Wednesday, October 9, 2024
Trang chủBiển nóngChiến lược hạt nhân có thể giúp TQ tăng khả năng chiếm...

Chiến lược hạt nhân có thể giúp TQ tăng khả năng chiếm giữ các đảo, đá, đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí The Maritime Issues, Tiến sĩ Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ) đã đề cập đến khả năng triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này có thể giúp Bắc Kinh tăng khả năng chiếm giữ phi pháp các đảo, đá, đảo nhân tạo ở khu vực biển này.

Theo chuyên gia Satoru Nagao, Biển Đông là một vùng biển có độ sâu đủ để hải quân Trung Quốc triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể vận hành các tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.Hiện Trung Quốc có sáu tàu ngầm đạn đạo hạt nhân và có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn.Điều đáng chú ý là những năm qua, dư luận không nhắc nhiều đến sự nguy hiểm của tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, nhất là khi nước này có ý đồ độc chiếm Biển Đông. Có thể nói rằng nếu so với Mỹ hay Nga (và trước đây là Liên Xô) thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đi sau trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho tàu biển và tàu ngầm. Trong năm cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là năm cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc là quốc gia cuối cùng phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân.Theo các thông tin chính thức thì hiện Trung Quốc mới có 6 tàu ngầm đạn đạo hạt nhân, trong đó một chiếc thuộc lớp Hạ – Type 092 và năm chiếc thuộc lớp Tấn – Type 094 và mới đang bắt đầu phát triển các tàu nổi sử dụng năng lượng hạt nhân. Vì lý do này mà giới nghiên cứu và báo chí cũng chưa thực sự quan tâm.

Chuyên gia Viện Hudson cho rằng, Trung Quốc hiện có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn.Điều này đến từ nguyên tắc khá nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay đó là răn đe hạt nhân chỉ dùng cho mục đích phòng thủ.Theo đó, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương trước. Đây là những chính sách mang tính kiềm chế đáng được khuyến khích trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân trở lại, sau sự đổ vỡ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân như ABM, START II và gần đây nhất là INF. Vì lý do này mà đội tàu ngầm đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc cũng không lớn, chỉ có tất cả 6 tàu, trong khi Nga có 15 tàu và Mỹ có tới 18 tàu.

Theo các chuyên gia, điều rất đáng chú ý thêm hiện nay là Trung Quốc trong khoảng một thập niên trở lại đây đã bắt đầu ấp ủ tham vọng triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. Họ thậm chí nhắc tới việc sẽ đưa cả chục nhà máy dạng này ra các đảo, đá do nước này chiếm đóng để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu và tăng khả năng sinh tồn của các cộng đồng người Trung Quốc trên các đảo nhân tạo do họ xây dựng trái phép. Sự nguy hiểm của các nhà máy điện hạt nhân nổi phần lớn đến từ nguy cơ rò rỉ phóng xạ đối với môi trường biển và các đảo trên Biển Đông, nhất là khi các nước khác hay các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ có thể đề nghị giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp việc đảm bảo an toàn của các cơ sở này. Bên cạnh đó, việc Biển Đông có mật độ tàu bè đi lại dày đặc và việc biến đổi khí hậu khiến tần suất, cường độ bão nhiệt đới ở khu vực này ngày càng khó lường cũng làm tăng thêm nguy cơ mất an toàn, an ninh với các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Cuối cùng, tất nhiên sự hiện diện của các nhà máy điện hạt nhân nổi vốn có khả năng cung cấp cả điện năng và nước ngọt sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng chiếm giữ các đảo, đá, đảo nhân tạo trên Biển Đông, khiến các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này càng trở nên phức tạp và đẩy các quốc gia trong khu vực vào thế yếu trong tranh chấp.

Nhìn chung, sự tồn tại của đội tàu hạt nhân của Trung Quốc là để răn đe các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác và đồng minh của họ (như Nhật Bản – đồng minh của Mỹ và được Mỹ bảo vệ về mặt hạt nhân trong chiến lược “ô hạt nhân” của nước này) chứ không nhằm áp chế các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nước này. Ngược lại, việc Trung Quốc đẩy mạnh giành quyền kiểm soát các đảo, đá ở Biển Đông một phần chính là để tăng khả năng bảo vệ cho các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân này khi di chuyển từ các căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam ra khu vực Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới