Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tiếp tục có hành vi “xâm lược” Việt Nam: Ngang ngược...

TQ tiếp tục có hành vi “xâm lược” Việt Nam: Ngang ngược lập chính quyền quản lý trái phép Hoàng Sa, Trường Sa

Cục Dân Chính Trung Quốc (18/4) ngang ngược thông báo Quốc vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn (trái phép) quyết định thành lập 02 Khu quản lý biển, trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp

Theo thông báo trên, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa” – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ngang ngược cho biết, huyện đảo Tây Sa sẽ “quản lý” toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trung Sa; trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Huyện đảo Nam Sa sẽ “quản lý” toàn bộ quần đảo Trường Sa và trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc liên tục trích dẫn thông báo trên, còn khẳng định ngoài việc quản lý các đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, “chính quyền Tây Sa và Nam Sa sẽ quản lý luôn các vùng biển xung quanh”; cho biết “hiện có khoảng 1.800 cư dân sinh sống ở Tam Sa”.

Đây là động thái mới nhất của chính phủ Trung Quốc gây phức tạp tình hình trên Biển Đông. Trung Quốc đã ngang nhiên khánh thành 2 “trạm nghiên cứu” trên đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu hải cảnh của Trung Quốc đầu tháng 4 còn có có hành động đâm chìm tàu QNg 90617 TS chở 8 ngư dân Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa.

Trước đó, trong năm 2012, Trung Quốc liên tục có các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Theo đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định thành lập “Tam Sa” tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép; Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”; Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập Bộ chỉ huy quân đồn trú tại “Tam Sa”. Không những vậy, Trung Quốc (21/7/2012) tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm thị trưởng.

Được biết, Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Namtừ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc xây dựng tại đá Chữ Thập trung tâm liên lạc lớn nhất trong vùng với phần góc Đông Bắc của đá này được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa. Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động dân sự hóa trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống liên lạc giữa đảo với đất liền. Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile (7/9/2015), tuyên bố đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 23/7/2018, Cục quản lý Bưu chính tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố chính thức khai trương dịch vụ chuyển phát nhanh tới “thành phố Tam Sa” qua đường hàng không và dự kiến sẽ nâng tần suất vận chuyển hàng hóa đến đảo Phú Lâm từ 01 chuyến bay/tuần lên ít nhất 01 chuyến bay/ngày.

Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng và đưa vào sử dụng các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật. Trung Quốc (30/7/2018) khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp “Ty Nam” lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khai trương và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim Ngân Long trên đảo Phú Lâm.

Bắc Kinh vận hành trái phép mạng lưới điện cỡ nhỏ phục vụ mục đích dân sự và quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm nhằm cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo ở Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, mạng lưới điện phi pháp này tăng khả năng cung cấp điện trên đảo, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam với các đảo ở Biển Đông.

Trung Quốc đưa vào sử dụng phi pháp một số sân bay trên Biển Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc đã kheo khoang nước này sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Bắc Kinh đơn phương lập ra trái phép) trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực. Để đưa sân bay, tàu thuyền đi vào hoạt động dễ dàng, Bắc Kinh đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm, có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi khác.

Trung Quốc đã xây dựng và vận hành khoảng 5 ngọn hải đăng trên các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông. “Chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (21/10/2015) ngang ngược tuyên bố việc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Hải Sâm và đảo Duy Mộng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hoàn thành thuận lợi và bắt đầu đưa vào sử dụng. Báo chí và quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng, hải đăng là cột mốc hàng hải cố định, “có thể hướng dẫn tàu thuyền di chuyển hoặc tránh những khu vực nguy hiểm, thuận tiện lưu thông hàng hải và phục vụ cho nhu cầu của ngư dân trên các đảo”.

Bắc Kinh cũng ngang nhiên xây dựng, đưa vào sử dụng “Đồn giam giữ và Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa”. Trung Quốc (25/7/2015) tiến hành xây dựng trái phép công trình Đồn giam giữ và Trung tâm phòng ngự liên hợp cho “thành phố Tam Sa”. Công trình Đồn giam giữ được xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 1.498 m2, sau khi xây dựng xong có thể tạm giam cùng lúc 56 người. Chính quyền Tam Sa ngang nhiên nói rằng sẽ sử dụng Đồn giam giữ này để “xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa”. Giới chức “thành phố Tam Sa” loan tin Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho “thành phố Tam Sa” tại các vùng biển, nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, ngày 23/7/2015, Trung tâm bảo đảm hàng hải Nam Hải thuộc Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cho biết đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng ha cọc tiêu dẫn hướng tạm thời tại cầu tàu tổng hợp đảo Phú Lâm. Bắc Kinh cũng tích cực triển khai các xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ ngư dân, binh lính đồn trú trái phép trên Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động phi pháp nhằm “cải thiện đời sống” và phục vụ việc giám sát trong khu vực, cụ thể: Xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim, mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…

Trước những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố lên án, phản đối hành vi trên của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Ngày 24 tháng 7 năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố nêu rõ: Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình trước việc ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và ngày 21/7/2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa.” Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, cản trở nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới