Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTranh chấp Biển Đông: Các bên cần gia tăng đối thoại, trao...

Tranh chấp Biển Đông: Các bên cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với thực hiện tốt DOC, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982

Các nhà ngoại giao và chuyên gia kỳ cựu cho rằng chặng đường để ASEAN có được một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các bên cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với đó phải thực hiện tốt Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Đối với nước Chủ tịch ASEAN hiện nay là Việt Nam, chủ trương đối ngoại chung luôn là độc lập tự chủ, làm bạn với các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Việt Nam mong muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng và các nước lớn, các nước trong khu vực. Việt Nam tính đến lợi ích của mình để phát triển quan hệ với các đối tác nhưng đồng thời trên cơ sở quan hệ có đi có lại và lợi ích song trùng. Trong chính sách chung đó, Việt Nam muốn hợp tác tốt và xây dựng trong môi trường hòa bình, ổn định chung. Việt Nam cũng mong muốn ASEAN có mối quan hệ hợp tác tốt với các nước lớn, các nước khác. ASEAN cần phải dựa trên nguyên tắc là lấy lợi ích của khu vực, lợi ích của ASEAN để phát triển quan hệ với tất cả các nước đối tác.

Trong vấn đề Biển Đông, từng nước ASEAN có thể có lợi ích khác nhau, do vậy, do đó cần có những bàn bạc giữa các nước, lấy lợi ích chung để đi tới đồng thuận. Tinh thần này thể hiện rõ nhất là trong tuyên bố 6 điểm của ASEAN năm 2012 với nội dung ASEAN mong muốn khu vực hòa bình, ổn định, bao gồm cả an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là khu vực địa chiến lược rất quan trọng và ai cũng có lợi ích. Có mấy khía cạnh cần nhấn mạnh là Biển Đông có tranh chấp, chồng lấn đòi hỏi chủ quyền, do đó đương nhiên, việc giải quyết là giữa các bên tranh chấp với nhau. Nếu vì tranh chấp mà bên nào ứng xử vi phạm luật pháp quốc tế, làm căng thẳng thêm tình hình, thì đã ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và trở thành câu chuyện của ASEAN, các nước. Và như vậy, ASEAN, các nước phải có tiếng nói.

Các chuyên gia cho rằng khi có tranh chấp phức tạp, thì các bên càng cần phải vừa bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; vừa tuân thủ cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đồng thời thúc đẩy đối thoại xây dựng lòng tin, không để những tình huống phức tạp xảy ra. Khi các bên cùng nhau tham vấn để xây dựng COC thì vẫn phải thực hiện tốt các điều trên cũng như DOC. Theo giới chuyên gia, COC phải là công cụ tốt hơn để quản trị hành vi và rủi ro, đó mới là mong mỏi chung. Như vậy, COC phải dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, các nguyên tắc đã được đề ra trong DOC; đồng thời đúc kết từ bài học và tình hình thực hiện DOC của gần hai thập kỷ qua, để từ đó có thể quản trị tốt hơn các hành vi và những rủi ro, tránh phức tạp nảy sinh. Một COC đáp ứng được điều đó mới là một COC thực chất, hiệu quả.

Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, trước hết cần nhấn mạnh việc không làm phức tạp tình hình và sau đó là việc xây dựng lòng tin và bảo đảm thực hiện, tuân thủ cam kết và luật pháp quốc tế. DOC có Điều 5 nhấn rất mạnh về việc kiềm chế, không làm phức tạp tình hình. Phải có ổn định, lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, thì mới có thể đàm phán COC hiệu quả. Nếu bên nào có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, làm trái với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thì rõ ràng đó là câu chuyện đặt ra với hòa bình, an ninh khu vực. Vừa qua, vẫn có các hành vi xâm phạm như vậy, bao gồm cả việc xâm phạm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. ASEAN đã nêu nhiều về các nguyên tắc kể trên, trong các văn kiện, bao gồm các văn bản của ASEAN về các thành tố về COC năm 2012. Với những vấn đề này, ASEAN cần phải tiếp tục có tiếng nói.

Biển Đông gắn với hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, với phát triển khu vực và lợi ích của các nước. Nhất trí chung là như vậy, cũng như về các nguyên tắc đối với COC, nhưng đây tiếp tục là một vấn đề khó của ASEAN và khu vực, không phải lúc nào các nước cũng chung quan điểm. COC là nhằm quản trị hành vi và rủi ro, do vậy, cần phải dựa vào các nguyên tắc, lợi ích chung để bàn bạc, có tiếng nói, từ đó thể hiện được vai trò trung tâm của ASEAN. Chặng đường để có được một COC khi càng còn nhiều khó khăn, thì càng cần gia tăng đối thoại, trao đổi, song song với kiềm chế, xây dựng lòng tin và nhất là càng cần phải thực hiện tốt DOC, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chắc chắn phải tiếp tục cùng ASEAN, các nước quan tâm và nhấn mạnh về Biển Đông, về hòa bình, ổn đinh, an ninh, an toàn, tự do hàng hải gắn với môi trường hòa bình và phát triển chung của khu vực. Thúc đẩy vấn đề Biển Đông là lợi ích chung, quan tâm chung lâu nay của ASEAN, khu vực. Một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, trong đó nhấn tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, DOC sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới