Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCộng đồng quốc tế đánh giá cao chính sách quốc phòng và...

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao chính sách quốc phòng và biển đảo của Việt Nam

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã có những bước điều chỉnh chiến lược liên quan chính sách quốc phòng và biển đảo. Tuy nhiên, chính sách quốc phòng Việt Nam vẫn mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình.

Ý kiến trái chiều

Việc Việt Nam điều chỉnh chính sách quốc phòng được đông đảo cộng đồng quốc tế ủng hộ, cho rằng chính sách này phù hợp với nguyên tắc không liên minh và phòng thủ tự vệ của Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc lại có cái nhìn phiến diện về quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam.

Giới chuyên gia, học giả phương Tây cho rằng Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng và dần hình thành chiến lược chống tiếp cận trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; cho rằng chính sách này phù hợp với nguyên tắc không liên minh và phòng thủ tự vệ của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược chống tiếp cận trên biển theo kiểu truyền thống, tập trung vào việc đầu tư vào các hệ thống tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, các hệ thống phòng không tích hợp, tàu ngầm, máy bay tuần tra để vảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền và đề phòng, ngăn chặn khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Biển Đông. Về cơ bản, chiến lược chống tiếp cận trên biển của Việt Nam bao gồm việc ngăn chặn, không cho phép hải quân nước khác sử dụng vũ lực đi vào các khu vực hàng hải thuộc lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam đầu tư, mua 6 tàu ngầm kilo 636 của Nga hoàn toàn phù hợp với chiến lược phòng thủ của Hà Nội. Nó vừa giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ và tuần tra trên biển, vừa có khả năng đáp trả các cuộc tấn công xâm lược trên biển. Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự như hiện nay, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và ít có khả năng giành chiến thắng trước “đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần” nếu đối đầu trực diện. Ngoài việc đầu tư, mua sắm và trang bị các loại hình vũ khí mang tính phòng thủ, Việt Nam cũng tích cực hợp tác, giao lưu hải quân với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Ấn Độ… nhằm gia tăng lòng tin chính trị, minh bạch quân sự và phối hợp tác chiến khi bị khiêu khích, tấn công.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng trong số những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Trung Quốc và Hà Nội là nước sẵn sàng sử dụng tổng hợp các biện pháp để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông, Việt Nam sẽ phải chọn lựa 3 chiến lược sau: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện “chiến lược đi dây” hiện nay với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việc thực hiện chiến lược này sẽ giúp Việt Nam tránh được tối đa các xung đột về ngoại giao, kinh tế và quân sự, song lại dễ bị “tổn thất” do các hoạt động phi pháp và việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng gây ra. Ngoài ra, Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng cũng khiến Hà Nội rơi vào thế yếu về chính trị, kinh tế và ngoại giao, điều này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc gây sức ép, đòi hỏi, ép buộc Việt Nam cùng hợp tác khai thác trên Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam thay đổi chính sách, trở thành đồng minh của Mỹ. Nếu lựa chọn theo cách này, Việt Nam sẽ loại bỏ được phần lớn ảnh hưởng của Trung Quốc và trở thành một đồng minh thân thiết của Mỹ, như Nhật Bản, Australia… Việc hợp tác, kết đồng minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam duy trì độc lập và chủ quyền trên biển, song đổi lại Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh tích cực trong vấn đề dân chủ, nhân quyền. Thứ ba, Việt Nam cần phát triển sức mạnh quân sự đến mức Trung Quốc không thể tấn công. Chiến lược này có thể bao gồm việc mua hoặc phát triển đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa trên các tàu ngầm kilo 636.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cho rằng những năm gần đây, Việt Nam căn cứ vào quyền quản lý hoặc khai thác vùng đặc quyền kinh tế và ngư trường truyền thống để đưa các tàu cá, tàu khảo sát, tàu du lịch và thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên ra phía trước, với các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư hộ tống phía sau, tiến ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, Việt Nam thông qua hàng loạt động thái từ lập pháp đến thực thi chủ quyền nhằm tăng cường chủ quyền của họ với các đảo đá thuộc chủ quyền của họ. Những việc này được Việt Nam triển khai một cách vững chắc từng bước, kiên trì lâu dài. Đồng thời Việt Nam còn thông qua giáo dục, triển lãm, tuyên truyền…để tăng cường ý thức chủ quyền cho người dân. Thông qua hoạt động du lịch, quyên tặng, tổ chức đoàn thăm hỏi, phỏng vấn nghiên cứu ra các đảo, Việt Nam đã nâng cao sự tham dự của các giới trong xã hội vào vấn đề Biển Đông, duy trì mức độ quan tâm của dân chúng đến Biển Đông. Không những vậy, các nhà lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội và địa điểm thích hợp để kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải. Trên lĩnh vực khai thác dầu khí, Việt Nam đã đặc biệt mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào cùng khai thác. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa lực lượng bảo vệ Biển Đông. Những năm qua, ngân sách quốc phòng của Việt Nam tăng mạnh, từ 1,3 tỉ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỉ USD năm 2015, tăng trưởng 258%. Trong các quân binh chủng, Hải quân Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Từ 2011 đến 2015, tàu chiến nhập khẩu của hải quân Việt Nam chiếm 44% giá trị nhập khẩu quốc phòng của Việt Nam. Ước tính trong vài năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng này.

Sách Trắng Quốc phòng khẳng định lập trường của Việt Nam

Bộ Quốc phòng Việt Nam (11/2019) đã công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2019, trong đó nhấn mạnh chủ trương, chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự của Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 gồm 3 phần: Bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân; Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ. Những nội dung cơ bản, mang tính truyền thống, cốt lõi của xây dựng Quốc phòng Việt Nam cơ bản không thay đổi so với năm 2009. Theo Sách trắng, quốc phòng Việt Nam được đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước nhưng không chạy đua vũ trang. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%… 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36% (khoảng 5,8 tỉ USD).

Sách Trắng nhấn mạnh tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam… Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

Sách Trắng cũng nêu rõ lập trường của Việt Nam về chính sách quốc phòng. Đó là: Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tuỳ theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới