Thursday, October 10, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đã nắm được công nghệ then chốt để khai thác băng...

TQ đã nắm được công nghệ then chốt để khai thác băng cháy trên Biển Đông

Với việc khai thác thành công số lượng lớn băng cháy và khí đốt ở vùng biển sấu 1.225m cho thấy Trung Quốc đã nắm được công nghệ then chốt để khai thác nguồn tài nguyên mới trên Biển Đông.

Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc (26/3) cho biết, trong một tháng khai thác (17/2 – 18/3), Trung Quốc khai thác kỷ lục 862.400 m3 khí tự nhiên từ băng cháy ở Biển Đông và lượng khí thu được trong một ngày đạt 287.000 m3. Hoạt động khai thác trên được tiến hành tại một khu vực nằm ở phía Bắc Biển Đông, ở độ sâu 1.225 m. Hiện chưa rõ chính xác vị trí khai thác này. Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc cho biết, trong quá trình khai thác lần này, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ kỹ thuật khoan giếng thẳng đứng, đánh dấu Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này để khai thác băng cháy.

Băng cháy được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém. Trong khi đó, khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, 1m3 mêtan hydrat có thể tỏa 164m3 khí mêtan và 0,83m3 nước. Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Mỹ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả “khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết” (như dầu mỏ, than đá…). Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ băng cháy. Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể “làm thay đổi cán cân” đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc từng công bố phát hiện một trữ lượng khí hydrate (băng cháy) lớn ở lưu vực sông Châu phía bắc Biển Đông và sẽ có thể khai thác trên quy mô thương mại sau năm 2030. Theo thông báo, khu vực phát hiện khí hydrate ở bể trầm tích sông Châu kéo dài 55km2 với trữ lượng ước tính tương đương khoảng 100 – 150 tỷ m3 khí tự nhiên. Trữ lượng này tương đương với mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, kết quả khảo sát trong vòng 4 tháng qua của Cục Khảo sát Địa chất biển Quảng Châu còn cho thấy, tại 23 giếng phía nam vùng biển ngoài khơi Quảng Đông, có 2 tầng chứa hydrate dày từ 15-30m ở độ sâu từ 600 – 1.000m dưới đáy biển.

Được biết, băng cháy lần đầu được phát hiện ở phía Bắc nước Nga (năm 1960), song việc nghiên cứu khai thác chúng dưới đáy biển sâu chỉ bắt đầu khoảng 10-15 năm gần đây. Nhật Bản là nước tiên phong trong lĩnh vực khai thác băng cháy do thiếu tài nguyên thiên nhiên. Tháng 3/2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã tiến hành thử nghiệm sản xuất khí đốt từ băng cháy ở khu vực vịnh Nankai, chiết xuất thành công trung bình 20.000m3 khí đốt trong 6 ngày. Cơ quan Tài nguyên tự nhiên và Năng lượng Nhật Bản (ANRE) dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhằm khởi động các dự án thương mại hóa sản xuất khí đốt từ băng cháy vào khoảng giữa năm 2020.

Mỹ và Canada cũng đang nghiên cứu cách khai thác băng cháy dưới lớp băng vĩnh cửu ở khu vực phía Bắc Alaska và Canada. Đại học Texas ở Austin đã và đang chủ sự một chương trình nghiên cứu đa ngành về băng cháy ở Vịnh Mexico từ năm 2014-2020, với sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ. Khi bắt đầu chương trình vào năm 2014, Giáo sư Peter Flemings, Viện Nghiên cứu Địa vật lý thuộc Đại học Texas – một trong những nhà khoa học chính tham gia vào chương trình nói trên đã lưu ý: “Công việc chính của dự án này là lấy các mẫu nguyên vẹn, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn cách tạo ra các lớp trầm tích này. Điều này cũng tương tự như cách chúng ta đã từng nghiên cứu về dầu và khí đá phiến 20, 30 năm trước. Khi đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng có thể sản xuất ra hydrocarbon từ đá phiến”.

Trong khi đó, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng hội Địa chất Việt Nam đánh giá vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy như độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý… Đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam có 4 khu vực có trữ lượng băng cháy lớn, gồm: Quần đảo Hoàng Sa, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên việc nghiên cứu băng cháy ở Việt Nam còn gặp rất khó khăn, đặc biệt về công nghệ khai thác. Vì vậy, khó có khả năng Việt Nam sẽ khai thác thành công băng cháy trong tương lai gần.

RELATED ARTICLES

Tin mới