Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm danh những tàu chiến TQ mới biên chế cho Hải quân

Điểm danh những tàu chiến TQ mới biên chế cho Hải quân

Để thực hiện tham vọng “Cường quốc biển” và tìm cách “thống trị” các đại dương, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung phát triển các loại hình tàu chiến mới. Trong số những tàu mới được biên chế, có những loại được đánh giá là hiện đại hàng đầu trên thế giới.

Những tàu chiến mới được biên chế gần đây

Tàu đổ bộ Type 075, là tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng cỡ lớn của hải quân Trung Quốc. Tàu dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Trong tương lai Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu một mẫu tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất hạ cánh tương tự như F-35B Lightning II của Mỹ, đó có thể là chiếc J-26 như một số bản đồ họa từng xuất hiện. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.

Tàu đổ bộ Type 071 là loại tàu đổ bộ đa chức năng lớn, có khả năng tham gia tác chiến đổ bộ, vận chuyển binh lính, xe tăng. Type 071 có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn – 25.000 tấn, dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m; trang bị 4 động cơ diesel 47.000 mã lực, vận tốc 22 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 hải lý. Type có khả năng chở 500 – 800 quân, 4 xuồng đổ bộ Type 726, 15-20 xe tăng thiết giáp. Hiện Hạm đội Nam Hải được trang bị 3 trong tổng số 4 tàu Type 071. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã 5 lần điều phi pháp tàu Type 071 ra đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Tàu khu trục Type 055, được mệnh danh là lớn nhất châu Á. Type 055 dài 180m, lượng choán nước hơn 13.000 tấn, được lắp radar mảng pha quét điện tử tương tự loại AN/SPY-1D trên các tàu sử dụng hệ thống phòng Aegis của Mỹ. Type 055 sở hữu năng lực tấn công và phòng thủ mạnh mẽ với 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) có thể bắn đi nhiều loại tên lửa khác nhau. Số lượng ống phóng VLS của Type 055 thậm chí còn nhiều hơn tàu tuần dương mạnh nhất hiện nay của Mỹ là lớp Ticonderoga (122 ống phóng). Sự xuất hiện của Type 055 có thể lấp vào khoảng trống phòng không nhóm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Mỹ. Nhiệm vụ này trước đó được giao cho các tàu khu trục Type 052D, đã bị Type 055 “soán ngôi” chỉ sau 5 năm được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt. Trung Quốc hiện đang vận hành ít nhất 6 tàu khu trục Type 052D, trong đó 4 chiếc được biên chế cho Hạm đội Nam Hải hướng ra Biển Đông.

Tàu khu trục Type-052D bắt đầu được chế tạo từ năm 2011. Type-052D có lượng giãn nước từ 4.200 – 7.000 tấn; dài 144m – 157m, rộng 16m – 19m, mớn nước 5,1m – 6m; các tàu Type 052 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước 67.000 mã lực và 2 động cơ diesel 10.420 mã lực; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 4.500 – 6.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 280 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 052 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 08 bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, 01 bẹ phóng phòng thủ tầm gần Type 730, 1 bệ phóng tên lửa HQ-10, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 052 được trang bị hệ thống radar phòng không đa công dụng 3D, hệ thống radar tầm xa Type 71H, hệ thống radar đối không, choosmg hạm, hệ thống vệ tinh, hệ thống radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm quan sát tối đa 450km, có khả năng bám sát 50 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Trung Quốc đã biên chế 06 tàu Type 052 cho Hạm đội Nam Hải; từng triển khai phi pháp , 01 tàu chiến Type 052 và 01 tàu Type 052C tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; 02 tàu Type 052B tại đá Chữ Thập và 01 tàu Type 052C tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cử các tàu chiến thuộc lớp Type 052 tham gia tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông.

Tàu khu trục lớp Type 051 có lượng giãn nước từ 3.250 – 7.100 tấn; dài 132m – 150m, rộng 12,8m – 17m, mớn nước 4m – 6m; các tàu Type 051 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 2.900 – 5.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 260 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 051 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 02 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn khoảng 150km, 06 bệ phóng tên lửa phòng không S-300FM, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 051 được trang bị hệ thống radar cảnh giới có tầm quan sát tối đa 300km, có khả năng bám sát 40 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã biên chế 5 trong tổng số 13 tàu Type 051 cho Hạm đội Nam Hải; cũng từng triển khai tàu Type 051C và tàu 051B tham gia tập trận ở Biển Đông.

Tàu Type 094 có lượng giãn nước khoản 9.000 tấn – 11.000 tấn, dài 133m, rộng 12,5m, trang bị 01 lò phản ứng hạt nhân trên tàu, tốc độ đạt khoảng 20-35 hải lý/h. Type 094 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, 12 ống phóng tên lửa thẳng đứng, 12 tên lửa Cự Lang JL-2 SLBM, 12-16 tên lửa JL-2 SLBM (type-2), 20-24 tên lửa JL-2 SLBM (type 3). Type 094 được trang bị 03 hệ thống sonar đặt lần lượt ở mũi tàu, bên sườn tàu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cải tiến 01 phiên bản Type 094A được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 có tầm bắn lên đến 12.000km. Theo thông tin từ truyền thông phương Tây, Trung Quốc đang chế tạo và đưa vào sử dụng thêm 01 phiên bản tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba (Type 096), loại tàu ngầm này được xây dựng và phát triển dựa trên mẫu Type 094. Tuy nhiên, Type 096 được trang bị 24 tên lửa JL-2 SLBM.

Type-001A là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc, với hình dáng tương đồng với Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này. Type-001A được thiết kế để hoạt động với vai trò chiến lược, tương tự các tàu sân bay Mỹ. Type-001A sẽ được triển khai với các tàu hộ tống, tàu khu trục và các tàu khác tạo nên nhóm tác chiến tàu sân bay có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền, trên biển và trên không. Tàu sân bay này có lượng giãn nước 70.000 tấn, dài 315m; có thể mang được tối đa 36 máy bay J-15 (trong khi chiếc Liêu Ninh chỉ có thể mang tối đa 24 chiếc). Type-001A có thiết kế tháp chỉ huy mới nhỏ hơn so với tàu sân bay Liêu Ninh. Tháp chỉ huy được trang bị radar băng tần S, loại sử dụng trên tàu khu trục Type-052D với 4 mảng ăng ten bố trí xung quanh tháp chỉ huy cho phép bao quát 360 độ. Đường băng trên tàu sân bay Type-001A có độ dốc 12 độ, so với 14 độ trên tàu sân bay Liêu Ninh, cho phép máy bay rút ngắn khoảng cách cất cánh, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tải trọng vũ khí. Về phòng thủ, Type-001A được trang bị 4 hệ thống tên lửa hải đối không tầm thấp HQ-10 với 24 ống phóng/hệ thống bố trí xung quanh tàu. Tuy nhiên, Type-001A vẫn sử dụng hệ thống turbine chạy bằng nồi hơi đốt dầu và máy bay chiến đấu cất cách bằng phương thức cầu nhảy (ski jump), đây được coi là hai điểm yếu chết người của Type-001A.

Tốc độ không nhanh

Từ năm 2013 đến 2018, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào biên chế 77 tàu chiến các loại, từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khinh hạm, tàu hậu cần. Con số đó chưa bao gồm các tàu đang được thử nghiệm trên biển và sẽ sớm gia nhập hải quân Trung Quốc trong 1, 2 năm tới. Trong đó, năm 2016, Trung Quốc đã biên chế đưa vào sử dụng 25 tàu chiến, tàu hộ vệ hoạt động trên mặt nước, trong đó có 1 tàu khu trục, 3 tàu khu trục loại nhỏ, 7 tàu hộ vệ, 2 tàu phá mìn, 5 tàu đổ bộ, 3 tàu tiếp dầu, 2 tàu phá băng và 2 tàu địa lý thủy văn. Năm 2017, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tổng cộng 17 tàu chiến mới, ít hơn năm 2016 (không tính đến tàu ngầm), gồm: 2 tàu khu trục lớp 052D có trọng tải 7.000 tấn gồm tàu Tây Ninh số hiệu 117 và tàu Hạ Môn số hiệu 154; 2 tàu khu trục loại nhỏ (khinh hạm) lớp 054A có trọng tải 4.053 tấn gồm tàu Vu Hồ số hiệu 539 và tàu Hứa Xương số hiệu 536; 8 tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp 056A có trọng tải 1.340 tấn gồm các tàu mang các số hiệu 514, 551, 552, 553, 520, 556, 518, 535; 1 tàu tiếp dầu Hồ Hô Luân lớp 901 số hiệu 965 (trọng tải 50.000 tấn); 1 tàu đặt cọc tiêu quân sự lớp 744A (trọng tải 1.750 tấn); 1 tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp 927 số hiệu 83 (trọng tải 9.000 tấn); 1 tàu kéo ngoài khơi (trọng tải 6.000 tấn); 1 tàu tình báo điện tử lớp 815A số hiệu 856 (trọng tải 6.000 tấn).

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, tàu chiến của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thể theo kịp Mỹ, Nga, Nhật Bản… Carl Schuster, cựu sĩ quan Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận trả bất cứ giá nào để cạnh tranh sức mạnh với hải quân Mỹ. Ông dự đoán PLAN sẽ chế tạo khoảng 20 tàu Type 055 và đưa chúng vào biên chế trong 4 nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ hình thành vào năm 2030. Nước này cũng sẽ chế tạo các tàu đổ bộ tấn công để vận chuyển và triển khai các lữ đoàn hải quân đánh bộ. Trung Quốc đang thực sự phát đi tín hiệu rằng họ vừa tăng số lượng tàu chiến vừa trang bị cho chúng năng lực tác chiến hiện đại không thua kém gì hải quân Mỹ.

Từng bước khẳng định vị thế trong làng xuất khẩu vũ khí

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, khi nước này chi tiêu mạnh tay để phát triển ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giai đoạn 2011-2015, giá trị nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25% so với giai đoạn 2007-2011, tín hiệu cho thấy nước này đang sử dụng ngày càng nhiều các loại vũ khí “cây nhà lá vườn”. Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 88% giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới. Dù vậy, Bắc Kinh hiện chỉ mới chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu, thua xa Mỹ và Nga. Cũng trong giai đoạn nói trên, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga lần lượt tăng 27% và 28%. Trái lại, Pháp và Đức – hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư và thứ năm trên thế giới – có doanh số vũ khí sụt giảm.

Chuyên gia cấp cao Siemon Wezeman của bộ phận nghiên cứu chi tiêu quân sự và khí tài trực thuộc SIPRI, cho biết cách đây khoảng 10 năm, Trung Quốc chỉ có thể cung cấp các thiết bị công nghệ thấp nhưng tình hình giờ đang thay đổi. Một số thị trường lớn bắt đầu quan tâm hơn đến vũ khí tiên tiến do Trung Quốc sản xuất. Để có được kết quả như ngày hôm nay, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp vũ khí nội địa để phục vụ tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng nhắm tới các thị trường tiềm năng ở nước ngoài bằng cách bán vũ khí công nghệ cao có giá rẻ hơn Mỹ, Nga và một số cường quốc khác. Hầu hết đối tác mua vũ khí của Trung Quốc đến từ khu vực châu Á và châu Đại Dương, như Pakistan (35%), Bangladesh (20%), Myanmar (16%)…

Tuy nhiên, dù xuất khẩu vũ khí tăng nhưng Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu một số thiết bị chủ chốt như máy bay vận tải lớn, trực thăng, động cơ cho máy bay, phương tiện cơ giới và tàu biển. Trong đó, theo SIPRI, động cơ chiếm tới 30% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2011. Đáng chý ý, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại của Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới