Monday, November 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nét về hoạt động nghề cá ở Biển Đông: Trách...

Một số nét về hoạt động nghề cá ở Biển Đông: Trách nhiệm và nghĩa vụ hợp tác của các nước trong khu vực

Nguồn cá ở Biển Đông đang bị suy giảm mạnh. Đồng thời, đây cũng là khu vực chồng chéo các yêu sách biển, gây khó khăn cho ngư dân các nước trong việc thực hiện quyền đánh bắt cá trên vùng biển quốc gia và quốc tế. Để giải quyết vấn đề trên, các nước trong khực cần tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông.

Tài nguyên cạn kiệt

Biển Đông nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.8 triệu km2, bao gồm Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ. Bao quanh Biển Đông là 8 nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Campuchia và lãnh thổ Đài Loan. Tiềm năng nghề cá của khu vực biển này là rất lớn. Mặc dù chỉ chiếm 2,5% bề mặt trái đất nhưng Biển Đông có khoảng 3.365 loài cá biển, chia thành 263 họ, chiếm 12% tổng lượng cá đánh bắt toàn cầu.

Tuy nhiên những hiểu biết về sự đa dạng này chưa thực sự đầy đủ. Với độ sâu từ 200 tới 5.000m, Biển Đông có nhiều tiềm năng về nghề cá nước sâu. Các số liệu cho thấy trong những năm gần đây, sản lượng đánh bắt cá ở Biển Đông tăng đáng kể, đồng nghĩa với trữ lượng cá ở đây giảm mạnh. Việc đánh bắt trước đây tập trung chủ yếu ở vùng biển ven bờ, tại các vùng nước nông. Nhưng hiện nay tại những khu vực này lượng cá đã bị khai thác đủ, khai thác quá mức, chưa có khả năng tái đàn. Vì vậy, khai thác thủy sản ở những khu vực nước biển sâu ở Biển Đông đang được các nước khuyến khích phát triển. Ngoài ra, độ sâu của Biển Đông cũng mang lại cho vùng biển này sự đa dạng về các nguồn cá và số lượng cá có giá trị thương mại cao.

Hoạt động nghề cá diễn ra ngày càng sôi động với sự tham gia của tất cả các quốc gia ven Biển Đông tại tất cả các khu vực trên Biển Đông. Trong số 3,2 triệu tàu cá hoạt động ở các vùng biển trên thế giới, có khoảng 1,7 triệu tàu cá hoạt động ở Biển Đông (chiếm khoảng 55%), phần lớn trong số đó là các tàu cá quy mô nhỏ. Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do không phải mọi tàu cá hoạt động ở Biển Đông đều đã đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền của các nước.

Biển Đông được cho là một trong số năm khu vực đánh cá hiệu quả nhất trên thế giới khi xét về tổng sản lượng sản phẩm biển hàng năm, với tổng lượng đánh bắt khoảng 6 nghìn tấn mỗi năm. Sáu trong số tám quốc gia và vùng lãnh thổ ven Biển Đông nằm trong danh sách 25 quốc gia đánh bắt cá biển chính trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng đánh bắt cá biển lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 17,7% tổng sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới giai đoạn 2013-2014. Tiếp theo là Indonesia và Việt Nam, hai nước có sản lượng đánh bắt lớn thứ 2 và thứ 3 ở Biển Đông. Ngư trường đánh bắt chính của các nước là Vịnh Thái Lan, Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển ven bờ. Hệ sinh thái chính của các nguồn tài nguyên cá ở đây gồm hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cây đước và hệ sinh thái cỏ biển. Phương tiện đánh bắt được sử dụng chủ yếu bởi ngư dân các nước ven Biển Đông trong việc khai thác các nguồn cá thương mại là lưới vét đáy, trừ Indonesia bởi nước này đã ban hành lệnh cấm sử dụng lưới vét đáy trên toàn quốc từ những năm 1980.

Hoạt động nghề cá sôi động ở Biển Đông không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá như một loại thực phẩm thiết yếu của khu vực, đảm bảo an ninh lương thực, kế sinh nhai của ngư dân ven biển, mang lại giá trị thương mại xuất khẩu cho các quốc gia ven Biển Đông mà còn được các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông sử dụng vào các mục đích chính trị. Một số quốc gia như Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ở những vùng nước tranh chấp ở Biển Đông nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế, đồng thời tăng sự hiện diện ở các khu vực tranh chấp, xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác.

Hiện nay, việc đánh giá tình trạng các đàn cá ở Biển Đông chưa được diễn ra thường xuyên bởi các quốc gia ven vùng biển này. Tuy nhiên đã có sự phân tích đánh giá tình trạng các đàn cá ở Biển Đông bởi Funge-Smith vào năm 2012, dựa trên những dữ liệu nghề cá được báo cáo cho các quốc gia hoặc các tổ chức nghề cá khu vực. Theo đó, một số chỉ dẫn đã được đưa ra, mặc dù chưa thực sự đầy đủ. Nhìn chung những vùng biển ven bờ các quốc gia ven Biển Đông hầu như đã bị khai thác đủ, khai thác quá mức hoặc cạn kiệt các nguồn tài nguyên cá và các nguồn tài nguyên sinh vật. Các đàn cá bị khai thác nhiều nhất ở phía tây Biển Đông, khu vực biển các nước Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi đó, các đàn cá ở vùng biển quanh Malaýia và một số vùng nước ở Philippines bị khai thác ở mức độ ít hơn. Các loài cá to và cá nhỏ sống ở đáy biển đều bị khai thác quá mức, ngoại trừ các loài cá nhỏ đáy biển ở khu vực trung tâm Biển Đông, nơi mà chúng đã bị khai thác đủ. Các loài cá to sống gần mặt nước biển đã bị khai thác quá mức ở Vịnh Thái Lan, khai thác đủ ở vùng biển quanh Việt Nam và chưa bị khai thác ở khu vực Philippines, Indonesia và Malaysia.

Nguyên nhân sâu xa

Tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông đã diễn ra nhiều năm và là một trong những vấn đề đáng báo động của khu vực. Thêm vào đó, các hoạt động tôn tạo, xây dựng các công trình nhân tạo trên biển quy mô lớn gần đây cũng đang gây hại nghiêm trọng tới sự tồn tại của các rặng san hô ở Biển Đông trong khi san hô là một trong ba hệ sinh thái chính của các đàn cá ở Biển Đông. Số lượng cá có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự biến mất của các rặng san hô. Cứ 10% độ che phủ san hô bị mất thì sự dồi dào cuả các đàn cá sẽ giảm 60%. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào thực sự cải thiện được tình trạng này một cách toàn diện.

Nguyên nhân sâu xa và quan trọng chính là bởi thiếu sự quản lý nghề cá chung cũng như hợp tác bảo vệ môi trường biển giữa các nước ở khu vực. Theo thống kê, mới chỉ có gần một nửa số đàn cá chính của khu vực là có kế hoạch quản lý. Tuy nhiên, những kế hoạch này mới chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia. Một số quốc gia ven Biển Đông, ngoại trừ Trung Quốc đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển và đã quy định điều này trong Hiến pháp của quốc gia mình. Đồng thời, một số khu bảo tồn biển đã được các nước thành lập nhằm bảo tồn các đàn cá và kiểm soát việc khai thác chúng một cách hiệu quả và bền vững thông qua các hình thức như cấm sử dụng các phương tiện khai thác tận diệt, hủy hoại môi trường, giới hạn thời gian được phép đánh bắt cá và cấm đánh bắt một số loài cá nhất định…

Ngoài ra một số khu duy trì nguồn giống thủy sản (fisheires refugia) cũng được sử dụng như một cách để tăng tính hiệu quả của các khu bảo tồn biển ở Biển Đông. Đây không phải là khu vực cấm đánh cá mà là khu vực được thành lập để duy trì các khu ươm giống tự nhiên và tạo ra khu ươm giống thay thế cho những tổn thất gây ra bởi sự khai thác quá mức. Dự án “Thành lập và Vận hành một Khu Duy trì Nguồn giống Thuỷ sản ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông” hiện đang được thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, với mục đích tạo ra khả năng phục hồi nghề cá ở Đông Nam Á trước những nỗ lực đánh bắt cá ngày càng tăng và ở mức độ cao trong khu vực, đồng thời cải thiện những hiểu biết của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách và ngư dân về mối liên hệ giữa hệ sinh thái và các đàn cá. Các biện pháp có thể được áp dụng trong khu vực này bao gồm: loại bỏ một số phương thức đánh bắt, hạn chế các phương tiện đánh bắt, quy định về kích cỡ tàu cá, hạn chế theo mùa, tiếp cận hạn chế đối với các đàn cá có quy mô nhỏ…

Nghĩa vụ hợp tác của các nước trong khu vực

Tất cả các quốc gia ven Biển Đông đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vì vậy, có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có các nghĩa vụ liên quan tới việc bảo tồn và phát triển các đàn cá theo các điều 63, 64 và 118 như phân tích phía trên. Ngoài ra, với tính chất là biển nửa kín, các quốc gia ven Biển Đông cần lưu ý tới điều 123, quy định về sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín, hoặc nửa kín. Mặc dù có một số tranh cãi và khác biệt trong cách giải thích câu đầu tiên của Điều 123: “các quốc gia ven biển kín hoặc biển nửa kín nên hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước”, theo đó một số học giả cho rằng hợp tác chỉ là một nghĩa vụ về mặt đạo đức và Công ước chỉ đưa ra như là một khuyến nghị cho các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín, nhưng phần đông các học giả và các quốc gia cho rằng điều 123 đã đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia, đặc biệt là khi câu thứ 2 của điều 123 khẳng định rằng các quốc gia phải nỗ lực hợp tác trực tiếp hoặc thông qua tổ chức khu vực thích hợp để phối hợp quản lý, bảo tồn, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật biển, thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với việc bảo vệ môi trường biển, chính sách nghiên cứu khoa học và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học biển chung…

Bên cạnh đó, Điều 6 của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) cũng đã đặt ra trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia ven Biển Đông trong một số lĩnh vực, trong đó có việc bảo vệ môi trường biển. Mặc dù DOC chỉ được coi là một văn bản chính trị nhưng DOC có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề Biển Đông giữa các nước quanh khu vực này bởi đây là văn kiện chung duy nhất giữa các quốc gia này quy định về cách hành xử của các bên trên Biển Đông.

Tuy nhiên, hợp tác của các quốc gia ven Biển Đông trong việc bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển chủ yếu mới chỉ diễn ra ở cấp độ song phương thông qua các hiệp định hợp tác nghề cá. Ngoài ra một số nước có đàm phán song phương về hợp tác trong một số lĩnh vực khác như tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, để bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản ở Biển Đông, cũng như góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, hạn chế xảy ra các vụ việc va chạm, xung đột do đánh bắt hải sản gây ra, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới