Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhà báo TQ lãnh án 15 năm tù vì ‘nói xấu’ chính...

Nhà báo TQ lãnh án 15 năm tù vì ‘nói xấu’ chính quyền

Ông Trần Kiệt Nhân (Chen Jieren), cựu phóng viên của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 30/4 đã bị tòa án ở tỉnh Hồ Nam kết án 15 năm tù và bị phạt gần 1 triệu USD vì lên tiếng chỉ trích chế độ cầm quyền.

Theo Breitbart, ông Trần đã bị bắt vào ngày 4 /7/2018, cùng với vợ cũ và hai người họ hàng, nguyên nhân bề mặt là bị nghi ngờ điều hành một doanh nghiệp bất hợp pháp và có âm mưu tống tiền. Tuy nhiên, Breitbart cho rằng, lý do thực sự khiến ông Trần bị bắt là vì ông đã điều tra việc gian lận và tham nhũng của các quan chức ở tỉnh Hồ Nam, trong đó có cả một bí thư cấp thành phố. Chính quyền đã xóa các bài báo và blog của ông Trần sau khi ông bị bắt.

Tòa án Nhân dân thành phố Quý Dương, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố được đăng trên Internet rằng, ông Trần bị kết án vì đã “công kích, gây rối loạn, tống tiền và làm ăn bất chính, tham ô“ .

Tuyên bố cũng cho biết, các bài viết của ông Trần “đã tấn công và phỉ báng đảng Cộng sản và chính phủ”, bằng cách truyền bá “thông tin sai lệch và suy đoán đầy ác ý”. Ông Weiren, em trai của ông Trần, đã bị kết tội tham gia tống tiền, “kích động”, và phải nộp phạt khoảng 1.400 USD.

Cũng theo tuyên bố của tòa án, ông Trần cùng vợ và ba người khác bị coi là phần tử của “thế lực tà ác”, đã tích lũy trái phép 7,3 triệu nhân dân tệ (1 triệu USD) từ các hoạt động của họ.

Sau khi ông Trần bị bắt, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), ngay lập tức kêu gọi thả ông Trần, lưu ý rằng ông Trần trước đây từng bị sa thải khỏi các cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc vì đã “chỉ trích chính phủ quá nhiều”.

Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders – CHRD) có trụ sở tại Hồng Kông cho biết ông Trần đã không được xét xử công bằng.

Ông Trần và một số thành viên trong gia đình cùng các cộng sự đã biến mất vài ngày sau khi ông tiết lộ trên các kênh truyền thông xã hội của mình rằng ông bị các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc tham nhũng vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2018. Việc ông bị giam giữ được xác nhận vào ngày 7/7/2018. Vào ngày 16/7/2018, Ủy ban giám sát thành phố Sâm Châu (Chenzhou) nói với luật sư của ông Trần rằng hai anh em ông đang bị điều tra và bị giam giữ tại một hệ thống giám sát dân cư tại những địa điểm được chỉ định. Chính quyền đã từ chối cho các luật sư vào thăm anh em ông Trần. Vào ngày 12/11/2018, ông Trần bị giam giữ hình sự và chính thức bị bắt vào ngày 20/11/2018.

Vào tháng 8/2018, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát động một chiến dịch bôi nhọ, cáo buộc ông Trần với nhiều tội ác khác nhau, và dẫn lời cảnh sát nói rằng bài đăng trực tuyến của ông “đã phá hoại danh tiếng của đảng và chính phủ, đồng thời làm tổn hại uy tín của chính phủ”. Truyền thông nhà nước đã công bố “lời thú nhận” của ông Trần trong khi ông đang bị giam giữ tại một địa điểm bí mật trong hệ thống giám sát dân cư tại những địa điểm được chỉ định.

Tờ AFP bình luận, bản án dành cho ông Trần Kiệt Nhân là một trong những động thái khắc nghiệt nhất của chính quyền Trung Quốc chống lại sự tự do ngôn luận dưới thời ông Tập Cận Bình.

Việc kết án ông Trần diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi các nhà chức trách ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát của dịch Covid-19, khiển trách những người đầu tiên cảnh báo công chúng về virus corona, làm tăng thêm nghi ngờ rằng chính sự bưng bít thông tin của Bắc Kinh đã gây ra đại dịch toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cũng kiểm soát các nhà báo công dân Trung Quốc đưa tin về dịch bệnh.

Nhà tài phiệt Trung Quốc Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) hồi tháng 3 đã bị bắt giữ sau khi công khai chỉ trích phản ứng của ông Tập Cận Bình với dịch Covid-19.

Theo Daily Mail, ba nhà hoạt động trực tuyến tại Bắc Kinh là Chen Mei, Cai Wei và bạn gái của Cai đã biến mất vào ngày 19/4 và được cho là bị cảnh sát bắt giữ vì liên quan đến một kho lưu trữ trực tuyến những tin tức bị kiểm duyệt về Covid-19, một người thân của các nhà hoạt động trong tuần này cho biết.

Theo báo cáo năm 2020 về chỉ số Tự do báo chí thế giới của tổ chức Phóng Viên Không Biên giới, Trung Quốc nằm ở nhóm thấp nhất, xếp thứ 177/180.

RELATED ARTICLES

Tin mới