Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÝ nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Tàu sân...

Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Tàu sân bay Mỹ

Chuyến thăm cảng Tiên Sa Đà Nẵng, Việt Nam của tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt đã kết thúc hôm 09/3/2020. Đây là chuyến thăm thứ 2 của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế đã có những đánh giá, bình luận về việc tàu USS Theodore Roosevel thăm Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này xin nêu một số ý kiến xung quanh vấn đề này từ các góc độ khác nhau.

Nếu như tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam cách đây đúng 2 năm được coi là “mốc lịch sử” trong quan hệ song phương bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ kể từ năm 1975 thì chuyến thăm lần này của tàu USS Theodore Roosevel không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn mang ý nghĩa đối với cả khu vực, ý nghĩa chiến lược và Washington muốn gửi đi nhiều thông điệp:

Một là, khẳng định chính sách nhất quán và cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong đó có việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong triển khai chiến lược này.

Hai là,khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không và một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông “tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Ba là, chuyển tới Bắc Kinh thông điệp cứng rắn “Mỹ không chấp nhận Trung Quốc thôn tính, độc chiếm Biển Đông; không chấp nhận việc Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông”, làm thất bại mưu đồ của Trung Quốc gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông.

Bốn là, trong bối cảnh Tổng thống Philippines Duterte đơn phương tuyên bố hủy bỏ “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Quốc gia” (VFA) với Mỹ thì việc tàu sân bay USS Theodore Roosevel thăm Việt Nam để cho Philippines và cộng đồng quốc tế thấy rõ, việc làm của ông Duterte không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Mỹ ở khu vực; chứng minh Mỹ đã có nhiều đối tác có thể hợp tác bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.

Năm là, thể hiện quyết tâm duy trì sức mạnh hải quân ưu việt ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng, củng cố sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông.

Về phía Việt Nam, một số nhà quan sát cho rằng do “anh bạn láng giềng phương Bắc” luôn tìm cách ngăn cản sự quan hệ Việt – Mỹ nên Hà Nội luôn thận trọng trong các bước đi mới với Washington, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Việc đón tàu USS Theodore Roosevel khẳng định Việt Nam gia tăng mối quan hệ với Mỹ và thể hiện sự linh hoạt trong việc triển khai sách trắng quốc phòng năm 2019, đó là “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Theo đó, trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, những lợi ích trên biển của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng, nhất là hợp tác trên biển với các nước, trong đó có Mỹ là một biện pháp để bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Nếu như trong vụ việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái, Washington đã có những phát biểu mạnh mẽ nhất lên án đích danh Trung Quốc, thể hiện sự điều chỉnh chính sách, đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc thì việc tàu USS Theodore Roosevelt càng khẳng định cho sự điều chỉnh này.

Xét từ bất cứ góc độ nào đều có thể thấy hoạt động thăm viếng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một minh chứng cho sự song trùng về lợi ích giữa Mỹ và Việt Nam trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, chí ít là thời điểm hiện tại.

Có thể nói việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ là yếu tố giúp Việt Nam cân bằng lại trong mối quan hệ tam giác Việt Nam – Trung Quốc – Mỹ; Việt Nam có xu hướng mở rộng quan hệ với Mỹ nhưng trên thực tế là xem xét làm sao cho mối quan hệ Việt – Mỹ cân bằng với mối quan hệ Việt –Trung để tránh những khó khăn trong mối quan hệ với người láng giềng phương Bắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới