Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và Liên hợp...

Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và Liên hợp quốc

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1, Việt Nam có cơ hội để kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển của ASEAN với các sáng kiến của Liên hợp quốc.

Tiến sỹ Pankaj Jha, học giả hàng đầu Ấn Độ về các vấn đề quốc tế cho rằng Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN từ nước tiền nhiệm Thái Lan từ tháng 11/2019 với chương trình nghị sự năm 2020 bao gồm nhiều vấn đề và nhiều thách thức. Với phạm vi địa-chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN nhận thức cần có một chiến lược đối với khu vực này. Kết quả là ASEAN ra tuyên bố tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và từ Tuyên bố này ASEAN cần điều chỉnh để thích nghi với cấu trúc quyền lực vốn luôn vận động và biến đổi. Những diễn biến hiện nay – từ những căng thẳng ở Biển Đông do đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, cháy rừng ở Indonesia, căng thẳng giữa Indonesia với Trung Quốc về đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông… là những thách thức hàng năm đối với nước Chủ tịch ASEAN. Vấn đề cháy rừng ở Indonesia và các vấn đề môi trường khác cần cách tiếp cận mang tính hợp tác.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần chuẩn bị đối mặt với suy thoái toàn cầu vốn đang dần hiện hữu do dịch COVID-19 và tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đang tác động đến không chỉ châu Á mà cả thế giới. Một thách thức khác trong năm nay đối với Việt Nam là việc đạt được đồng thuận cần thiết giữa các thành viên ASEAN là các bên trong tranh chấp ở Biển Đông về Bộ quy tắc ứng xử (COC) cần có các điều khoản thi hành và chế tài xử lý. Bản dự thảo COC hiện nay đề cập đến nhiều vấn đề rộng, phản ánh nguyện vọng và lập trường pháp lý của mỗi bên tranh chấp. Tuy nhiên, làm sao để giải quyết được các lo ngại của các bên và đạt được một bản dự thảo chung sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ phải phải sử dụng kỹ năng ngoại giao mềm dẻo, và các cuộc đàm phán khéo léo để đạt được mục tiêu này.

Hơn nữa, Việt Nam ngày càng được nhìn nhận là nền kinh tế đang nổi và một quốc gia cường thịnh cần đảm nhận vai trò mang tầm khu vực. Điều này sẽ cần có sự linh hoạt điều chỉnh từ công thức cố định là xây dựng đồng thuận sang việc sử dụng biện pháp khéo léo để đạt được quan điểm đối thoại chung. Các cuộc họp kín của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong quý 1 năm 2020 sẽ đặt nền tảng cho chương trình nghị sự cho cả năm 2020. Việt Nam với tư cách là nền kinh tế đang nổi cũng như tư cách thành viên APEC và nước có lợi ích từ tiến trình RCEP sẽ cần đạt được mục tiêu: RCEP sẽ được ký dù có hay không sự tham gia của Ấn Độ.

Theo Tiến sỹ Pankaj Jha, với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ấn Độ, Việt Nam sẽ khiến Ấn Độ quay trở lại bàn đàm phán. Đây sẽ là một điểm nhấn của vai trò Chủ tịch ASEAN. Trước đó, Ấn Độ đã không tham dự cuộc họp ở Bali đàm phán với các thành viên ASEAN về RCEP.

Trước đó, sau khi Việt Nam đã kết thúc thành công tháng đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), mở đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021. Nhiều nước đánh giá Việt Nam đã đảm trách xuất sắc vị trí Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ.

Ông Marc Pecsteen de Buytswerve, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại LHQ (Bỉ là nước Uỷ viên không thường trực HĐBA, đồng thời cũng sẽ là Chủ tịch HĐBA tháng 2/2020) đã chúc mừng Việt Nam hoàn thành tháng Chủ tịch HĐBA vừa qua. Đại sứ Bỉ cho biết: “Thật khó khi bắt đầu nhiệm kỳ mà phải đảm nhận vị trí Chủ tịch ngay như vậy, sẽ có rất nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ, đặc biệt là trong bối cảnh cả LHQ cũng như thế giới có rất nhiều vấn đề căng thẳng như hiện nay”. Ông cũng nhấn mạnh, trong tháng 1/2020 có rất nhiều phiên họp, nhiều sự kiện và Việt Nam với vai trò Chủ tịch của mình đã điều phối để tất cả diễn ra hết sức suôn sẻ và tốt đẹp.

Trong khi đó, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ Dian Triansyah Djani nhận định, “việc đưa vấn đề hợp tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – LHQ ra HĐBA thực sự là cơ hội vàng, có ý nghĩa hết sức quan trọng”, trong đó, Tổng Thư ký ASEAN đã trình bày những sáng kiến của Hiệp hội nhằm hợp tác hiệu quả hơn với LHQ. Theo ông, ASEAN và LHQ có thể học hỏi lẫn nhau về những thành tựu đôi bên cùng đạt được trong các nỗ lực đảm bảo môi trường hòa bình tại khu vực Đông Nam Á. Đại sứ Indonesia tại LHQ khẳng định, Việt Nam đã đảm trách xuất sắc vị trí Chủ tịch HĐBA, dù đó là công tác không dễ dàng và điều này đã góp phần nâng tầm vị thế ASEAN một cách rõ rệt.

Đại biện – Phó Trưởng phái đoàn đại diện Pháp tại LHQ Anne Gueguen, đánh giá cao “sự khéo léo và hiệu quả” của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ. Bà nêu rõ: “Chúng tôi đã thông qua được một số nghị quyết quan trọng có tầm ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới, như Nghị quyết gia hạn cho phép tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ qua biên giới cho người dân Syria và chúng tôi cũng đã rất nỗ lực thảo luận các giải pháp làm giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Libya. Tôi rất ấn tượng với những gì Đại sứ Đặng Đình Quý và nhóm cộng sự của ông đã làm được trong suốt một tháng qua tại HĐBA. Công việc đã rất suôn sẻ, dù không hề dễ dàng chút nào. Tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những gì các bạn đã làm được”.

RELATED ARTICLES

Tin mới