Saturday, April 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMột số giải pháp cho kinh tế Việt Nam mùa dịch Covid-19

Một số giải pháp cho kinh tế Việt Nam mùa dịch Covid-19

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Đây là lần đầu tiên cả thế giới, không phân biệt giàu hay nghèo, đen hay trắng, lớn hay nhỏ, đều bị một tai họa lớn như vậy, ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp, mọi ngành, mọi nơi.

Một số các quốc gia đã và đang đưa ra các biện pháp và chính sách quyết liệt về kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế.

Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức… và gần đây nhất là Liên hiệp châu Âu đã tung ra hàng trăm tỷ USD cứu trợ kinh tế.

Thế nhưng, theo chúng tôi quan sát, dư luận đang tập trung phần lớn mọi sự chú ý cho đến nay vào các nước phát triển hơn là các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà có lẽ ảnh hưởng kinh tế của nạn dịch sẽ lớn hơn vì tài lực còn nhiều hạn chế.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là ngăn chặn COVID-19 đừng lây ra. So sánh với sự suy thoái thông thường của một nền kinh tế, ảnh hưởng về kinh tế của COVID-19 mạnh hơn và gây xáo trộn nhiều hơn, nhưng trong một thời gian ngắn hơn.

Do đó, mục tiêu chính của chính sách hiện nay là phải thực hiện các biện pháp y tế, đồng thời làm giảm thiểu các ảnh hưởng xã hội của đại dịch và duy trì năng lực của nền kinh tế hầu có thể phục hồi những hoạt động sản xuất như bình thường trong cơ hội sớm nhất.

Xin nhắc rằng những chính sách này khác với những chính sách truyền thống để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái (recession).

  Đại dịch virus corona khi nào mới hết?

Bài viết này chỉ bàn về một khung chính sách để đối phó với COVID-19 trong ngắn hạn và trung hạn.

Trước hết, chúng tôi xin trình bày một số biện pháp hiện đang được thực hiện bởi các nước đang phát triển khác.

Kinh nghiệm các nước đối với coronavirus cho đến nay đã cho thấy cách tốt nhất để ngăn chận dịch là hạn chế sự tiếp xúc của con người, kênh chính mà virus lây lan. Do đó, Việt Nam đang có những biện pháp đúng bằng cách đóng cửa các trường học và cửa hàng, thực hành cách ly xã hội (social distancing), đình chỉ các chuyến bay quốc tế và cách ly những người mới đến bao gồm cả người nước ngoài và cả công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài để ngăn chặn virus lây lan.

Các biện pháp này là hợp lý bởi vì hiện tại không có phương pháp điều trị COVID-19 đã được khoa học xác định và cũng không có thuốc chủng ngừa vắc-xin nào đã được phát minh. Mục tiêu của các biện pháp cách ly xã hội là để san phẳng đường cong nhiểm bệnh –flattening the curve–hầu các bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc sức khỏe có đủ khà năng đáp ứng, theo thời gian, tất cả các bệnh nhân cần điều trị. Một khi có nhiều xét nghiệm hơn và do đó sự phổ biến của virus được biết đến nhiều hơn, có thể các chính sách cách ly xã hội này có thể phải được tăng cường và cần phải được thực hiện để ngăn chận COVID-19.

Những tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là về du lịch, thương mại và FDI cũng như về sản xuất vì các chuổi cung ứng, rất là lớn. Ngành du lịch tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ giảm 2,7 tỷ đô la cho mỗi tháng của cuộc khủng hoảng.

Do đó, có nguy cơ cao là chi phí kinh tế quá khủng khiếp khi tiếp tục những chính sách sách cách ly xã hội này trong một nước còn nghèo, sẽ dễ làm một quốc gia từ bỏ những nỗ lực ấy.

Tuy nhiên, kết quả này phải được ngăn chặn bằng mọi giá vì sự tồn tại của virus sẽ khiến đại dịch quay trở lại và gây ra thiệt hại lần thứ hai càng tồi tệ hơn. Trường hợp của Singapore phải ‘lockdown’ chặt hơn lần hai sau khi dịch bùng phát trở lại là một ví dụ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Y tế đi cùng kinh tế

Covid-19 mang lại các chi phí trực tiếp và nặng nề cho một quốc gia bao gồm tử vong, các căn bệnh nặng hơn và chi phí lớn về phòng ngừa và điều trị trong ngành y tế. Việc thực hiện các biện pháp liên quan đến sức khỏe cần thiết ở trên về cách ly xã hội cũng mang lại một chi phí rất lớn cho nền kinh tế.

Chi phí này liên quan đến việc giảm tốc các hoạt động kinh tế (chứ không phải là tăng tốc như các biện pháp kinh tế thường làm trong thời kỳ suy thoái). Chi phí giảm tốc bao gồm đóng cửa các trường học và doanh nghiệp, ngừng hoạt động đi lại, vận chuyển, dịch vụ của chính phủ và quan trọng là chi phí của những người lao động thất nghiệp.

Các nước lớn như Mỹ và Đức đã để dành các gói chính sách lên tới 10 – 15% GDP để giúp đáp ứng chi phí đại dịch. Các nước đang phát triển không có điều kiện để làm vậy nhưng cũng phải chuẩn bị để đáp ứng chi phí 2-3% GDP. Một con số nhiều người đang dùng là từ 1-2% GDP cho mỗi tháng bị cách ly.

Đối với Việt Nam, con số này tương đương với 2,6 cho tới 5 tỷ đô la. Một phần chi phí này cho nền kinh tế phải được chính phủ gánh vác, dù là nguồn lực có hạn của một nước có thu nhập trung bình mức thấp.

Trong hoàn cảnh bình thường và do tính chất ngoại sinh của đại dịch này, các nước đang phát triển nên kiếm tài trợ từ Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngân hàng Thế giới hiện đang hoàn thiện một quỹ 160 tỷ đô la để giúp các nước nghèo đối phó với COVID-19. IMF cũng nói tới con số 1,000 tỷ đô la.

Tuy nhiên, do tính chất toàn cầu của đại dịch này và các nguồn tài lực của các cơ quan quốc tế cũng bị hạn chế sau khi các nước phát triển chính họ phải tự lo đối phó với nạn dịch, có khả năng các cơ quan này sẽ không đủ tài lực để giúp tất cả mọi nước so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Do đó, các nước đang phát triển nên chuẩn bị dựa thêm vào nỗ lực của chính mình.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Các thị trường tài chính rất nhạy cảm vì biến động

Những biện pháp trước mắt

Xin điểm ra các biện pháp nhiều nước đang phát triển vừa đem vào áp dụng hoặc sắp thực hiện mà Việt Nam có thể làm theo, về chính sách tiền tệ và đầu tư:

• Rà soát chương trình đầu tư công để chuyển tiền đầu tư công qua chi tiêu thường xuyên bao gồm cả bảng lương.

• Các nước nhập khẩu năng lượng dùng khoản tiết kiệm từ giá dầu quốc tế đang giảm để hạn chế khủng hoảng.

• Xin vay từ quỹ coronavirus có trị giá 160 tỷ USD từ World Bank hay quỹ mới của IMF

• Phát hành trái phiếu hoặc giấy nợ của ngân hàng trung ương để tài trợ cho nhu cầu ngân quỹ.

• Chính phủ trung ương có thể yêu cầu hạn mức tín dụng từ ngân hàng trung ương 5% doanh thu thuế năm ngoái.

• Lập quỹ đặc biệt để đối phó với khủng hoảng, với khoản tài trợ trung bình 3-4% GDP (một phần ba từ ngân sách và phần còn lại từ các công ty công và tư nhân)

• Kêu gọi cộng đồng di dân nước ngoài đóng góp vào quỹ đặc biệt, bằng cách phát hành trái phiếu diaspora, với lãi suất tượng trưng.

• Bên trong nước, đẩy nhanh hoàn trả tiền nợ cho các công ty và tạm hoãn thanh toán tiền điện, nước cho doanh nghiệp

Nhìn chung, một khi chính phủ thực hiện các biện pháp này, điều quan trọng là phải đảm bảo chương trình hỗ trợ đặc biệt này dựa trên các tiêu chí minh bạch và khách quan, tuân theo tiêu chuẩn quản trị cao nhất, không phải vì nhu cầu của “lợi ích nhóm”.

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Ba phần tư số người lao động trên thế giới phải đối mặt với việc chỗ làm đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, LHQ nói

Để đạt được điều đó, phải sẽ cần có một cơ quan đặc biệt bao gồm một Kế toán viên tổng hợp đặc biệt để giám sát hoạt động và để đảm bảo không có rò rỉ.

Ngoài ra, cần phải có các báo cáo thường trực để theo dõi tiến bộ của cơ quan này trong suốt thời gian làm việc và sau đó để hỗ trợ kỹ thuật liên tục cho các công ty sản xuất các sản phẩm y tế và các sản phẩm khác.

Nhìn vào tình hình riêng của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy với các nguồn tài lực khan hiếm,tương tự như ở các nước đang phát triển khác, câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể tìm được nguồn tài trợ.

Như các ví dụ nêu trên, kinh phí chỉ có thể đến từ hai nguồn: trong nước và bên ngoài.

Về phía trong nước, để tỏ ra nghiêm túc về tinh thần giải quyết khủng hoảng, chính phủ cần rà soát lại chương trình đầu tư công để tìm tiền cho công cuộc chống virus corona và cứu nền kinh tế.

Ví dụ Việt Nam cần ngay lập tức tạm đình hoãn những chi tiêu đầu tư vào những dự án chưa cần thiết như xây cất trụ sở hành chính, các công trình kỷ niệm, tượng đài, các khu giải trí, khu công nghiệp, hải cảng.

Chính phủ cũng nên huy động mọi nguồn lực từ xã hội kể cả các cơ quan từ thiện và tôn giáo và từ cộng đồng hải ngoại vốn có mặt đông đảo ở các nước phát triển cao.

Về phía bên ngoài, hỗ trợ có thể đến từ các nguồn song phương và / hoặc đa phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như đề cập trên đây.

Việc này phải làm ngay trước khi các quốc gia khác đã nôp đơn xin vay hết số tiền được các cơ quan này trích ra. Tin mới nhất cho hay Việt Nam muốn vay một tỷ USD – khoản tiền hoàn toàn không lớn so với nhu cầu.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Dịch vụ xe buýt Hà Nội ‘nằm nghỉ’ trong thời gian ‘cách ly toàn xã hội’

Chuẩn bị cho chính sách vĩ mô

Các gói chính sách để đối phó với COVID-19 phải lớn đủ để phù hợp với mức độ nghiêm trọng của vấn đề và để đối phó với hai giai đoạn khác nhau của tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách riêng biệt và tuần tự.

Trong giai đoạn đầu tiên, cần chấp nhận rằng sản lượng trong nước sẽ giảm mạnh do cả nguồn cung và nhu cầu cắt giảm. Từ phía cung, các doanh nghiệp, trường học, văn phòng chính phủ, dịch vụ vận tải sẽ bị đóng cửa vì mọi người đang thực hành cách ly xã hội. Ngay cả trong thời chiến, cú sốc cũng không nghiêm trọng như vậy.

Từ phía cầu, ngoại trừ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nơi ở…hầu hết nhu cầu trong nước và bên ngoài sẽ bị cắt giảm. Sau khi đại dịch giảm, giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ được đánh dấu bằng cú sốc về cung và cầu tích cực dẫn đến sự phục hồi kinh tế. Sa thải lao động ở mọi tầng lớp và mất sản xuất là kết quả không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế, nhưng thời gian và quy mô của chúng sẽ xoay quanh phản ứng cứu trợ của chính phủ.

Chính phủ cần xác định những gì họ có thể làm để bảo vệ các công ty sản xuất trong giai đoạn một và đẩy nhanh quá trình phục hồi của họ trong giai đoạn hai của suy thoái kinh tế COVID-19.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Italy đang phải vật lộn với khoản nợ khổng lồ nước này đã có từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19

Chính sách tài khóa: Không giống như những gì chính phủ thường làm trong thời kỳ suy thoái, đó là kích thích tổng cầu, mục tiêu của chính sách tài khóa trong đại dịch hiện tại là giảm thiểu tác động bất lợi do giảm tốc các hoạt động kinh tế.

Cho đến nay, các cơ quan tài chính ở một số quốc gia đã ban hành các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của họ, đặc biệt là giúp đỡ các ngành và công nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vụ dịch. Phản ứng tài chính ở một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Singapore, cho đến nay vẫn tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này, ví dụ như thay đổi cơ cấu của các khoản vay, cắt giảm thuế hoặc đào tạo công nhân lại.

Riêng gói tài chánh CARES của Mỹ, lớn nhất trong lịch sử nước này (10% of GDP) hổ trợ toàn diện nền kinh tế, gồm cá nhân và các hộ gia đình, tăng trợ cấp thất nghiệp, cho vay các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn như các hãng hàng không, và thậm chí các thành phố và tiểu bang, trợ cấp cho bệnh viện, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp để nhân viên ở nhà, tem thực phẩm và dinh dưỡng trẻ em, nông dân và trường học, v.v.

Việt Nam sẽ không có đủ nguồn lực để trả lương cho công nhân ở nhà trong thời gian cách ly xã hội như các nước phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới trợ cấp xã hội hiện có để bao gồm thêm cả những người lao động bị sa thải, ít nhất là ở khu vực thành thị – nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và một số nhu yếu phẩm.

Chính sách tiền tệ: Mục tiêu của chính sách tiền tệ trong giai đoạn này là cung cấp các dòng tín dụng đầy đủ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình và đảm bảo chính phủ có đầy đủ các công cụ tài chính để huy động các nguồn tài lực. Đây cũng là lúc chính sách tiền tệ có thể làm dễ dàng. Tất cả các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đã hạ lãi suất xuống 0 (hoặc thấp hơn) và cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Âu Châu đều đẩy mạnh tốc độ mua assets của họ. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã đặc biệt tích cực trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để chống lại tác động kinh tế của đại dịch coronavirus. Fed đã hạ lãi suất Federal Fund, công bố một đợt nới lỏng định lượng (QE) mới và khuyến khích sử dụng các cửa sổ chiết khấu nơi các ngân hàng có thể vay tiền từ Fed. Fed cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho thị trường commercial paper –thị trường tài trợ chính được các công ty sử dụng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Ngoài ra Fed sẽ triển khai một Cơ sở tín dụng quan trọng mới để cho phép các ngân hàng truy cập tài trợ để mua và nắm giữ chứng khoán bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp.

Chính sách tỷ giá hối đoái: Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình có thể gặp vấn đề về tỷ giá nếu chế độ tỷ giá hối đoái của họ không mềm dẻo và trong bối cảnh xuất khẩu giảm và đồng đô la tăng. Tất nhiên, áp lực lên cán cân mậu dịch có bớt đi một chút do nhập khẩu bị cắt giảm, bao gồm cả sự sụt giảm trong nhập khẩu xăng dầu do giá dầu giảm gần đây (ngược lại các nhà xuất khẩu dầu sẽ phải đối mặt với vấn đề xuất khẩu nghiêm trọng), vì vậy kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia. Nhưng nhìn chung, phần lớn các quốc gia đều phải chịu áp lực gia tăng trên cán cân mậu dịch của họ.

Chính sách cấu trúc và ngành: Mặc dù đại dịch có bản chất tương đối ngắn hạn, đây là lúc Việt Nam nên cần có các chính sách cấu trúc để tận dụng cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất, nên tận dụng cơ hội này để rò soát lại các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình hầu tránh quá lệ thuộc vào tay nghề cao hoặc các nguồn đầu vào của các nước khác.

Bộ Công thương và các bộ lo về công nghệ, kỹ thuật và nguồn lao động phải lập ra một chương trình để tay nghề Việt Nam có thể thay thế tay nghề ngoại quốc trong một vài năm và chuyển những khâu có giá trị gia tăng cao hoặc có liên kết ngược-backward linkages- lớn qua cho công nhân Việt Nam làm.

Thứ hai, chính phủ có thể thực hiện một vài can thiệp đơn giản trong thời gian ngắn (3-6 tháng tới) cũng như các biện pháp toàn diện hơn cho trung hạn (6 tháng một năm 2 năm).

Trọng tâm của các chính sách này nên tập trung vào công nhân trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Các mục tiêu ưu tiên là để: i) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công nhân hiện có trong lĩnh vực sản xuất trong cuộc khủng hoảng, không chỉ vì lý do xã hội, mà còn để đảm bảo sản lượng sản xuất hầu họ có thể quay trở lại mức làm như trước khi có cơ hội sớm nhất ; và ii) xoay các guồng máy sản xuất, lúc đầu là để thay thế nhập khẩu và sau đó là xúc tiến xuất khẩu trong các sản phẩm cụ thể cần thiết cho cuộc khủng hoảng như thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE, như áo choàng và khẩu trang N95), cũng như các sản phẩm mới được sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn theo như điểm thứ nhất đã trình bày ở trên.

Tóm lại, trước khủng hoảng COVID-19 có thể còn kéo dài, tất cả các quốc gia đều đang tung ra các biện pháp y tế, phòng dịch, chữa trị bệnh nhân, và kinh tế – tài chính, cả về ngắn hạn, và dài hạn.

Việt Nam không thể không làm theo những ví dụ nêu trên, tất nhiên có điều chỉnh tùy vào nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong nước nhằm từng bước xây dựng một chiến lược kinh tế mới, hậu dịch virus corona.

Trong phần tiếp theo của loạt bài này, được BBC News Tiếng Việt nhận đăng, chúng tôi sẽ trình bày một chương trình chi tiết về các chính sách cụ thể hơn cho công nghệ, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu và tài chính mà chính phủ Việt Nam có thể tham khảo.

RELATED ARTICLES

Tin mới