Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuá trình TQ chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập và tiến...

Quá trình TQ chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập và tiến hành bồi đắp, quân sự hóa tại đây

Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam), nằm cách biệt về phía Tây Nam của cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1988 cho đến nay.

Quá trình TQ chiếm đá Chữ Thập

Theo nguồn tin của Trung Quốc, Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ thuộc UNESCO ủng hộ về mặt ngoại giao và giao phó cho Trung Quốc xây dựng trạm quan sát trên biển tại quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1987. Nắm lấy thời cơ này, Trung Quốc bắt đầu khảo sát quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4/1987 và quyết định chọn đá Chữ Thập làm nơi đóng quân vì đá này không những đủ lớn mà còn nằm xa các căn cứ đồn trú của các nước khác. Trong thời gian sau đó, Trung Quốc còn liên tục viếng thăm và tiến hành khảo sát nhiều thực thể địa lý hoang vu khác

Ngày 27/01/1988, tàu HQ-611 và HQ-712 của Việt Nam do đại tá Phạm Công Phán làm biên đội trưởng (trung tá Nguyễn Văn Dân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân làm Biên đội phó), Chỉ huy 1 Đại đội Công binh và 2 lực lượng 2 khung bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 đi làm nhiệm vụ đóng giữ các đảo Đá Lớn, Đá Lát, Châu Viên, Chữ Thập. Đến đảo Trường Sa Đông thì tàu HQ-611 bị sự cố hỏng máy, phải dừng lại để khắc phục.Đêm 30/01/1988, biên đội tiếp tục hành trình đến đóng giữ đảo Chữ Thập. Sáng 31/01/1988, khi cả 2 tàu cách Chữ Thập khoảng 5 hải lý thì 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc (trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 502, 503) lao ra cắt mũi, không cho tàu HQ-611 và HQ-702 tiếp cận đảo, buộc ta phải trở lại Trường Sa Đông.

Trung Quốc lúc đó đã huy động lực lượng lớn tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ… chiếm Chữ Thập từ ngày 22/01/1988 và rải 4 phía cả chục tàu chiến canh giữ, khống chế. Một cựu binh lữ đoàn 83 công binh hải quân đã từng lên khảo sát Chữ Thập năm 1987 cho biết: Bãi có chiều dài tính theo trục đông bắc – tây nam là 14 hải lý, chiều rộng khoảng 4 hải lý với tổng diện tích khoảng 110 km². Trừ tảng đá cao 1 m nổi lên ở phần đuôi phía tây nam thì nhìn chung đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên.

Quá trình quân sự hóa, xây dựng đảo nhân tạo trái phép đá Chữ Thập của TQ

Sau khi chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập, từ cuối tháng 2/1988, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7/1988. Tại căn cứ này, Trung Quốc đã xây dựng 1 tòa nhà bê tông dài hơn 60m. Trên đó có nhiều ăng-ten, gồm ăng-ten radar thu phát sóng cao tần và giữa 2010, Trung Quốc phủ sóng mạng điện thoại tại đây…

Từ cuối 2013 đầu 2014, phía Trung Quốc tập trung tối đa người, phương tiện để cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa.Tính đến tháng 8/2019, đảo nhân tạo đã có diện tích khoảng 290,3 ha với chiều dài khoảng 3.750 m (rộng nhất 1.100 m, hẹp nhất 60 m) và hồ nhân tạo ở phía Đông Bắc diện tích khoảng 52 ha với luồng dẫn vào dài khoảng 700 m, rộng 270 + 300 m.

Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường băng… Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như: tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không – đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2.

Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn… Do là căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất ở Trường Sa nên phía Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống, phương tiện bảo vệ. Các tàu thuyền nào vào gần đá Chữ Thập 12 hải lý đều bị xua đuổi, ngăn cản quyết liệt. Gần đây nhất, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai máy bay tuần tra Y-8X ra đồn trú trên Đá Chữ Thập.

Hành động của TQ bị dư luận lên án mạnh mẽ

Ngày 6/11/2014, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/4/2015, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tiếp tục khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở các đảo, đá thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nêu trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Ngày 28/4/2015, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 ra tuyên bố chia sẻ lo ngại sâu sắc của các lãnh đạo ASEAN về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông; khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, lo ngại Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp và tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để khẳng định yêu sách chủ quyền.

Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM), ngày 06/08/2015, tuyên bố “ghi nhận lo ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”. Thông cáo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ các điều khoản của DOC, xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế đối với các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp; không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Thông cáo chung cũng nêu rõ các bên trông đợi việc thực hiện hiệu quả các biện pháp đã được nhất trí nhằm tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau cũng như tạo một môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới