Quá khứ và hiện tại cho thấy Trung Quốc luôn tìm cách lợi dụng thời điểm có những biến động trên thế giới để từng bước lấn tới ở Biển Đông. Ngược lại, Biển Đông trong nhiều thời điểm cũng bị lợi dụng để làm dịu bớt những thách thức nội tại mà Trung Quốc gặp phải.
Lịch sử chứng minh cách hành xử “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc
Những ngày này, dư luận quốc tế đã nhiều lần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) để đẩy nhanh mục tiêu “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành xử theo cách “thừa nước đục thả câu”.
Lịch sử tranh chấp ở Biển Đông cho thấy rõ điều đó. Năm 1956, lợi dụng việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và buộc phải ký hiệp định Geneve rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã bí mật đưa quân ra chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm hiện được Trung Quốc coi là thủ phủ của cái họ gọi là thành phố Tam Sa.
Năm 1974, lợi dụng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris và quân đội chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Trước năm 1988, Trung Quốc không hề có một miếng đất nào ở Trường Sa. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến 1988, Trung Quốc thường xuyên cho tàu cá có vũ trang và tàu trinh sát khảo sát quần đảo Trường Sa. Lợi dụng khó khăn của Việt Nam phải đối mặt với các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, tháng 3-1988, Trung Quốc đưa quân chiếm một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Trước sự lo ngại của dư luận các nước, năm 2015, Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch quân sự hóa các đảo này. Thế nhưng trên thực tế, lợi dụng các nước lớn tập trung vào vấn đề nội bộ, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, biến nơi đây thành các cơ sở quân sự với sự có mặt của máy bay ném bom, tên lửa đất đối không, các trạm radar…
Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương nhận định: “Nếu như các nước phương Tây, cụ thể là Liên minh châu Âu và Mỹ bị sa lầy trong các vấn đề nội bộ, bị phân tán sức lực, không thể can thiệp vào câu chuyện ở Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ tìm thế chủ động và tiến nhanh hơn. Và bây giờ chúng tôi thấy mọi việc diễn ra đúng như vậy”.
Không những thế, các chuyên gia phân tích còn cho rằng, Trung Quốc thậm chí đang lợi dụng việc làm “nóng” vấn đề Biển Đông để hút sự chú ý của dư luận nhằm làm dịu bớt sự chỉ trích cả trong và ngoài nước về những chậm trễ cũng như thiếu minh bạch trong việc đối phó với Covid-19.
Không thể mơ hồ với âm mưu nhất quán “độc chiếm Biển Đông”
Những diễn biến mới nhất ở Biển Đông một lần nữa làm rõ thêm tham vọng của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Những hành động đó phải bị lên án và ngăn chặn, bởi nếu không, nó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Việc Trung Quốc sẵn sàng lợi dụng cả đại dịch Covid-19 để gây căng thẳng ở Biển Đông cho thấy âm mưu “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc là nhất quán và đây là điều không ai có thể mơ hồ. Chiến thuật của Trung Quốc là từng bước biến thứ không phải của mình thành thứ tranh chấp, rồi biến thứ tranh chấp thành của riêng mình. Để đối phó, chúng ta phải thường xuyên cảnh giác. Trong đấu tranh, quan điểm của chúng ta là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Muốn làm được việc đó, điều quan trọng đầu tiên là phải nắm bắt kịp thời mọi động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ đó, chúng ta mới có thể chủ động lên tiếng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc. Việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động phi pháp của Trung Quốc và cũng như các luận điểm mới của Bắc Kinh sẽ giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết về hoạt động bất hợp pháp và âm mưu lâu dài của Trung Quốc, cũng như những hoạt động đấu tranh của Việt Nam.
Thế mạnh của Việt Nam là tính chính nghĩa. Vì thế, khi chủ động truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới, công khai trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế. Một khi thế giới đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ, Việt Nam còn có thể tận dụng nhiều diễn đàn đa phương, từ Hội nghị cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF)… để thúc đẩy thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông”.