh chiếm đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Thuyết về luật “nhân quả” chỉ ra rằng, anh gây đau thương chết chóc cho người khác thì anh sẽ phải gánh chịu một hệ quả khắc nhiệt. Giờ đây, sau hai tháng bùng phát dịch viêm phổi virus corona hoành hành ở Trung Quốc đã làm gần 3.000 người Trung Quốc thiệt mạng và những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đối phó với dịch bệnh và đang bị hầu như cô lập với thế giới khi hàng chục quốc gia hủy bỏ đường bay tới Trung Quốc.

Nhìn lại thời gian qua, chúng ta thấy từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Bắc Kinh đã đưa ra mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” đầy tham vọng nhằm đưa Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường dẫn đầu trên mọi lĩnh vực trong thế kỷ 21. Dịch viêm phổi virus corona bùng phát đã làm hao mòn nhiều nguồn lực của Trung Quốc, trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tầm nhìn về chính trị, kinh tế tương lai của Chủ tịch Tập Cận Bình và ảnh hưởng tới tham vọng mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này.

Một là, tham vọng trở thành siêu cường về kinh tế. Trước khi dịch bệnh do chủng mới virus corona bùng phát, Trung Quốc đang trên đà thực hiện cam kết tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong vòng một thập kỷ, đưa đất nước này trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế sẵn có như lao động giá rẻ, đồng nội tệ giảm và hệ thống các nhà máy sản xuất khổng lồ.

Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó, đó là làm sao vừa duy trì cuộc chiến chống Covid-19 lại vừa phải tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu nhiều sức ép sau hơn 1 năm chiến tranh thương mại với Mỹ, giờ trở nên suy yếu hơn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/2 đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2020 xuống 5,6%, giảm 0,4 điểm % so với đánh giá hồi tháng 1 vừa qua.

Trong lĩnh vực công nghệ, giới lãnh đạo Bắc Kinh coi 5G là ưu tiên cấp quốc gia vì thế nước này đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới cùng dịch vụ mạng 5G trước các quốc gia khác. Sau khi bị nhiều quốc gia tẩy chay do lo sợ lộ lọt thông tin tình báo thì đến nay ngay cả việc đấu thầu cho 6 dự án 5G lớn, tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc (trong đó có Quảng Đông, Giang Tây và Cam Túc…) đã bị trì hoãn kể từ ngày 31/1/2020. Các công ty thiết bị viễn thông và đơn vị khai thác mạng hiện nay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực lẫn khó khăn về vận chuyển, do biện pháp cách ly và phong tỏa các vùng dịch bệnh.

Hai là, về đối ngoại dịch viêm phổi virus corona cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, làm xáo trộn quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài. Giới cầm quyền Bắc Kinh đã phải hủy bỏ nhiều hoạt động đối ngoại tập trung đối phó với dịch, mặt khác nhiều quốc gia thi hành các biện pháp hạn chế giao lưu với Trung Quốc, thậm chí xuất hiện tâm lý tẩy chay Trung Quốc làm cho Bắc Kinh bị xa lánh ở khắp mọi nơi. Nhìn vào quan hệ giữa Trung Quốc với 2 nước quan trọng nhất là Nga và Mỹ cũng đủ phản ánh sự thực khách quan này.

Những chỉ trích lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề này đã càng làm nổi bật sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin giữa hai nước, đe dọa việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết, khiến hai nước dễ quay trở lại trạng thái bế tắc ban đầu.

Không chỉ với Mỹ mà quan hệ giữa Trung Quốc với Nga cũng gặp nhiều sóng gió vì dịch viêm phổi. Hôm 20/2, Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với các công dân Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp mạnh tay nhất mà nước này thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Trước đó, Nga đã đóng cửa 16 trên tổng số 25 cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa hai nước, hoãn cấp visa điện tử cho công dân Trung Quốc, dừng các chuyến bay và chuyến tàu đến và đi tới Trung Quốc. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng xuất hiện những bất đồng mới, sau khi Trung Quốc quyết định hạn chế nhập khẩu thịt từ Nga, Moscow đã đáp trả bằng cách áp đặt hạn chế đối với một số mặt hàng nông sản của Bắc Kinh. 

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vớikế hoạch đầy hoài bão là xây dựng hành lang thương mại kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Đây là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Theo giới quan sát, việc thực thi sáng kiến này mang lại cho Trung Quốc cơ hội gia tăng ảnh hưởng về địa chính trị, khôi phục sức mạnh xưa trên trường quốc tế, làm Trung Quốc “vĩ đại” trở lại. Trên thực tế, thông qua sáng kiến này Trung Quốc đã từng bước mở rộng ảnh hưởng trên khắp các châu lục, trong đó có việc chiếm lĩnh được các vị trí cảng biển quan trọng.

Tuy nhiên, sáng kiến này đang trở thành “nạn nhân” mới nhất của dịch cúm virus corona. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia đã hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, trong đó có cả những người tham gia các dự án lớn đang được thực hiện theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chưa hết, do phải huy động các nguồn lực lớn chống lại dịch bệnh, Trung Quốc buộc phải cắt giảm kinh phí cho dự án. Vì thiếu cả nhân lực lẫn vật lực nên Bắc Kinh khó có thể triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” theo đúng kế hoạch.

Dân gian có câu “gieo gió, ắt gặp bão”. Sau khi sử dụng sức mạnh kinh tế tập trung phát triển lực lượng hải quân, đẩy mạnh hoạt động xâm lấn hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông, Trung Quốc vươn tới các vùng biển ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thực hiện tham vọng toàn cầu, Trung Quốc giờ đây đang phải hứng chịu những “cơn bão mạnh” do virus corona gây ra, tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng mạnh đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. “Cơn bão virus” này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện những tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” đưa Trung Quốc trở thành “cái rốn” của thế giới nói chung và việc thực hiện mục tiêu cường quốc biển nói riêng.

Trong bối cảnh như vậy mà nhà đương cục Bắc Kinh vẫn tiếp tục có thái độ trịch thượng khi tại Hội nghị An Ninh Munich lần thứ 56 ở Đức và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc bất thường tại Lào, ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngạo mạn nói rằng “Trung Quốc đang nỗ lực cứu cả thế giới”. Phát biểu của ông Vương Nghị thật nực cười khi chính Trung Quốc là nơi xuất phát của dịch bệnh và làm virus corona lan ra khắp các châu lục, đến nay ít nhất trên 50 quốc gia đã phải gánh chịu hậu quả.

Chính nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bưng bít thông tin khi virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cách đây hơn 2 tháng. Chỉ sau khi bệnh dịch lan rộng, Bắc Kinh mới cung cấp thông tin. Chính sự vô trách nhiệm của những người cầm quyền Bắc Kinh trong công tác phòng chống dịch và cung cấp thông tin nên mới đặt cả thế giới trước nguy cơ dịch bệnh toàn cầu như cảnh báo của WHO.

Những lời nói của ông Vương Nghị tại các hội nghị nói trên càng làm cho thế giới thấy rõ bản chất dối trá của những người cầm quyền ở Bắc Kinh là luôn “đổi trắng, thay đen”, bóp méo sự thật. Chính Trung Quốc hung hăng gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, song họ lại đổ lỗi cho Mỹ can thiệp gây căng thẳng ở Biển Đông. Trung Quốc cho tàu vào xâm lấn, tiến hành các hoạt động cưỡng ép trong vùng biển của các nước ven Biển Đông, nhưng họ lại đổ lỗi cho các nước gây ra căng thẳng….

Hy vọng thuyết luật “nhân quả” đang đến với giới chức cầm quyền Bắc Kinh sẽ giúp họ thức tỉnh để hành xử có trách nhiệm hơn nếu không người gánh chịu hậu quả lại là những người dân Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới