Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐại dịch toàn cầu COVID-19 đang tác động mạnh mẽ, lần đâu...

Đại dịch toàn cầu COVID-19 đang tác động mạnh mẽ, lần đâu tiên trong lịch sử đối với các sự kiện quốc tế quan trọng

Do ảnh hưởng của Đại dịch toàn cầu COVID-19, hàng loạt các sự kiện quốc tế đã bị ảnh hưởng từ trì hoãn đến chuyển sang họp trực tuyến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nước phải tổ chức hình thức họp này.

Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử của G20

Bên cạnh một số sự kiện đáng chú ý, thế giới tuần qua (23-29/3) tiếp tục ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia, cùng với đó là sự đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu của các tổ chức quốc tế, tiêu biểu là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra từ 19h đến 21h ngày 26/3, theo sáng kiến của Nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia. Theo Saudi Arabia, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G20 lần này không chỉ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo G20 mà còn có các đại diện cấp cao từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nhà lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ và Singapore cũng được mời tham dự sự kiện này. Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê mới nhất được trang Worldometer cập nhật đến sáng 29/3, dịch COVID-19 hiện đã lan sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 663.000 người bị nhiễm, trong đó hơn 30.000 người tử vong. Đại dịch COVID-19 đã tác động vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như kinh tế toàn cầu và gây tổn hại đến tự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia.’

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ cung cấp 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố, việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là “ưu tiên tuyệt đối của nhóm”. Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn. G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất. “Chống lại đại dịch COVID-19 đòi hỏi biện pháp ứng phó phối hợp trên toàn cầu, minh bạch, mạnh mẽ, quy mô lớn và dựa trên cơ sở khoa học với tinh thần đoàn kết. Chúng tôi cam kết một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa chung này, thực hiện các biện pháp bao gồm chia sẻ nghiên cứu và dữ liệu, củng cố hệ thống y tế và mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu về vật tư y tế”, các lãnh đạo G20 nhấn mạnh. Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các ngân hàng khu vực để triển khai gói tài chính hỗ trợ những quốc gia đang phát triển.

Đối thoại Shangri-La 2020 theo dự kiến bị hủy bỏ

Các nhà tổ chức của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) thông báo hủy Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á thường niên, còn gọi là Đối thoại Shangri-La vào năm nay. Đây là sự kiện mới nhất trở thành “nạn nhân” của đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đối thoại Shangri-La 2020 dự kiến được tổ chức từ ngày 5-7/6 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Trong một tuyên bố đăng trên trang web riêng ngày 28/3, IISS nhấn mạnh cuộc đối thoại thu hút sự tham tham gia của hơn 40 các quốc gia này sẽ không diễn ra trong năm nay do nhiều nước trong số này áp đặt những hạn chế đi lại. Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh thường niên liên chính phủ, có sự tham gia của các Bộ trưởng cùng quan chức Quốc phòng của 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị cũng thu hút nhiều quan chức quân sự cấp cao, các nhà ngoại giao và các nhà sản xuất vũ khí từ khắp nơi trên thế giới kể từ khi được tổ chức hồi năm 2002. Hội nghị là diễn đàn trao đổi về các vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực, đồng thời duy trì ý thức cộng đồng trong đường hướng hoạch định chính sách quan trọng nhất liên quan tới các vấn đề này.

Olympic Tokyo 2020 được chuyển sang thành Olympic Tokyo 2021

Ngày 24/3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố Olympic Tokyo 2020 sẽ được hoãn sang năm 2021 trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.Theo kế hoạch ban đầu, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/7 – 9/8. Tuy nhiên, quyết định trên đã được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch IOC Thomas Bach và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Đây là lần đầu tiên một kỳ Olympic bị hoãn trong thời bình. Trong khi đó, Trưởng Ban tổ chức Olympic Nhật Bản Yoshiro Mori thông báo hoạt động rước đuốc cũng sẽ bị hoãn lại. Trước đó, Thủ tướng Abe cho biết Chủ tịch Bach đã hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Nhật Bản về hoãn Olympic Tokyo sang năm sau. Sự kiện này sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi Olympic Tokyo 2020. Dư luận đã đưa ra nhiều phản ứng trước việc IOC và Nhật Bản đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sang năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.

Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 40 phút với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối, coi đây là quyết định sáng suốt. Tuyên bố chung của Nhật Bản và IOC cho rằng Olympic Tokyo có thể là niềm hy vọng cho thế giới trong giai đoạn khó khăn này, và ngọn lửa Olympic có thể trở thành “ánh sáng cuối đường hầm”. Chủ tịch IOC Thomas Bach hy vọng Olympic 2020 diễn ra vào năm 2021 sẽ là bữa tiệc tôn vinh những nỗ lực của nhân loại, đã cùng vượt qua đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ.

Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp của Nga phải hoãn lại

Ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan mạnh tại nước này. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin nêu rõ: “Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp phải bị hoãn lại vào một thời điểm sau này”. Tổng thống Putin cho biết Chính phủ Nga sẽ đánh giá tình hình để ấn định thời gian tổ chức phù hợp. Theo kế hoạch, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp sẽ được tổ chức tại Nga vào ngày 22/4 tới. Việc sửa đổi Hiến pháp nếu được thông qua sẽ cho phép Tổng thống Putin có thể tiếp tục tranh cử, bất chấp hạn chế hiện nay trong Hiến pháp. Cũng trong bài phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Nga thông báo người dân nước này sẽ được nghỉ việc có trả lương trong tuần tới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ông cũng kêu gọi người dân Nga đoàn kết và tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan y tế với giới chức chính quyền. Chính phủ sẽ hoãn mọi khoản thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 6 tháng tới. Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Putin đề xuất một loạt sửa đổi Hiến pháp Nga, gồm cho phép Quốc hội thay vì Tổng thống chọn Thủ tướng, thay đổi giới hạn nhiệm kỳ đối với Tổng thống và tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn cho Tổng thống mà ông đứng đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới