Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTương quan Hạm đội tàu sân bay Mỹ - Trung triển khai...

Tương quan Hạm đội tàu sân bay Mỹ – Trung triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương

Để đối phó, ngăn chặn và kiềm chế tham vọng bá quyền trên biển của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai nhiều tàu sân bay tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mỹ đã triển khai nhiều tàu sân bay hiện đại tới châu Á – Thái Bình Dương

Theo thống kê không chính thức, hiện Mỹ đang triển khai 03 hạm đội tàu sân bay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể:

Mỹ đang triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) ở cảng Yokosuka của Nhật Bản. Trước đó, vào năm 2019, tàu sân bay này đã có chuyến hải hành khá dài ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong chuyến hải hành này, bắt đầu từ tháng 5/2019, tàu USS Ronald Reagan đã tham gia cuộc tập trận ở Australia, rồi đến viếng thăm Philippines. CVN-76 lần lượt có 2 chuyến thăm Philippines trong năm 2018 và 2019. USS Ronald Reagan thuộc hạm đội 7 – đơn vị phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. USS Ronald Reagan là một siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng Lò phản ứng hạt nhân năng lượng. Nó là chiến hạm thứ 9 của lớp Nimitz được đóng và biên chế chính thức cho Hải quân Mỹ vào năm 2003. USS Ronald Reagan là một phần của Nhóm tác chiến tàu sân bay 9 (CSG-9) của Hải quân Mỹ và được điều hành bởi Tư lệnh Không quân Hải quân Thái Bình Dương. Tàu có trọng tải 97.000 tấn, dài 333 m, thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người và khoảng 90 chiến đấu cơ F-18. Siêu tàu sân bay này thuộc biên chế Hạm đội 7, đơn vị phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng biên đội tàu hộ tống gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius và tàu tuần dương USS Antietam.

USS America (LHA-6) và Đơn vị viễn chinh lính thủy đánh bộ (MEU) đến Laem Chabang, Thái Lan, từ ngày 22/2. Tại đây, lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng tại các tỉnh Phitsanulok, Sukhothai, Rayong và Chon Buri. Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 6/3. USS America là tàu lớp America duy nhất đang phục vụ, được phát triển như một “hậu duệ” của tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp. Nó nặng hơn một chút so với tàu lớp Type 075 Class Trung Quốc mới hoàn thành có lượng choán nước 45.600 tấn. Tàu America có thể hoạt động như một tàu sân bay hạng nhẹ và tàu tấn công đổ bộ, có thể chứa khoảng 1.700 lính thủy đánh bộ và vài chục xe bọc thép. Ra mắt vào năm 2012, người ta đã suy đoán rằng USS America sẽ có khoảng một chục biến thể, với hai tàu sân bay lớp America khác dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 là USS Tripoli và USS Bougainville, theo Military Watch. Các tàu sân bay lớp America có thể triển khai tới 20 máy bay cánh cố định, mặc dù các phi đội gồm sáu máy bay chiến đấu phổ biến hơn. USS America được trang bị 13 máy bay phản lực F-35B cho các hoạt động ở Thái Bình Dương. Các máy bay này có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, cho phép chúng triển khai mà không cần đường băng dài hoặc thiết bị móc hãm.

USS Theodore Roosevelt đang thăm Việt Nam từ 5-9/3. Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Mỹ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.500 thủy thủ, một tàu sân bay, một không đoàn, một tàu tuần dương và sáu tàu khu trục. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có tổng chiều dài 332,8 mét, rộng 76,8 mét và lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn. Vận tốc của tàu khoảng 30-35 hải lý/giờ. USS Theodore Roosevelt có 4 đường băng và 4 máy phóng máy bay. Boong tàu rộng khoảng 18.000 m2 với không gian cất cánh của hàng chục máy bay chiến đấu như F/A-18E/F Super Hornet. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, có thể chở theo 90 máy bay các loại, gồm các máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, USS Theodore Roosevelt được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, gồm các tên lửa “Sea Sparrow” có khả năng tấn công các mục tiêu ở cách xa 16 km. Kể từ khi được biên chế, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tham gia nhiều sứ mệnh quan trọng của quân đội Mỹ và được triển khai tới nhiều vùng biển trên khắp thế giới. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bao gồm tàu tuần dương tên lửa hành trình USS Bunker Hill và 3 tàu khu trực tên lửa dẫn đường USS Halsey, USS Preble và USS Sampson.

Trung Quốc chỉ có Sơn Đông và Liêu Ninh

Trung Quốc hiện sở hữu 02 tàu sân bay. Tuy nhiên, thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc chủ yếu dựa vào tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô.

Tàu sân bay Liêu Ninhlà chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Nguyên bản của tàu này do Liên Xô đóng cho Hải quân Liên Xô với tên ban đầu là Varyag, sau đó được Trung Quốc mua và hoàn thiện. Liêu Ninh có chiều dài khoảng 304,5 m, rộng 37 m. Lượng giãn nước là 58.500 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 37 hải lý/h. Hệ thống vũ khí đáng chú ý của Liêu Ninh là Type 1030 CIWS và tên lửa FL-3000N. Theo thiết kế, nó có thể được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 8 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW. Cũng theo thiết kế, nó có thể mang 26 máy bay và 24 trực thăng. Nhóm tàu chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A, tàu khu trục lớp Type-052C/D, tàu khu trục hạng nặng Type-055, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056, tàu ngầm và tàu tiếp vận, hậu cần. Type-054A là một trong những lớp tàu mặt nước chủ lực của Trung Quốc với lượng giãn nước 4.000 tấn. Vũ khí chủ đạo của Type-054A là 32 bệ phóng VLS cho tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 và 8 tên lửa chống hạm C-803. Phiên bản HQ-16 ban đầu có tầm bắn 40 km, nhưng tầm bắn của các biến thể mới nhất đã đạt đến mức 70 km. Type-052C/D được đặt biệt danh là tàu khu trục “Aegis Trung Quốc” do có nhiều điểm tương đồng với các khu trục hạm lớp Arleigh Burke trong biên chế hải quân Mỹ. Mỗi chiếc được trang bị cụm 64 ống phóng VLS, có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 với tầm bắn tối đa 200 km. Đây sẽ là tàu phòng không chủ lực trong mọi đội hình tác chiến của hải quân Trung Quốc. Tàu khu trục hạng nặng Type-055 được trang bị 112 bệ VLS dành cho tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa diệt hạm YJ-18 và tên lửa hành trình CJ-10. Nó sử dụng pháo chính H/PJ-38 cỡ nòng 130 mm, nhưng có khả năng được lắp pháo điện từ trong tương lai. Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056 cũng sở hữu khả năng chống ngầm tương tự lớp Type-054A, giúp bảo đảm an toàn cho nhóm tàu sân bay Trung Quốc khỏi tàu ngầm tấn công của đối phương.

Tàu Sơn Đông được cải tiến và nâng cấp một chút so với Liêu Ninh, với radar cải tiến và tăng khả năng tích trữ đạn dược và nhiên liệu, cho phép nó mang theo nhiều máy bay hơn so với Liêu Ninh (ước tính khoảng từ 30 đến 40 máy bay phản lực và trực thăng). Tàu có chiều dài khoảng 300 mét, lượng choán nước khoảng 50.000 tấn (70.000 tấn khi đầy tải). Con tàu này sử dụng nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Nó vẫn giữ thiết kế nhảy cầu của tàu lớp Kuznetsov. Dự kiến, biên chế cho hạm đội tàu sân bay Type 001A sẽ tương tự như hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, gồ: 02 tàu khu trục tên lửa Type 052C; 01 tàu khu trục tên lửa Type 052D; 02 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A; 01 tàu hộ vệ tên lửa Type 056A; 01 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A và tàu tấn công nhanh.

Tương quan Mỹ – Trung

Nhìn tổng thế, sức chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc vẫn còn quá yếu thế và cần mất nhiều năm mới có thể theo kịp Mỹ. Theo giới phân tích, tác chiến biển xa là mục tiêu cũng như chiến lược phát triển của biên đội tàu sân bay Trung Quốc. Hoạt động tác chiến biển xa là ở khu vực có khoảng cách khá xa bờ biển của Trung Quốc, cự ly vượt quá khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu cấp chiến thuật (bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tiêm kích, máy bay ném bom). Ở cự ly này, chỉ có các loại máy bay ném bom tầm xa, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và máy bay tuần tra trên biển mới đủ khả năng vươn tới để hoạt động nhưng cũng phải mất vài giờ đồng hồ mới có thể hành trình tới nơi. Đồng thời, lực lượng không quân cũng khó có khả năng phản ứng linh hoạt khi có tình hình nguy cấp xảy ra. Với đặc điểm tác chiến như vậy, biên đội tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc khi tác chiến biển xa chủ yếu phải dựa vào các vũ khí trang bị tiến công và phòng thủ được biên chế trong biên đội.

Trong đó, nhiệm vụ tiến công tầm xa chủ yếu do các máy bay trên tàu sân bay và vũ khí tiến công tầm xa, biên chế cho tàu chiến trong biên đội tàu sân bay đảm nhận (thường do tên lửa hành trình tiến công tầm xa, biên chế trên các tàu khu trục thực hiện). Đối với tiến công tầm trung và tầm gần, chủ yếu dựa vào năng lực tác chiến của máy bay trên hạm, tên lửa hành trình trang bị trên tàu khu trục, tên lửa chống hạm, pháo phòng không và các loại tên lửa được trang bị trên các tàu ngầm có trong thành phần biên chế của biên đội tàu sân bay thực hiện. Trong các phương pháp tiến công trên, phạm vi tiến công của máy bay chiến đấu biên chế trên tàu sân bay là lớn nhất và có sức mạnh uy hiếp cao nhất. Một điểm đáng chú ý ở đây đó là, trong quá trình tác chiến tại vùng biển xa bờ, một mặt lực lượng không quân đóng tại các căn cứ trên đất liền của Trung Quốc, không thể tham gia hỗ trợ tác chiến cho biên đội tàu sân bay; mặc khác, khu vực tác chiến đó lại gần với các căn cứ không quân trên đất liền của đối phương.

Bên cạnh đó, biên đội tàu sân bay của Trung Quốc được thiết kế chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ tiến công, nhưng do đội hình kéo dài, lực lượng triển khai lớn nên dễ dàng trở thành mục tiêu tiến công của đối phương. Đây chính là điểm yếu có thể khai thác của biên đội tàu sân bay Trung Quốc. Trong hệ thống biên chế lực lượng phòng ngự của biên đội tàu sân bay Trung Quốc, lực lượng đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ đường không có vị trí vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, phòng thủ đường không được Hải quân Trung Quốc đặt vào vị trí trọng yếu, cần tập trung phát triển để có thể đối phó được với lực lượng không quân hải quân quá mạnh của Mỹ.

Lực lượng tác chiến chủ yếu trong biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ hiện nay và trong tương lai gồm máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D, tiêm kích hạm F-35C (trong tương lai), F/A-18E/F, máy bay tác chiến điện tử E/A-18G. Trong đó, máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới trên không tầm xa và chỉ huy hoạt động chiến đấu. Máy bay chiến đấu F-35C thực hiện các cuộc tiến công từ trên không và bảo vệ tàu sân bay. Máy bay F/A-18E/F thực hiện nhiệm vụ tiến công đột kích. Nếu như thực hiện đội hình chiến đấu gồm 3 biên đội tàu sân bay, thì trên hướng tác chiến chủ yếu sẽ bố trí từ 4 – 5 chiếc máy bay cảnh báo sớm tầm xa E-2D, 24 – 26 chiếc máy bay chiến đấu F-35C, 24 – 26 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18E/F và từ 4 – 5 chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-18G. Hạt nhân liên kết các hệ thống và lực lượng tác chiến của biên đội tàu sân bay Mỹ là máy bay cảnh báo sớm tầm xa và hệ thống chỉ huy tác chiến. Dưới sự chi viện và cảnh báo tình hình tầm xa từ các máy bay cảnh báo sớm, cũng như năng lực điều khiển chỉ huy của hệ thống chỉ huy hỏa lực, các máy bay E-2D sẽ trinh sát, theo dõi, phát hiện mục tiêu từ tầm xa đồng thời chỉ huy hoạt động tác chiến đối với hệ thống vũ khí trang bị trên tàu sân bay. Dưới sự chỉ huy tác chiến của máy bay cảnh báo sớm E-2D, các máy bay chiến đấu F-35C sẽ là lực lượng tiến công chính khi đối mặt với biên đội tàu sân bay Trung Quốc. Khi thực hiện hoạt động tiến công tổng lực, các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ sẽ đồng loạt tiến công từ 3 hướng khác nhau, với góc tiến công giữa các hướng dao động từ 30º – 60º. Mỗi phi đội máy bay chiến đấu F/A-18E/F sẽ thực hiện phóng tên lửa chống hạm dưới sự chỉ huy cảnh báo và xác định chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D từ cự ly khoảng 1.000 km. Khi thực hiện phương thức tiến công lần lượt, 3 phi đội máy bay chiến đấu sẽ thay nhau xuất kích từ tàu sân bay để thực hiện tiến công nhưng từ 3 hướng khác nhau, với thời gian xuất kích cách nhau từ 3 – 5 phút.

Căn cứ vào mô hình tổ chức hệ thống tiến công của Không quân Mỹ hiện nay, rõ ràng nếu như phải đối mặt với lực lượng Không quân Mỹ tại khu vực tác chiến biển xa thì biên đội tàu sân bay Trung Quốc gặp phải áp lực rất lớn, trước hết đến từ khoảng cách về quy mô tổ chức lực lượng giữa hai nước. Nếu như đội hình chiến đấu của Hải quân Mỹ được tổ chức với 3 biên đội tàu sân bay thì với ưu thế “3 chọi 1”, rõ ràng biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hoàn toàn bất lợi. Nếu so sánh số lượng máy bay trên tàu sân bay, sẽ có thể xuất hiện tình trạng 1 chọi 5, thậm chí là 1 chọi 6. Bên cạnh sự chênh lệch về quy mô tổ chức lực lượng, khoảng cách về trình độ vũ khí trang bị cũng khiến biên đội tàu sân bay của Trung Quốc khó có thể đối trọng được với các biên đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới