Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình ngày càng trắc trở

“Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình ngày càng trắc trở

Sau khi trở thành ông chủ của Trung Nam Hải, với sự tập trung quyền lực cao độ trong tay, ông Tập Cận Bình đã đưa ra “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường và “trung tâm” của thế giới. Nhằm triển khai “Giấc mộng Trung Hoa”, chính ông Tập Cận Bình đã đề ra sáng kiến “vành đai, con đường” và “con đường tơ lụa trên biển” để xây dựng cường quốc biển, tăng cường sự hiện diện, mở rộng ảnh hưởng ở khắp mọi nơi từ Châu Âu, Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Phi cho đến Nam cực.

Để thực hiện tham vọng đó, một mặt Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch truyền thông tạo dựng hình ảnh của một “Trung Quốc phát triển vì hòa bình”; mặt khác họ đẩy mạnh các hoạt động xâm nhập vào các khu vực thông qua “Vành đai, con đường” và đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn trên biển với các nước láng giềng. Với cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh, ban đầu nhiều nước còn tin vào những lời nói của những nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, những hành động hung hăng, hiếu chiến của họ, nhất là ở Biển Đông ngày càng làm lộ rõ bản chất bành trướng, bá quyền Đại Hán của Trung Quốc. Cùng với đó “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình ngày càng khó khăn hơn.

Một là, với ASEAN và các nước láng giềng khu vực, những hành động hung hăng, gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông và Nhật Bản ở biển Hoa Đông hay với Đài Loan ở eo biển Đài Loan đang làm hoen ố hình ảnh giới cầm quyền Bắc Kinh trong con mắt cộng đồng quốc tế. Với những hành động này, dù cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh có mạnh đến đâu hay “trăm phương, nghìn kế” cũng không thể che đậy được bộ mặt thật của Bắc Kinh, cũng không thể vẽ nên được cái gọi là “sự phát triển hòa bình của Trung Quốc” bởi Bắc Kinh đang trở thành mối đe dọa lớn nhất với các nước láng giềng ven Biển Đông, Nhật Bản hay Đài Loan.

Đặc biệt, việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 liên tiếp có các hành động gây hấn ở Biển Đông trong gần 2 tháng qua đã làm thức tỉnh những nước thành viên ASEAN, chắc chắn sẽ khiến ASEAN đoàn kết hơn trên vấn đề Biển Đông, nhất là các nước ven Biển Đông. Điều đáng nhấn mạnh là chính hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc Mỹ phải can dự sâu hơn vào Biển Đông, tăng cường tàu chiến, tàu ngầm và các máy bay chiến lược hoạt động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Điều này rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Hai là, từ đầu năm 2019, Liên minh Châu Âu (EU) đã ý thức được tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, xác định Trung Quốc là một “đối tác” và “đối thủ cạnh tranh” về kinh tế và công nghệ trong “Tầm nhìn chiến lược 2019”. Cùng với đó, EU nhiều lần lên tiếng phê phán những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, thậm chí Anh, Pháp, Đức… còn ra tuyên bố riêng về Biển Đông.

Đại dịch Covid-19 đã khiến EU thực sự thức tỉnh trước những thâm ý của Bắc Kinh. Trong bức thư gửi đến nhiều cơ quan truyền thông thế giới hôm 15/5/2020, ông Josep Borrell-người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu nhận định “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu thay đổi nhanh hơn kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19”.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Liên minh Châu Âu đã gửi 12 tấn trang thiết bị và hỗ trợ 10 triệu euro cho Trung Quốc; Pháp gửi 17 tấn vật tư bảo hộ trên chuyến bay của Air France sang Vũ Hán. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh Châu Âu đã quyên góp tài chính, gửi tặng trang thiết bị bảo hộ y tế cho Trung Quốc. Tất cả sự trợ giúp này được chuyển đến Trung Quốc âm thầm với một vài thông tin ngắn.

Thế nhưng, khi đến lượt Châu Âu trở thành ổ dịch chính, Trung Quốc gửi một ít hàng cứu trợ, nhưng quảng bá đến độ để cả thế giới phải biết. Bắc Kinh đã chính trị hóa viện trợ nhân đạo, lợi dụng đại dịch Covid-19 để quảng bá rùm beng cho hình ảnh của họ. Giống như đã làm với các nước ASEAN, chia rẽ, lôi kéo, gây mất đoàn kết là cách thức mà Bắc Kinh đã làm để phân hóa EU. Mặt khác, Bắc Kinh đã tuồn vào Châu Âu không ít các thiết bị y tế, khẩu trang, bộ kít thử kém chất lượng gây ra tâm lý tẩy chay đồ Trung Quốc.

Bắc Kinh không ngần ngại khai thác sự khác biệt giữa các nước thành viên EU để phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Nếu như với ASEAN, Trung Quốc sử dụng các nước ASEAN lục địa như Campuchia để đánh vào nội bộ thì với EU, Trung Quốc sử dụng nhóm 17 nước Trung và Đông Âu làm quân cờ để chia và trị. Đến lúc này EU càng hiểu rõ thủ đoạn “chia để trị” của Trung Quốc đã làm với các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Quan hệ với các nước EU xấu đi rõ ràng là một trở ngại lớn cho Tập Cận Bình triển khai “Giấc mộng Trung Hoa”.

Ba là, với Mỹ, những lời qua tiếng lại giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vấn đề dịch Covid-19 càng làm cho quan hệ Trung – Mỹ xấu thêm. Việc Trung Quốc tranh thủ Mỹ bận ứng phó với đại dịch Covid-19 để gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đã buộc Mỹ phải điều thêm các chiến hạm, tàu ngầm và máy bay hiện đại đến hoạt động ở những khu vực này liên tiếp trong thời gian gần đây. Đồng thời, Mỹ thúc đẩy nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) tăng cường hợp tác trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Bắc Kinh. Mỹ cũng đang phát động làn sóng các doanh nghiệp kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế, điện tử rời khỏi Trung Quốc. Trước những diễn biến này, nhiều nhà quan sát cảnh báo về sự đối đầu Trung – Mỹ có thể leo thang thành “cuộc chiến tranh lạnh mới”. Điều này có thể được coi là trở ngại lớn nhất cho Tập Cận Bình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.

Bốn là, các nước “đang phát triển” ở Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ hay Tây Thái Bình Dương thì sao? Có thể thấy đây là những nước chính trong “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Do chịu các khoản vay lớn của Trung Quốc nên nhiều nước đã phải gán những cảng biển, hay vùng đất cho Bắc Kinh thay cho trả nợ, vì vậy họ đều thấy rõ bản chất của “Vành đai, con đường” thực chất là một chính sách “thực dân kiểu mới” của Bắc Kinh.

Đại dịch Covid-19 làm xáo trộn mọi nền kinh tế khiến những nước này càng khó khăn thêm, thậm chí đẩy một số nước rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã lên tiếng đòi Bắc Kinh giãn thời gian thanh toán nợ, thậm chí là xóa nợ.

Ngoài việc các dự án bị chậm tiến độ vì dịch Covid-19, khả năng thanh toán các khoản nợ bằng USD cho các chủ nợ Trung Quốc của các nước này cũng bị tác động vì đồng tiền quốc gia sẽ bị mất giá, do thất thu từ xuất khẩu, nhưng lại phải tăng chi nội địa để tái thiết kinh tế. Một nguồn nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa, được Trung Quốc áp dụng và luôn bị Ngân hàng Thế giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây khó khăn cho việc triển khai “Vành đai, con đường” – một công cụ để Bắc Kinh thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” mà còn tạo ra khối nợ xấu khổng lồ mang tính toàn cầu cho Trung Quốc từ hơn 130 nước tham gia.

Cuối cùng có thể rút ra kết luận: Đại dịch Covid-19 đã làm thế giới hiểu rõ thêm bản chất bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh; làm lộ rõ nhiều mặt trái của sáng kiến “Vành đai, con đường”; làm cho kinh tế Trung Quốc trì trệ và Bắc Kinh đối mặt với khoản nợ xấu khổng lồ; và đặc biệt đã tạo thêm ra nhiều “kẻ thù” cho Bắc Kinh. Qua đó cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình ngày càng trắc trở và có thể sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Điều này hoàn toàn xứng đáng bởi chính Tập Cận Bình là nguồn khởi xướng cho những căng thẳng liên tục ở Biển Đông và khu vực trong thời gian qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới