Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Đường chín khúc” trên Biển Đông không phải là cách để TQ...

“Đường chín khúc” trên Biển Đông không phải là cách để TQ “hợp tác cùng thắng”

Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc công khai công bố bản đồ “đường chín khúc” trên Biển Đông với toàn thế giới, thể hiện quan điểm chính thức của Bắc Kinh về biên giới biển theo yêu sách đầy tham vọng của mình. Ngay sau sự kiện này, đa số chuyên gia, học giả cũng như giới chính khách các nước trong khu vực, trên thế giới và cả ở Trung Quốc đều cho rằng, “đường chín khúc” quá mập mờ, lại thật vô lý vì nó chạy sát bờ biển của nhiều nước, bao lấy một phạm vi biển chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hầu hết các nước Đông Nam Á có biển. Đồng thời, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Từ đó đến nay, tại rất nhiều cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến vấn đề biển hay Biển Đông, những người tham dự, hầu hết đều cho rằng, “đường chín khúc” của Trung Quốc là một khái niệm biên giới phi lý, không thể chấp nhận được.

Lập tức, người ta đổ xô đi tìm hiểu xem tấm bản đồ có vẽ cái đường giống như con giun bị đứt từng khúc ấy từ đâu ra mà gây tranh cãi cho cả thế giới, ai xuất bản, ai công nhận mà để rồi nó lại được người Trung Quốc cứ khăng khăng bảo rằng nó có “từ cổ chí kim”, “không thể tranh cãi” và là “chủ quyền đương nhiên” của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu sau một thời gian tìm hiểu rồi cũng phát hiện ra: “Đường chín khúc” không hề có lịch sử xa xưa gì, thậm chí cũng chẳng liên quan gì đến các công cuộc chinh phạt, mở mang bờ cõi của các thế hệ người Trung Hoa hay bao đế chế phong kiến từng trị vì tại quốc gia này. Nó cũng không do chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đo vẽ, hoạch định, mà té ra lại do Lâm Tôn – Đại tá Hải quân của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tự vạch ra vào tháng 10/1946, khi ông này chỉ huy một hạm đội đi tiếp quản các đảo trên Biển Đông bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nay trao trả quân đồng minh. Sau đó, dựa vào báo cáo chủ quan của Lâm Tôn, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đã tự vẽ ra tấm bản đồ có 11 đoạn đứt khúc bao quanh các đảo ở Biển Đông rồi cho “lưu hành nội bộ”. Tháng 4/1949, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến đánh xuống Nam Kinh, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc bỏ chạy ra đảo Đài Loan, đánh mất luôn cả vị thế quốc gia, để cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành chủ nhân ông của đất nước. Năm 1953, đường 11 đoạn được vị chủ nhân ông mới này điều chỉnh thành 9 đoạn, gọi là “đường chín khúc”.

Thế là đã rõ, “đường chín khúc” vốn là đường 11 đoạn được một cá nhân vẽ ra một cách tùy tiện, ngẫu hứng, không hề có kinh độ, vĩ độ chính xác và từ khi xuất hiện đến nay, luôn thiếu nhất quán, luôn thay đổi trên các bản đồ khác nhau. Ngay cả Chính phủ Trung Quốc cũng chưa bao giờ đưa ra được một giải thích cụ thể nào về nét vẽ đứt đoạn mà họ khẳng định là đường biên giới biển “cố hữu” của mình.

Vì thế, các chuyên gia, học giả và giới chính khách trong khu vực cũng như thế giới đều đồng thanh vạch rõ sự phi lý của “đường chín khúc”. Đó là:

Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, “đường chín khúc” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, bởi nó gồm những nét đứt đoạn rời rạc, nằm ở những vị trí quá xa Trung Quốc, quá gần các nước Đông Nam Á khác. Việc chỉ huy hạm đội hải quân Trung Hoa Dân quốc năm 1946 tiếp quản các đảo trên Biển Đông từ tay Nhật Bản rồi đặt tên cho 4 hòn đảo và vẽ vào bản đồ phát hành trong nội bộ Trung Quốc không thể coi là bằng chứng chủ quyền của Trung Quốc. Bởi nếu lấy đó làm căn cứ thì không lẽ năm 1946, Quân đội Trung Hoa Dân quốc đã sang tiếp quản cả Việt Nam từ tay Nhật Bản theo quyết định của Hội nghị Potsdam năm 1945, thì hiện nay Trung Quốc cũng có thể tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ đất liền Việt Nam hay sao? Lập luận này của Trung Quốc thật vô lý. Hơn nữa, Chính quyền Trung Hoa Dân quốc là chính quyền mà Trung Quốc “ghét cay ghét đắng”, dốc toàn lực để đánh đổ, đến bây giờ vẫn luôn phủ nhận chính quyền này. Vậy tại sao Trung Quốc lại bám lấy một căn cứ hết sức mơ hồ và phi lý của chính quyền đó để lấy đó làm cơ sở khẳng định “chủ quyền” của mình ở Biển Đông được.

Ông Lý Lệnh Hoa – chuyên gia thuộc Trung tâm Hải Dương Trung Quốc phải thốt lên rằng: “Từ xưa đến nay, thế giới không hề có đường biên giới hư ảo ở trên biển cũng như trên bộ. Đường chín khúc trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 11 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý khi hoạch định biên giới trên biển. Cách tốt nhất là Trung Quốc cần phải làm theo tinh thần UNCLOS 1982, chứ không thể nói là theo cái gọi là căn cứ lịch sử”.

Ông Richard Cronin – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Stimson/Mỹ khẳng định: “Theo luật quốc tế, đường chín khúc không có cơ sở thực tiễn nào. Hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng, Trung Quốc không thể biện minh đường chín khúc bằng bất cứ hình thức nào dưới ánh sáng của UNCLOS 1982, đặc biệt là quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình”.

Giáo sư Dritri Valentinovich Mosyakov – Viện Nghiên cứu phương Đông, Học viện Khoa học Nga nói: “Tôi cho rằng, đường chín khúc không phù hợp với luật quốc tế. Không hiểu sao người Trung Quốc nhìn bản đồ và lấy một cây bút chì vẽ ra đường chín khúc kiểu như vậy? Tôi nghĩ đó là ý chí của một số người. Họ cho rằng, 80% diện tích Biển Đông là của họ và họ lấy bút chì vẽ ra đường chín khúc và gọi đó là lãnh thổ của mình. Thật nực cười và phi lý”.

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia lập luận: “Các chuyên gia luật pháp khi nhìn vào bản đồ do Trung Quốc nộp cho Liên Hợp Quốc năm 2009 đều thấy rằng, nó không phù hợp với cách vẽ bản đồ thông thường, hay thậm chí cũng không tuân theo cơ sở lịch sử. Theo luật pháp quốc tế, đất liền chi phối biển, bởi vậy, tuyên bố chủ quyền trên biển phải dựa vào đất liền. Ví dụ, bờ biển Việt Nam là đất liền thì Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền 200 hải lý, nhưng đối với trường hợp của Trung Quốc là một sự không rõ ràng, chúng ta không thể hiểu được là đường chín khúc đó đại diện cho cái gì, nó chỉ là những đường đứt đoạn được thể hiện trên bản đồ. Cách vẽ nó không phù hợp với cách vẽ bản đồ quốc tế chuẩn, và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đường chín khúc được vẽ ra trước khi có UNCLOS 1982 và nó cũng không liên quan gì với Công ước này, tức là nó không chịu sự điều chỉnh của Công ước”.

Trước khi diễn ra Hội thảo quốc tế về An ninh Biển Đông ở thủ đô Washington/Mỹ tháng 6/2012, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, một chính khách, từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang dần trở thành một cường quốc kinh tế, do vậy nước này rất cần nhiều nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ. Tại Biển Đông, Trung Quốc thấy có một trữ lượng dầu mỏ rất lớn nên họ đã tăng cường tuyên bố “chủ quyền” tại khu vực này. Tuy nhiên, tuyên bố đó là không đúng. Ông nói: “Thời gian qua, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền qua yêu sách đường chín khúc. Họ cho rằng, khu vực Biển Đông là thuộc về lãnh thổ của họ. Đó là một tuyên bố phi lý, trái luật quốc tế. Khu vực Biển Đông là khu vực lãnh hải quốc tế, chính vì thế mà tất cả chúng ta đều mong muốn có sự thương lượng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực để giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình. Thời gian gần đây, trong khu vực này đã xảy ra xung đột, căng thẳng tăng lên, những căng thẳng đó cần được loại bỏ và đàm phán chính là câu trả lời cho vấn đề này”.

Ông Marvin Ott – giáo sư Trường Đại học Johns Hopkins cho biết, Trung Quốc đang bỏ ra rất nhiều sức lực, thậm chí cả uy tín của mình để biện hộ cho tuyên bố chủ quyền không có tính hợp pháp. Ngay cả các nước không có dính dáng đến tranh chấp tại khu vực Biển Đông cũng không thể đồng ý với tuyên bố “đường chín khúc” của Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc là một nước lớn và quan trọng, nên đưa ra tuyên bố như vậy sẽ khiến các nước không có sự lựa chọn nào khác là thể hiện sự không đồng ý, và điều đó thực sự tạo ra một tình trạng nguy hiểm. Giáo sư nhấn mạnh: “Các luật sư, các học giả, các chuyên gia ở các nước khác, bất kỳ ai nhìn vào tuyên bố này đều tin rằng đường chín khúc của Trung Quốc không có tính hợp pháp dựa theo luật quốc tế, điều đó sẽ gây ra nhiều rắc rối. Bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích khu vực Biển Đông thông qua đường chín khúc, có nghĩa rằng toàn bộ khu vực này thuộc về Trung Quốc, thì không có một nước nào lớn nào trên thế giới có thể ủng hộ đòi hỏi này. Mỹ không ủng hộ, Ấn Độ không ủng hộ, cộng đồng châu Âu không thể ủng hộ, Australia, Nhật Bản cũng không thể ủng hộ, không có nước nào ủng hộ tuyên bố này của Trung Quốc cả”.

Thế mà, bất chấp sự phi lý đó và mặc dù bị các nước phản đối, nhưng Trung Quốc vẫn một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho “đường chín khúc”; mặt khác, ráo riết triển khai các hoạt động ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa mưu đồ “độc chiếm” Biển Đông. Đây được coi là nhân tố chủ yếu gây bất ổn tại Biển Đông, khiến dư luận trong khu vực và thế giới hết sức lo ngại. Nhiều học giả quốc tế cũng đã lên tiếng cảnh báo về tính chất nguy hiểm trước tuyên bố về “đường chín khúc” của Trung Quốc.

Ông Richard Cronin nói: “Tác hại nguy hiểm của đường chín khúc ở Biển Đông là rất đáng kể. Đây chính là nguồn gốc của hầu hết các căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á. Về dài hạn nó sẽ tác động tới tự do hàng hải”.

Ông Gregopy Poling – Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ phát biểu: “Xuất phát từ sự mập mờ, phi lý của đường chín khúc, cũng như những vi phạm rõ ràng của nó đối với luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật điều ước và tập quán, tôi coi đường chín khúc như một mối đe dọa đối với an ninh dầu mỏ của toàn khu vực châu Á nói chung. Những gì chúng ta thấy hiện tại là Trung Quốc đang mong muốn biến đường chín khúc thành căn cứ pháp lý duy nhất đáp ứng những lợi ích của họ, nhưng đồng thời cũng cho phép Trung Quốc bỏ qua luật pháp quốc tế. Đó rõ ràng không phải là cách thức để có được sự ổn định”.

Năm 2019, Trung Quốc bất chấp tính phi lý của yêu sách “đường chín khúc”, bất chấp sự nguy hiểm đối với hoạt động giao thương trên biển, xua tàu quân sự và bán quân sự xông tới các vùng biển thuộc chủ quyền của Malaysia, Philipines và Việt Nam để áp chế và đe dọa. Hành động đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Việt Nam, Philipines, Malaysia, vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước lớn trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU). Hành động đó cũng đã làm “nóng” tình hình, buộc các nước liên quan phải điều động lực lượng để bảo vệ chủ quyền.

Khi trả lời câu hỏi: Về mặt chiến lược, mặc dù đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế và không được thế giới công nhận, nhưng vì sao Trung Quốc vẫn bảo vệ quan điểm và tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách “đường chín khúc”, một chuyên gia bình luận về các sự kiện quốc tế của ASEAN đã trả lời rằng, rất đơn giản bởi vì đây là một yêu sách phi lý, thường xuất phát từ các cường quốc, các nước lớn bên cạnh các nước có tiềm lực nhỏ yếu hơn; là bản chất cố hữu trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Những gì Trung Quốc làm hôm nay không khác gì so với những gì họ đã làm cách đây 2.200 năm, thời Tần Thủy Hoàng, thời nhà Hán, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh. Bản chất sau cùng của nó là một đường lối sô vanh nước lớn. Tham vọng của Trung Quốc không gì có thể che đậy được, tất cả những hành động của họ ở Biển Đông là muốn “độc chiếm” khu vực này. Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ đang lâm vào “cơn khát” về năng lượng, nên muốn “độc chiếm” Biển Đông là vì dầu mỏ. Điều này rất đúng nhưng chưa đủ, chưa phải là mục tiêu chính của Trung Quốc. Việc “độc chiếm” Biển Đông là để khẳng định quyền làm chủ đường hàng hải nhộn nhịp vào loại bậc nhất thế giới, qua đó khống chế cả Nhật Bản và Hàn Quốc, phá tan mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật – Hàn. Làm chủ Biển Đông, Trung Quốc sẽ siết chặt gọng kìm đối với 10 nước ASEAN, mở toang cánh cửa ra Thái Bình Dương, đối đầu với Mỹ. Ý đồ này quan trọng hơn việc kiểm soát trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông, bởi thực chất dầu mỏ ở Biển Đông không nhiều so với dầu mỏ ở vịnh Persia. Trung Quốc có nhu cầu thực sự về dầu mỏ, muốn “độc chiếm” Biển Đông là vì dầu mỏ, nhưng đó không phải là mục tiêu chính. Mục tiêu chính không phải là kinh tế mà thực chất là mục tiêu chính trị và an ninh. Đó mới là ý đồ sâu xa của Trung Quốc.

Bình luận của chuyên gia trên đã “bóc mẽ” bản chất của hành động tự vẽ ra bản đồ “đường chín khúc” trên Biển Đông rồi tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích trên đó của Trung Quốc, đồng thời vạch rõ thủ đoạn Trung Quốc biến không thành có, biến biển của người khác thành biển của mình. Nhưng ở một khía cạnh khác, bình luận trên lại chỉ ra rằng, với vị trí địa chiến lược quan trọng, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, Biển Đông được xem là tài sản chung của thế giới và khu vực, nó đem lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế, bất kỳ một hành động gây bất ổn hay một âm mưu nào nhằm “độc chiếm” Biển Đông cũng sẽ không bao giờ được chấp nhận và đương nhiên sẽ bị dư luận thế giới mạnh mẽ lên án.

Trung Quốc là một quốc gia có những nhà tư tưởng chính trị, quân sự nổi tiếng như Khổng Tử, Tôn Tẫn với những chủ thuyết chinh phục lòng người bằng uy tín và đạo lý. Hy vọng những người lãnh đạo Trung Quốc sớm nhận ra sai lầm chiến lược từ tuyên bố về “chủ quyền” lãnh thổ theo “đường chín khúc” phi lý trên Biển Đông, để cùng các nước có liên quan trong khu vực đàm phán, đối thoại, tìm ra giải pháp chung sống hòa bình, vì lợi ích của tất cả các bên và “hợp tác cùng thắng” như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới