Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ và đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng...

Mỹ và đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tăng cường hợp tác đối phó với mối đe dọa an ninh từ TQ

Trong những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy không lành mạnh của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực. Mỹ đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc,

Các nước có chung mối lo ngại về Trung Quốc

Trong khu vực, nhiều nước có lợi ích, an ninh và chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa, ảnh hưởng từ các hoạt động quân sự trái phép của Trung Quốc. Trong đó, Australia, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ… là những điển hình tiêu biểu. Tuy nhiên, các nước có những lựa chọn khác nhau để đối phó với mối đe dọa này.

Để chống lại sự hiện diện khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Đại Dương, Australia đã tìm cách tăng cường các mối quan hệ an ninh chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực bằng cách lập ra một đơn vị quân sự mà sẽ tăng cường năng lực, khả năng phục hồi và khả năng tương tác với các đối tác của Australia ở Thái Bình Dương. Đơn vị này sẽ tập trung vào việc tiến hành các hoạt động an ninh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình trong khu vực. Ngoài việc thiết lập đơn vị này, Australia cũng đang theo đuổi và duy trì mối quan hệ an ninh với một số nước láng giềng ở Thái Bình Dương, trong đó có Vanuatu, Fiji và Quần đảo Solomon. Ngoài ra, Australia đã hợp tác với Washington để xây dựng một căn cứ hải quân ở Papua New Guinea như nỗ lực một phần làm suy giảm ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh ở nước này và là một cách ứng phó với việc Bắc Kinh theo đuổi xây dựng một căn cứ ở Vanuatu. Singapore cũng tìm kiếm sự ổn định ở Biển Đông và ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ. Dù duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và đã thực hiện các hoạt động huấn luyện với quân đội Trung Quốc, nhưng Singapore đã cho phép Mỹ, Australia và New Zealand duy trì sự hiện diện hải quân thường xuyên ở nước này.

Singapore cũng có mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với Ấn Độ và ủng hộ Ấn Độ can dự vào Đông Nam Á, đặc biệt liên quan đến việc Ấn Độ ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và cam kết duy trì các tuyến liên lạc trên biển an toàn giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông. Các thỏa thuận gần đây giữa Singapore và Ấn Độ nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ này bao gồm việc gia hạn một hiệp ước huấn luyện 5 năm vào năm 2017 cho phép không quân Singapore tập luyện ở Ấn Độ và một thỏa thuận năm 2018 liên quan đến việc phối hợp hải quân, hậu cần và hỗ trợ các quân chủng trong các chuyến thăm cảng và tập trận quân sự.

Bên cạnh đó, Nhật Bản duy trì liên minh mạnh mẽ với Mỹ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng khu vực của mình bằng cách tăng cường hoạt động ra nước ngoài thông qua việc cung cấp hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và an ninh. Nhật Bản đặc biệt tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với nhiều nước Đông Nam Á, tài trợ các tàu tuần tra, máy bay giám sát hàng hải và các linh kiện máy bay trực thăng dự phòng cho Philippines, các tàu tuần tra cho Việt Nam và máy bay chống ngầm P-3 Orion đã hết thời gian phiên chế cho Malaysia.

Không những vậy, những quan ngại của Ấn Độ về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương đã thúc đẩy nước này quan tâm đến việc tăng cường quan hệ đối tác an ninh với Nhật Bản và Mỹ. Ấn Độ và Mỹ đã thiết lập một đường dây nóng trực tiếp và ký Thỏa thuận về khả năng tương thích thông tin liên lạc và an ninh trong năm 2018, cho phép hai nước trao đổi những thông tin nhạy cảm một cách nhanh chóng và an toàn. Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế và an ninh, với việc năm 2015 Nhật Bản đã trở thành thành viên thường trực của cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai nước cũng đã đồng ý thiết lập cơ chế Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mới để tăng cường hợp tác an ninh song phương và sẽ tiến hành các cuộc tập trận vào năm 2019 giữa các lực lượng không quân và mặt đất của họ. Ấn Độ cũng đã tăng cường sự hiện diện hải quân ở Biển Đông, tiến hành một số cuộc tập trận tại khu vực này trong năm 2019, bao gồm cuộc tập trận hải quân song phương lần thứ hai với Việt Nam, một cuộc tập trận kéo dài 6 ngày với Mỹ, Nhật Bản và Philippines; và một cuộc tập trận riêng với Pháp.

Tăng cường hiện đại hóa quân đội để đối phó Trung Quốc

Nhật Bản đang hiện đại hóa quân đội để chống lại áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không và hàng hải, cũng như cải thiện năng lực phòng thủ của các đảo phía Tây Nam nước này. Tokyo đặc biệt tập trung vào việc thành lập một lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh chóng để cải thiện năng lực viễn chinh của Lực lượng phòng vệ mặt đất, mua một số lượng lớn máy bay chiến đấu F-35B, sửa chữa tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để hỗ trợ các hoạt động của F-35B và cải thiện năng lực phòng thủ của các đảo phía Tây Nam bằng cách triển khai các tên lửa hành trình chống hạm được đặt ở bờ biển đến một số địa điểm then chốt trong chuỗi đảo Ryukyu. Kể từ khi việc cho phép quân đội Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể được thông qua thành luật năm 2015, Tokyo đã triển khai các tàu của mình tham gia các hoạt động hộ tống của các tàu và máy bay Mỹ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và đã tham gia các cuộc tập trận song phương ở Biển Đông. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào năm 2020 về việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản để cho phép phát triển các năng lực tấn công, dù đã thất bại trong việc duy trì sự ủng hộ đủ để thông qua biện pháp này sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2019.

Trong khi đó, Ấn Độ tái cấp vốn tài trợ cho các năng lực hàng không và hàng hải. Kể từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký 188 hợp đồng mua vũ khí, bao gồm một hợp đồng mua các hệ thống SAM S-400 của Nga vào tháng 10/2018 và một hợp đồng khác mua các hệ thống SAM tối tân của Israel được lắp đặt trên các tàu chiến Ấn Độ. Năm 2019, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được một nửa trong số 36 máy bay ném bom chiến đấu do Pháp chế tạo mà nước này đã đặt hàng năm 2015 và đã bắt đầu nhận được 22 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache đầu tiên cùng với 15 máy bay trực thăng hạng nặng Chinook do hãng Boeing chế tạo. Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 6 tàu ngầm lớp Scorpene mới và một tàu sân bay mới do chính nước này chế tạo trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.

Cạnh tranh Mỹ – Trung căng thẳng

Trong một môi trường an ninh đầy cạnh tranh giữa các cường quốc với nhiều đổi mới, Biển Đông nổi lên như một đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc cạnh tranh với Bắc Kinh tại Biển Đông tạo thành yếu tố then chốt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Đây còn là một phần trong nỗ lực của Washington đối với việc thúc đẩy xây dựng khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng cường xây dựng các hạ tầng, tiến hành quân sự hóa, triển khai vũ khí tại các thực thể mà nước này đang chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Không những vậy, Trung Quốc còn thực hiện các hành động gây căng thẳng nhằm vào các nước lân cận như Việt Nam, Philippines. Điều đó khiến cho giới quan sát lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập kiểm soát phần lớn Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang tìm cách tăng quyền lực kiểm soát ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Nối kết các khu vực này, trong đó đặc biệt là Biển Đông, có thể gây tổn hại lớn cho lợi ích chiến lược của Mỹ về kinh tế, chính trị lẫn quân sự tại khu vực, khi Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng.

Để giải quyết thực tế trên, mục tiêu của Washington là phải ngăn chặn tham vọng bá chủ khu vực Đông Á của Bắc Kinh. Để ngăn chặn hiệu quả, theo báo cáo, Mỹ cần thực hiện các biện pháp sau: cản trở việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng hạ tầng, tăng cường quân sự hóa các thực thể mà Bắc Kinh đang kiểm soát trên Biển Đông; Bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông vốn được Bắc Kinh đưa ra cùng các đường cơ sở phân chia chủ quyền; Ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các hành vi gây áp lực với các bên trong khu vực; Thực thi tự do hàng hải (FONOP) nhằm nhấn mạnh quyền tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế…

Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chính sách như hiện nay, tăng cường quan hệ quân sự với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực nhằm kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cũng như sự quan ngại, phản đối của cộng đồng quốc tế để triển khai các hoạt động quân sự trong khu vực, nhất là ở Biển Đông sẽ đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trong những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy không lành mạnh của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực. Mỹ đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc,

RELATED ARTICLES

Tin mới